ClockChủ Nhật, 16/04/2023 06:35

Nơi đó có gì không mà nhớ?

TTH - Mẹ bảo sao mẹ nhớ quê đến thế, nhớ như cái thói quen của một người buổi sáng phải ra quán uống một ly cà phê, nhớ như những chuyến xe thèm được lăn bánh trên những dặm đường, nhớ như ánh nắng mặt trời thích ném những tia nắng của mình vuốt ve lên những hàng cây.

Phiêu bạt cùng “Bốn mùa hoang vu xứ Kiwi”

leftcenterrightdel
 

Mẹ rời quê đã quá lâu, lâu lắm rồi. Và bây giờ mẹ thèm ngủ trong mùi rạ rơm tỏa bay vào nhà. Mẹ thèm nghe tiếng con ếch, con nhái kêu trong đêm, thèm món canh tập tàng mà rau là những loại lá hái lượm trên những con mương dọc theo đồng lúa. Với người già, đôi khi một ký ức là nhớ về, một ngọn khói ai đốt lá bay trong chiều là khắc khoải, đợi mong. Bao nhiêu năm ở phố, mẹ đau đáu nhớ quê như thế. Dùng dằng bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng đó, rồi mẹ nói: “Theo mẹ về quê một chuyến con nhé!”.

Nhuận hỏi mẹ có gì không mà nhớ? Mối tình đầu ở đó phải không? Mẹ trả lời là nhớ lắm, dẫu chỉ là một vạt nắng chiều, dẫu chỉ là tiếng cỏ cây xào xạc, là tiếng con cá nhảy tưng hay đôi mắt đỏ hoe vì khói rơm chụm lò tỏa lên mù mịt trong bữa cơm chiều.

Nhuận lớn lên ở thành phố, nơi đèn xanh đèn đỏ mọi nơi, nơi những tòa nhà cao tầng che bóng nắng. Còn mẹ thì khác, thành phố chỉ là nơi nương náu, chỉ là nơi trú ngụ trong cuộc mưu sinh và mẹ vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê đến lạ. Trong phim ảnh, có cảnh chiếc xe chở khách rời bến ở làng quê và cứ thế đi miết trên những con đường mà lướt qua là những hàng cây, là ao cá, là ruộng lúa… Một không gian lạ lẫm. Nhuận chỉ biết làng quê là như thế.

Giờ thì Nhuận cũng đang đi trên một chuyến xe như vậy, như trong phim sau cuộc hành trình dài từ sân bay, rồi chiếc taxi đưa đến bến xe, chiếc xe đò đi từ phố ra ngoại ô, ra xa, rồi qua rừng và dừng lại ở nơi đó - nơi của mẹ. Cái cảm giác ngồ ngộ, cái cảm giác giống như đang đọc được một cuốn truyện hay, mà không biết nội dung như thế nào là của Nhuận trong chuyến tìm về này.

Mẹ nói, ba mẹ rời quê dễ chừng hơn 40 năm rồi. Bốn mươi năm là xa lắc chứ không phải chỉ là những hàng cây chao ngã trong những cơn gió lớn. Cũng chẳng giống những bước chân đi qua trên thảm cỏ. Gió ngưng thì cây đứng yên và bước chân đi trên thảm cỏ thì làm gì để lại được dấu chân? Nhuận nói với mẹ như vậy. Mẹ vuốt mái tóc dài của Nhuận, mái tóc rất đẹp mà thỉnh thoảng mẹ vẫn nấu nước trái bồ kết, gội đầu cho Nhuận.

Thế là Nhuận về quê với mẹ. Quê của ba mẹ với Nhuận là xa lắc, dẫu mẹ có kể Nhuận cũng không thể nào hình dung nổi. Chẳng hình dung nổi cái thuở ba và mẹ cùng đi học trên con đường đê, ven đường là những vạt lúa có khi lên xanh, có khi vào mùa trĩu hạt. Mẹ kể, trên con đường quê đó, ba và mẹ quen nhau và sau đó thành vợ chồng. Những cuộc hẹn hò đôi khi chỉ là ngồi ngắm nhìn lúa chín, là ngắm nhìn đất trời rộng mênh mông.

Cuộc ly hương xảy ra khi Nhuận chưa có mặt trên trần gian này. Nhuận không hình dung nổi ba và mẹ đã hẹn hò nhau như thế nào ở đó, nụ hôn đầu của họ khi nào. Trước đó, thỉnh thoảng mẹ đi một mình, có khi ba đi công tác rồi tạt qua. Mẹ đi rồi về rất nhanh, mẹ kể là nhà quê bây giờ thay đổi nhiều rồi. Con đường nhỏ tí ngày xưa mẹ hay đi học nay đã mở rộng, nhiều ngôi nhà tranh vách đất nay cũng đã là nhà xây. Rồi mẹ nói: “Nhưng dãy núi vẫn còn, ngôi trường mẹ học vẫn còn, những cây phượng già vẫn còn, giếng nước làng vẫn còn”. Những gì mẹ nhắc là thuộc về ký ức, là nhớ về. Có thể nhớ về một đêm trăng lòng bỗng vui giữa mênh mông trong cái tay nắm đầu tiên của mối tình đầu. Có thể là khi những cây phượng già bắt đầu nở hoa là cùng ra đó, nghe tiếng ve sầu kêu nỉ non và hái những chùm hoa đỏ ấy vui chơi. Có thể là con sông với những hàng cây lúi cúi nghiêng mình, thuở hồn nhiên cả trai lẫn gái cùng nhảy ùm xuống mà bơi… Tuổi thơ ở quê của mẹ Nhuận không có.

Mẹ muốn về quê một lần với con cái, dẫu ở đó chỉ còn mình dì Út. Ông bà nội ngoại đã qua đời. Các cô cậu chú bác cũng chia về mọi nẻo đường, đi khắp mọi nơi. Mẹ bảo dì Út không rời khỏi quê vì dì yêu một anh chàng ở đó và hai người đều muốn sống trên mảnh đất mình sinh ra. Mẹ gọi cho dì Út bảo rằng mẹ sẽ về quê chơi, có cả Nhuận. Nhuận rủ chồng, Phong nói như reo: “Ừ, anh cũng muốn về, anh muốn về quê”. Phong nói thật, Phong sinh ra và lớn lên ở phố. Phố có nghĩa là những con đường nhựa cứ xen nhau và những vòng xe cứ lao về phía trước. Phố có nghĩa là muốn trồng cây phải chắt chiu từng góc nhỏ trước nhà, dùng thùng xốp đổ cát vào mà trồng.

Tới quê rồi đó, mẹ nói. “Trời ơi, quê mẹ đẹp quá” - Nhuận thốt lên như vậy khi chợt thấy cả một hàng phượng vĩ tung trời sắc đỏ. Mấy người đi chợ, có người nhận ra mẹ, dừng lại chào. Mẹ bảo người nhà quê là thế, và giờ thì Nhuận hiểu tại sao mẹ đóng một thùng bánh kẹo mang về. Chỉ là để tặng chút quà thơm thảo, chứ không phải là biếu xén gì.

Nhà dì Út ở cạnh con kênh nhỏ, nước trong veo, lại có giàn mướp đang trĩu trái, có cả cây khế già mà dì nói là nó già bằng người già nhất trong làng. Bên cạnh nhà có cái ao cá, cá thỉnh thoảng cứ búng mình lên khỏi mặt nước như thể nó muốn chào người ở phố về thăm. Với Nhuận, tất cả thật sự lạ lẫm, lạ như con đường nhỏ trong xóm, những vách gạch đã bong tróc theo thời gian. Lạ vì cái bếp củi ngộ ngộ, xòe tay hong trong than củi mà rất thích thú. Còn Phong thì lại đi ra cánh đồng, tập thả diều với lũ trẻ trong xóm. Những cánh diều làm bằng đủ loại giấy có được ấy, không phải là loại diều làm sẵn bán trên phố bay trên bầu trời xanh, và xa xa là ngọn núi, nơi mẹ đã từng leo lên trong những ngày tuổi nhỏ để hái những trái me dương hay nho dại và cả những lá sương sâm về chơi đồ hàng.

Đó là những ngày rất lạ. Lạ bởi cứ tạt vào bất cứ nhà ai, ngay tức khắc có tấm chiếu trải ra trước nhà, ngồi bệt trên chiếu uống trà và ăn loại bánh kẹo nào đó có sẵn, là tiếng loa làng thông báo rất vui về quỹ cứu trợ cho trẻ em nghèo hiếu học: “Bà Tám ngõ 2 tặng ba bơ gạo và hai mươi quả trứng vịt. Ông Phụng ngõ 2 tặng ba lít dầu ăn và hai thùng mì gói. Chị Ngạn ngõ 3 tặng 50 ngàn đồng…”. Dì Út giải thích là khi ai đã góp một cái gì đó cho quỹ trẻ em nghèo đều phải công bố công khai trên loa đã trở thành nếp. Rồi dì Út tổ chức một bữa cơm gọi là ra mắt hàng xóm. Chưa có bữa cơm nào mà vui như vậy, người mang qua bó rau, người mang con gà hoặc ký thịt… Rồi mấy phụ nữ trong xóm cùng qua phụ nấu nướng. Ở quê cũng lạ, chia mâm cho đàn ông và mâm cho đàn bà. Chỉ là uống rượu thôi, vậy mà Phong vui với cái kiểu xoay vòng chúc mừng.

Mẹ bảo mẹ ở lại chơi thêm một tháng, Nhuận và Phong về trước. Xe đợi đầu làng, hai vợ chồng đi bộ ra, bao nhiêu người mới quen vậy mà quyến luyến, đi theo tiễn ra tận con đường làng, nơi có chiếc ô tô đợi sẵn. Phong nói với Nhuận: “Ở nơi này có gì không mà anh cũng nhớ rồi”. Xe chạy, Nhuận ngoái đầu nhìn lại làng quê của mẹ. Hình như Nhuận cũng nhớ thật rồi, nhớ gì Nhuận cũng không biết...

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top