ClockChủ Nhật, 30/08/2020 07:36

Người yêu quê

TTH - Hồi bé, tôi thấy mấy cụ trong làng hay đến nhà ông Nhật ở cuối xóm; đến chơi thôi nhưng vẫn quần áo chỉnh tề, guốc mộc xách tay, tới ngõ mới xỏ chân.

Phải dứt!Chuyện ở xóm ThươngMùa hạ trong tim

Trước bình minh hay dưới trăng thanh, bên ấm trà hay chén rượu, các cụ cùng đàm đạo cái đẹp trong nghệ thuật thư pháp, thư họa chữ Nho. Ai cũng khen ông Nhật chữ tốt, tốt trong trường hợp này được hiểu là đẹp. Bởi thế, ông thường được bà con trong làng nhờ viết văn bia, trướng liễn, cả những văn tự trong đám tang như lá triệu để thờ hay tờ sớ chữ Nho đặt trên quan tài khi hạ huyệt... đều do ông thủ bút. Dần dần việc ấy như đương nhiên, khi có người làng qua đời, ông lại đem bút mực tới, soạn vải giấy ra rồi cặm cụi viết. Thù lao việc này, chẳng ai nhắc, có chăng chỉ lời cảm ơn.

Ngoài việc cuốc cày, ông Nhật còn là thầy cúng. Cần giờ ngày như ý để cưới hỏi, dựng nhà, ma chay; cần chỗ cát địa để an cư hay an táng... người ta tìm đến ông. Thế là ông rửa tay, chí ít cũng xoa xoa hai bàn tay vào nhau để phủi bụi rồi mới lấy cuốn sách chữ Nho để trên giá. Sau một lúc lật qua lật lại mấy trang sách rồi nhíu mày nhăn trán, ông bắt đầu phán. Cái giọng rề rề nghe phát mệt nhưng được những kẻ thành tâm vòng tay đón lấy. Những bài cúng của ông thì lê thê, toàn lời cổ như dính vào nhau nên dù hiểu loáng thoáng nhưng tín chủ vẫn yên lòng.

Khi xóm làng vận động xây dựng đời sống mới, kẻ tin những điều huyền bí dần xa ông Nhật. Riêng ông, vẫn nặng lòng với đức tin đã thành bất biến. Lễ hội đình làng tri ân tiền nhân vượt biển băng đèo đến đất này khẩn hoang mở cõi; lễ tế nghĩa quân Cần vương dưới cờ chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu trận vong ở làng năm xưa; ngày hiệp kị đồng bào tản cư đến đây bị bom giặc thảm sát hồi trước... ông đều nhớ, mặc bao người đã quên. Vào những ngày ấy, ông lặng lẽ sắm lễ, với khăn áo chỉnh tề, đến đình làng và các miếu thờ thắp hương, khấn vái. Lễ có khi chỉ một ít hoa quả hái từ vườn nhà nhưng bài cúng luôn tuần tự, đủ nghĩa. Dịp đó bọn trẻ chúng tôi vây quanh ông, chờ hưởng lộc; bởi cúng xong, chủ tế phát bánh trái cho cả bọn rồi hạ giọng: “Phải vỗ về để mát lòng người đã khuất thì cõi dương mới an lạc được, các cháu ạ”.

Sau ngày hòa bình không lâu, quê tôi quy hoạch đồng ruộng. Theo đó, hàng ngàn mồ mả cần di dời, vô số hố bom phải san lấp, cỏ lác phải dọn sạch để nhường chỗ cho lúa khoai. Buổi họp thôn bàn đại sự sôi nổi từ đầu tới cuối; ai cũng mừng với viễn cảnh đổi thay của quê mình. Trong khi hàng loạt cánh tay giơ lên tán đồng chủ trương hợp lòng người thì ông Nhật vẫn ngồi im. Trả lời chất vấn của trưởng thôn, ông thủng thẳng: “Tôi cũng đồng ý nhưng trước khi làm, ta nên sắm cái lễ kính cáo thổ thần. Nếu không, ngài nổi giận thì hư sự!”. Mọi người nhìn nhau, nửa tin nửa ngờ. Bỗng Dương- đội trưởng thanh niên xung kích của thôn cất lời bỡn cợt: “Ngày trước, Ngu Công dời núi cũng có cúng bái gì đâu!?” Ai đó gạt ngang: “Vẽ chuyện!”. Sau cùng, trưởng thôn lựa lời từ chối thiện ý của ông. Mọi người đã về nhưng ông vẫn ngồi lại với vẻ bần thần, mắt đăm đắm nhìn về phía cánh đồng mờ ảo dưới trăng.

Hôm sau, người làng dồn ra đồng từ mờ sáng cùng xe xúc, xe ủi và quang gánh, cuốc xẻng. Ai cũng ngạc nhiên thấy ông Nhật lúi húi bên mâm lễ cùng khói hương nghi ngút trên cái gò cao giữa đồng. Chẳng để ý xung quanh, ông lúc ngửa mặt giữa cao xanh, khi quỳ sát đất thành tâm kính cáo thánh thần cái việc kinh thiên động địa sắp diễn ra. Khi tập vàng bạc, áo giấy đã hoá vàng, ông quay nhìn mọi người, mãn nguyện: “Phần tôi xong rồi, mời khởi sự”.

Đợt cải tạo đồng ruộng đã đào lên bao nhiêu là bom đạn giặc chui lủi trong đất. May là chẳng có quả nào phát nổ, ai cũng xuýt xoa mừng. Ông Nhật thầm thì: “Nhờ ơn trên phù hộ đấy”. Dương cãi lại: “Mấy quả đạn han gỉ từ đời tám hoánh nên tịt ngòi, chẳng thèm nổ; chứ ma nào phù hộ?!”. Ông trừng mắt, đuổi theo Dương, chửi té tát: “Câm mồm, thổ thần vặn gãy cổ bây giờ!”. Chàng trai co giò chạy ra xa rồi quay đầu lại, nhe răng cười khiêu khích.

Ông Nhật nổi giận khi thôn xóm thực hiện “bài trừ mê tín dị đoan”. Theo đó, đội thanh niên xung kích do Dương chỉ huy thu dọn bát hương đồ cúng đặt ở những gốc cây hay giếng nước rồi đập bỏ các am miếu trong xóm. Nhận tin dữ, ông Nhật hộc tốc chạy tới, lăn xả vào đám thanh niên đang bừng bừng khí thế với búa tạ, xà beng trong tay. Ông hốt hoảng, dang tay ôm lấy cái miếu to giữa xóm, giọng run run năn nỉ cả đám dừng lại. Hai bên gằng co hồi lâu nhưng ông quyết không nhượng bộ. Dương nắm tay kéo đi nhưng ông trì lại, ngã vật ra nằm vạ rồi kêu la như bị cắt họng. La chán, ông đứng phắt dậy, chỉ mặt đám đông, rành rọt từng lời: “Tôi nói cho các chú biết, động vào chốn linh thiêng, không chỉ làng xã bất ổn mà các chú cũng chẳng yên đâu. Kẻ báng bổ thần thánh, không bất đắc kỳ tử thì cả đời không ngóc đầu dậy được, đời cha không thọ nạn thì cháu con cũng lãnh đủ!”.

Những lời ấy hiệu quả tức thì. Đám trẻ dừng tay, nhìn nhau tái mặt. Thế là một người, hai người rồi nhiều người tiếp theo lần lượt quay lưng. Mặc Dương kêu gào cũng không giữ được những đôi chân trốn chạy, cuối cùng chỉ trơ lại mỗi tay chỉ huy. Cậu ta hằm hằm nhìn ông già phá đám rồi phẩy tay bực tức, bỏ đi. Việc đập miếu dừng lại luôn từ đó.

Ông Nhật thêm một lần xót xa khi nghe đội thanh niên xung kích chuẩn bị chặt hai cây đa đầu xóm để làm sân phơi hợp tác xã. Chỗ ấy được chọn làm sân bởi gần đồng ruộng và kho thóc, lại không cấn nhà ai. Ông phản bác đến cùng việc sát hại cây xanh, bởi vì: “Hai cụ đa này có từ thuở lập làng, linh lắm. Mỗi khi làng sắp có tai hoạ, hai cụ lại se mình, trút lá ào ào để báo trước”. Ông ngẩn ngơ nhìn vòm lá, dang tay ôm lấy cây rồi rưng rưng như nói với kẻ sắp chia lìa: “Ôi linh hồn của làng!”. Ông đột nhiên chắp tay, ngước lên cao, thành kính thầm thì lẫn trong sợ hãi: “Các ngài ngự trên cao xanh ấy rồi sẽ về đâu? Xin đừng trừng phạt con dân dại dột!”.

Ông Nhật không thể ngăn cản chặt cây bởi trước khi tiến hành, Dương đưa giấy mời ông lên cơ quan xã làm việc. Thực ra, ấy là kế “điệu hổ ly sơn”. Khi về, ông đứng sững nhìn hai cây đa đã bị xe ủi đánh bật gốc, cành lá ngổn ngang cùng khoảng không đầy nắng. Ông nhăn mặt lắc đầu, gào lên ai oán: “Trời ơi là trời! Đúng là phá hoại!”. Vẻ đau khổ của người già khiến bọn trẻ đang thu dọn cành lá cũng thôi cười nói. Ông đứng im một lúc rồi gọi cả bọn lại cùng hì hục vần hai gốc cây vào sát sân đình và chỉ chỗ đào hai cái hố to như hố bom, trồng lại. Ông làm giàn che hai gốc cây và ngày ngày tưới nước. Nhiều người đi ngang, lắc đầu bảo “không sống đâu”. Nhưng không, hai cây đa đã hồi sinh, giờ cành lá sum suê.

Khi tôi đang học cấp ba thì xảy ra vụ đắm đò thảm khốc trên sông Ly khiến mười hai con trẻ của làng tử nạn, xóm thôn bàng hoàng trong khăn tang và nước mắt. Không có bà con ruột thịt gặp nạn nhưng chiều nào ông Nhật cũng thất thểu ra bến sông thắp hương, khấn vái. Mấy ngày sau, ông tìm gạch đá, vôi vữa xây tấm bia to ngay tại bến đò. Người bảo, chắc ông ghi tên mười hai nạn nhân lên đó; kẻ nói, hẳn ông viết lời cảnh báo khi qua sông. Nhưng không, trên tấm bia màu trắng hiện rõ đôi câu đối màu đen:

Chếch cánh buồm loan, một thảm một sầu mười lận đận

Sảy tay chèo quế, ba chìm ba nổi sáu lênh đênh.

Nhiều lời khen, cho là những cung bậc đau thương diễn tả trong từng vế đối, nếu cộng lại đều là mười hai - bằng đúng số người gặp nạn. Thế rồi, trước khi xuống đò sang sông, ai cũng dừng bước, dán mắt vào dòng chữ đen đến rợn người. Chẳng rõ điều ấy có giúp được gì để người đi lại trên sông nước quê tôi sau đó mãi bình yên, dẫu bao phen sóng to lụt lớn.

Ngày cụ Nhật mất, những người lập nghiệp xa quê như anh Dương và tôi cũng kịp về. Anh Dương - chàng đội trưởng thanh niên xung kích hay xung đột với cụ ngày nào nay cũng đã năm mươi. Cùng với hội người cao tuổi, anh tình nguyện đứng ra lo hiếu sự bởi cụ không có họ hàng thân thuộc. Anh thưa với bà con chòm xóm xin được trang trải mọi chi phí tang lễ, kể cả khắc bia và xây mộ, “để lòng bớt day dứt trước vong linh người đã khuất”. Nói về người quá cố, giọng anh đau thương: “Cả đời cụ chăm lo cho bà con xóm giềng. Cụ yêu quê bằng cách của riêng mình nhưng đâu phải ai cũng sớm nhận ra...”.

Nói rồi, anh lặng nhìn di ảnh nhòa trong khói hương, ứa lệ.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top