ClockChủ Nhật, 25/04/2021 14:01

Nụ cười của cha

TTH - Sau nhiều tháng nắng nứt đầu, Sài Gòn bỗng đổ mưa. Từ hôm qua, sấm chớp bắt đầu đùng đoằng dọa người. Hôm nay trời vẫn im ắng; giữa trưa đổ lửa, nước ầm ầm trút xuống. Cơn mưa xối xả thật to rồi rả rích rơi từng giọt, chẳng được mươi phút lại xối xả trút nước, rồi lại buông những giọt lâm thâm, cứ lặp đi lặp lại như vậy đến cuối buổi chiều, chẳng khác gì tâm trạng của một cô gái giận hờn người yêu, sáng nắng chiều mưa, khóc - cười...

Ngược xuôi đôi ngảĐiện lại bật sáng

Giữa dòng người hối hả chạy mưa, cô toàn thân ướt sũng, trở thành tâm điểm của sự chú ý. Ở một ngã tư dừng đèn đỏ, một cô gái ngồi trên ghế sau của xe máy, núp sau lưng một chàng trai, áo mưa quấn chung cả hai người, chậc lưỡi “đồ điên, có áo mưa mà không mặc”. Những người đi đường khác cũng nhìn cô với cái nhìn dò xét, đoán mò “chắc thất tình rồi...”. Họ đoán mò vậy mà đúng, cô không chỉ thất tình mà vừa nhận được tin người mà cô yêu thương đã bắt đầu một mối quan hệ mới chỉ sau gần 2 tháng chia tay. Sự bắt đầu đó đáng ra là lẽ thường thôi, hậu chia tay ai cũng cần có cuộc sống mới nhưng quá nhanh khiến cô “sốc”, cuồn cuộn những cơn sóng ở trong lòng.

Cô và anh vốn cùng quê ở một tỉnh miền Trung, không hẹn mà gặp giữa thành phố đông đúc hơn 8 triệu dân, gốc gác tứ xứ. Lần đầu tiên gặp nhau, cả hai trái tim đều loạn nhịp, những cảm xúc thân thuộc chưa từng có với bất cứ ai. Tình yêu giữa cô và anh tiến triển một cách tự nhiên, giống như hơi thở, chẳng cần phải học. Cô kể với anh, năm cuối đại học, mẹ của cô qua đời vì bạo bệnh, cô ngã quỵ. Vậy nhưng điều khiến cô suy sụp nhiều hơn là lá thư mà mẹ cô để lại. Cô không phải là con ruột của hai vợ chồng bà. Cô được nhặt về từ thùng rác khi còn đỏ hỏn, trong một túi nilong, không một dòng tin nào của người thân. Hàng xóm dị nghị, cha mẹ cô đã “di cư” đến tỉnh khác để cô lớn lên không bị ám ảnh bởi mấy từ “con đẻ, con nuôi”. Sau đó 4 năm, mẹ cô sinh được một người con gái. Dù có con đẻ nhưng ngần ấy năm, cha mẹ cô vẫn yêu thương cô, thậm chí còn hơn con ruột, như chính họ đứt ruột sinh thành. Cô cũng chưa từng đau đáu hay cố gắng đi tìm cha mẹ ruột, với cô chỉ có cần cha mẹ và em gái ở hiện tại đã quá đủ đầy. Giờ cô chỉ cần thêm anh. Cô hỏi anh “cha mẹ đẻ không cần em, còn anh có lúc nào đó sẽ không cần em nữa hay không”? Anh ôm lấy cô, gạt dòng nước mắt trên gò má, dịu dàng dỗ dành “từ nay có thêm anh yêu thương em vô điều kiện, không bao giờ rời xa em”…

Tình yêu đủ “chín”, cả hai đi đến ý định hôn nhân. Niềm vui chưa tày gang thì cô nghe tin cha nuôi ở quê mắc bệnh suy giảm trí nhớ của người già. Hôm trước, ông quên đường về nhà, đi lạc đường lên tận huyện khác. Cô thương cha, nước mắt như mưa. Cô bàn với anh: “Em gái đang đi học. Mẹ đã mất. Cha dù không có công sinh thành nhưng công nuôi dưỡng cao hơn núi. Em muốn đón cha vào sống chung, chăm sóc”. Anh chần chừ một hồi rồi chấp thuận.

Đón cha vào được ít hôm, mọi việc không đơn giản như cô từng nghĩ. Căn bệnh sa sút trí nhớ dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của ông, nhưng tình trạng lúc nhớ lúc quên khiến ông và cô có lần phải cận kề nguy hiểm. Ông giúp cô lấy nồi cơm, quên rút nguồn điện, chiếc nồi cơm điện phát nổ, khói um lên cả căn phòng. Nửa đêm, cô tỉnh dậy đi lấy nước, chiếc bếp gas đang cháy, cô hốt hoảng dập lửa, sợ hãi đến mức tim suýt bật ra khỏi lồng ngực. Thì ra, cha của cô châm lửa hút thuốc, không tìm được bật lửa, ông bật bếp gas rồi quên tắt. Có lần, anh đến vào đúng bữa cơm. Thương con đang bận tay với chảo dầu trên bếp, ông giúp cô dọn bữa, lật đật khiến mấy cái chén rơi toang, mảnh sứ vương khắp nhà…

Những lần trước anh và cô chỉ tranh luận. Lần này, cả hai đã cãi nhau một trận rất to. Anh buộc cô phải lựa chọn: lấy anh, đưa cha vào một viện dưỡng lão hoặc cô có thể sống cùng cha nhưng cả hai phải chia tay. Cô đã chọn cha, nhưng vẫn cố gắng thuyết phục anh rằng, cô sẽ chuyển công việc sang làm ở nhà. Như vậy, sau đám cưới cô vừa có thể làm một người vợ tốt và một người con có thể tận hiếu với người dày công nuôi nấng mình nên người. Anh giận dữ, tuyên bố chia tay rồi vớ lấy chiếc áo khoác trên ghế, vùng vằng bỏ đi. Cô ngồi sụp xuống, nước mắt ngắn dài trong tuyệt vọng. Người cha đau khổ ngồi xuống bên cạnh, trên tay là những mảnh sứ vỡ vụn mà ông vừa nhặt lên. Ông nói trong nghẹn ngào “Cha ở đây không quen. Mai cha về quê thôi”. Cô ôm chặt tay cha - đôi bàn tay đã vì cô mà nhăn nheo, chai sần.

Đã gần 2 tháng, dù ở nhà nhưng cô vẫn tất bật với công việc trên máy tính và cơm nước cho cha. Có cô, tình hình của ông được cải thiện hẳn. Số lần nhớ nhớ quên quên đã giảm nhiều so với trước. Cô mừng thầm, nhưng điều còn lại khiến cô đau xót là nỗi mong ngóng anh mà không có hồi đáp. Những lần trước giận hờn, anh đều chủ động xuống nước xin lỗi và dỗ dành cô. Lần này cô nỗ lực níu kéo nhưng anh lạnh lùng như tảng băng. Cô nghĩ anh cần thêm thời gian để bình tĩnh lại. Chẳng ngờ nào anh đã bắt đầu một mối quan hệ mới với một người con gái khác quá nhanh, làm sao cô không “sốc” cho được.

Bóng tối buông xuống thật nhanh, cô một mình chạy xe máy lang thang trên đường. Đều là những cung đường quen thuộc in dấu chân của cô và anh. Cô không dám dừng lại chỉ vì lo sợ sẽ vô tình nhìn thấy anh tay trong tay với một người con gái khác. Mưa nặng hạt, trên gương mặt cô, những mớ tóc bết dính vào hốc mắt, cô chẳng buồn vén. Bờ môi lạnh mím chặt, chính cô cũng chẳng thể phân biệt được là nước mưa hay nước mắt đang nối nhau, lăn dài. Trong đầu cô, những hẹn thề “không có em, anh sẽ không sống nổi” hay “anh yêu em hơn bản thân mình, không cưới ai khác ngoài em” đều trở thành dối trá, thừa thãi. Cô liên tục tự vấn “tại sao?”, “tình yêu của anh có thật hay không, hay chỉ như gió thoảng mấy trôi?”. Nước mắt cô rơi lã chã, không có điểm dừng.

Mặt sông ở chốn cũ trở nên u tịch, trong sự tham lam muốn có tất cả bao gồm cả cha và anh nhưng lại bên được bên mất, tự nhiên cô lại cảm thấy bản thân đã thất bại, muốn gieo mình xống lòng sông đen ngòm, biến mất trong đêm tối. Những ngày sau, rồi những người ở lại sẽ tìm thấy cô. Em gái của cô sẽ khóc ngất. Cha của cô sẽ suy sụp, có thể sẽ đột tử bất cứ lúc nào… Còn người đàn ông kia, liệu khi đọc những dòng tin trên báo có tên của cô thì nỗi buồn kéo dài được bao lâu? Hai tháng hay thậm chí chỉ 2 tuần? Nghĩ về sự bạc bẽo, cô quyết phải tự xốc lại chính mình “Chẳng đáng vì một người đàn ông bội bạc mà quyên sinh đời mình, hại cả những người thân yêu”.

Cơn mưa chưa ngớt, cô dừng xe ở trước cửa phòng, người lói ngói như chú gà con mắc mưa, trong khi chiếc áo mưa vắt chéo gọn gàng ở thanh gương xe máy. Cha cô hốt hoảng hỏi đi hỏi lại “răng ướt hết rứa con? Hay là áo mưa rách rồi?”. Ông vội vàng lật ngược lật xuôi chiếc áo mưa đang rỏ nước, băn khoăn “có rách mô hè”? Ánh mắt cha ngập đầy lo lắng. 25 năm qua, cha mẹ đã nuôi dưỡng đứa trẻ không ruột rà máu mủ bằng tình yêu thương như thế. Lòng chợt nhẹ bẫng, cô thấy lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng. Rồi ngày mai tới, cô sẽ gặp một người đàn ông đủ bao dung, rộng lượng, đủ chân thành, để trong hạnh phúc giản dị, có cả nụ cười của cha.

THƯƠNG THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top