ClockChủ Nhật, 13/12/2020 12:55

Điện lại bật sáng

TTH - Chính quyền thành phố vừa có lệnh giãn cách xã hội để chống dịch bệnh, sếp gặp anh chị bảo: “Việc hành chính của anh sẽ có người thay, nhưng việc nuôi quân của chị không có ai thế. Bởi vậy, anh ở nhà chăm sóc hai con, chị vào đơn vị ở lại phục vụ cho đến hết thời gian cách ly”. Từ nhà anh tới cổng đơn vị chừng năm trăm bước nhưng vợ chồng, mẹ con từ đây tạm thời cách biệt.

Ăn cơm ống hútBờ rào hoa nở

Chị tức tốc chạy ra chợ mua lương thực, thực phẩm rồi vội vàng chuẩn bị quân tư trang, không quên cầm theo chai mật ong và chục trứng gà để đắp mặt nạ buổi tối, cả cái vòng để lắc cho tan mỡ bụng. Xe đã nổ máy, chị còn ngoái lại vẫy tay tạm biệt hai con, mẹ buồn như cơm thiu nhưng con cười toe toét.

Vài ngày đầu vắng vợ chẳng khiến anh bận tâm khi đồ ăn thức uống chất đầy tủ lạnh, hai nhóc cũng không nhắc mẹ bởi đã có phim hoạt hình và các trò chơi điện tử. Khi khẩu phần của bố con chỉ còn mấy gói mì tôm và ít trứng vịt, chồng nhớ vợ gắn với nỗi lo cơm nước. Anh mở ví, ngẩn người. Lương chậm cả tháng rồi. Thế là anh cầm thẻ ATM và dắt xe ra cổng.

Phố vắng như sáng mùng một tết, cả người chạy xe cũng thong thả. Hàng cây bên đường đứng thu lu, chẳng thèm trở mình động đậy. Chỗ bùng binh hay bị tắc nghẽn hôm nào, nay đàn chim câu nhà ai sà xuống mặt đường xòe cánh, đấu mỏ, vờn nhau. Nhịp sống đột nhiên chậm lại, chùng xuống như sợi dây thả lỏng. Anh mơ hồ chống chếnh, người như lệch đi, miệng lẩm bẩm câu thơ tự chế: “Hôm nào đường tắc kêu ca/Nay nhìn phố vắng, chu choa là buồn!”.

Sau khi rút tiền, anh ghé chợ; quên thẻ vào chợ nên phải quay về rồi lộn lại. Nhiều lần anh làm xe ôm đưa vợ đến đây nhưng lần đầu thấy đi chợ giống như vào cơ quan trọng yếu. Cả khu chợ được rào bằng lớp lớp dây nhựa sơn màu trắng đỏ, cách một quãng lại có người đứng canh nhằm chống vượt rào. Người vừa bước qua cánh cửa hẹp đã được đo thân nhiệt, kê khai thông tin cá nhân rồi rửa tay bằng cồn sát khuẩn. Nhà chức trách nói qua loa treo trên cao hay đứng dưới đất đều liên tục lặp lại “bà con chú ý giữ khoảng cách tối thiểu hai mét”; “xin đừng dừng lâu”; “hãy vui lòng rời chợ nhanh nhất có thể”… Người thưa, bước vội, hớt hải; cứ như thần chết đang rình rập đâu đây.

Anh tròn mắt ngó gian hàng rau úa vàng, lại héo queo như bị nhúng nước sôi: “Sao vậy?”. Bà bán rau buồn buồn: “Người đi chợ ít, sức mua chỉ bằng một phần lúc trước nên ế”. Anh lựa các loại rau cho vào bịch to, hỏi giá rồi trả tiền luôn. Anh toan quay lưng thì bà nhét thêm cho hai bó dền đỏ tươi non, nheo mắt cười: “Rau này luộc chấm mắm nêm ngon lắm!”. Đáp lại là lời cảm ơn sau lớp khẩu trang. Hình ảnh hai bàn tay đen xỉn bởi mủ rau quả cùng dáng lam lũ của người đàn bà bán rau theo anh suốt chặng về.

Anh vừa tới nhà thì tổ trưởng dân phố gọi, giọng nghiêm trang như trong hội nghị: “Như anh đã biết, tình hình dịch bệnh lần này rất căng nên bà con ta quyên góp ủng hộ những người trên tuyến đầu chống dịch. Tùy tâm nhưng mặt bằng cao hơn những lần trước đấy”. Anh cắt ngang: “Cao là cao thế nào?”. Người kia nhẩn nha: “Theo danh sách bà con vừa đăng ký thì người ít nhất ba trăm ngàn, số đông năm trăm, cá biệt có những người một triệu đồng”. Anh cười đáp: “Bác liệt tôi vào danh sách cá biệt nhé!” Đáp lại là tiếng “tốt” rõ dài.

Lát sau, anh kẹp tiền vào tờ báo và nhét qua khe cổng rồi lùi lại mấy bước. Liền đó, tổ trưởng dân phố tiến tới cầm lấy rồi gật gật đầu thay cho lời cảm ơn. Anh đứng ngẩn ngơ, nhớ hôm nào khu phố tất niên đón tết, anh em ăn uống no say rồi ôm nhau hát, thế mà hôm nay nhìn nhau cảnh giác.

Buổi chiều, anh ngồi nơi phòng khách nhìn mãi ra đường, vắng đến cả tiếng xe. Bỗng dưng anh nhớ giọng nói sang sảng của vợ. Chưa cần la con, nói chuyện thôi mà giọng chị đã to. Chị thường tự nhận, dân biển ăn to nói lớn, hình như để át sóng gió. Lắm lần anh nhăn mặt: “Nói gì to dữ!?”. Chị giật mình, khẽ tự vả vào mồm rồi thu nhỏ âm lượng nhưng chỉ được chốc lát. Khi khác, chị đáp lại vẻ khó chịu của anh bằng giọng tưng tửng: “Hay anh đưa em tới bệnh viện sửa lại dây thanh quản giống như người ta chỉnh dây đờn vậy”. Anh quay đi, cố nhịn cười, giờ nghĩ lại thấy vui vui. 

Anh tự đặt ra việc làm vô nghĩa là đếm người và xe ngang qua ngõ nhà mình. Người đi bộ chẳng thấy ai, xe cũng không mấy chiếc. Anh ngơ ngơ như vô thức, lại lan man xa gần rồi chợt nảy ý thơ:

“Khi chen giữa đám đông đâm bực

Cứ mong nhanh về được tới nhà

Rồi khi quanh quẩn vô ra

Ngoài ngõ, ai đó thoáng qua, cũng mừng”.

Buổi tối, chị gọi về, điều quan tâm trước tiên là cái dạ dày: “Mấy ngày qua bố con ăn uống sao, em lo quá!”. Anh giả gồng mình, nạt lại: “Cứ lo bò trắng răng! Hai đứa còn bảo bố luộc rau xanh hơn, rán trứng thơm hơn mẹ kìa”. Chị chuyển hướng, trêu chồng: “Vắng cái loa nên nhà yên tĩnh, chắc anh thích nhỉ!?”. Anh vọt miệng: “Buồn muốn chết! Nhớ lắm…”. Chị nói khẽ: “Chỉ còn mấy ngày nữa thôi”. Cả hai cùng cười.

Anh sắp lên giường thì thằng Trung gọi. Giọng khu Bốn trọ trẹ, bỏ qua vòng vèo khích khí, chọc thẳng vấn đề: “Cháu vào mạng nghe thấy tổ dân phố 38 và 40 của phường bị phong tỏa, tổ 39 của mình bị ảnh hưởng nhiều không chú?”. Nghe bảo “không nhiều”, nó như reo lên: “Ôi, thế thì mừng quá!”. Anh bất ngờ trước điều quan tâm của đứa cháu khiến anh ít hài lòng nhất trong đám sinh viên thuê trọ nhà anh.

Trung đẹp nhất trong số con trai ở xóm trọ vui vẻ này nên con gái bu đầy. Lắm lúc nó dẫn bạn về ăn uống rồi đàn hát tới khuya khiến anh mất ngủ, bấm đèn pin lọ mọ qua nạt cho. Mấy lần chờ Trung đi chơi về muộn để khóa cổng, anh lẩm bẩm, tự củng cố quyết tâm: “Phải đuổi, lần này nhất định phải đuổi!”. Thế nhưng khi thấy thằng bé dắt xe về, len lén tránh ánh mắt bực tức cùng lời lí nhí “cháu xin lỗi”, anh lại mềm lòng.

Giờ nghe Trung lo cho “tổ 39 của mình”, anh thấy thân thương quá. Nó còn nhắc: “Chú cẩn thận nhé, người gầy như chú coi chừng cô-vi nó bồng đi đấy!”. Trước khi cúp máy, Trung “à quên” rồi thêm: “Bữa kia, cháu là người cuối cùng rời khu trọ để về nhà nhưng quên tắt điện hành lang. Chú tắt giùm nhé”. Anh bảo “được rồi” và mỉm cười lặng lẽ.

Anh bước qua khu trọ kế bên nhà, nhìn quanh, ngẩn ngơ. Mới mấy ngày trước khu nhà đầy ắp tiếng nói cười, nay vắng lặng như nhà hoang. Các cửa đóng chặt, hai dãy phòng đối diện nhau tối om. Lá nhãn khô cong queo như những con sâu róm từ vườn bên cạnh bay qua đầy lối đi, lại đuổi nhau rào rào theo từng cơn gió. Mắt buồn nhìn mấy miếng giẻ lau vắt chéo trên cành khế ở góc sân, lại ngó những chiếc áo mưa tiện lợi rách phất phơ trên dây phơi. Thấy mấy giỏ hoa treo trên hàng rào khô héo, anh lại nhớ bọn con gái chiều chiều thay nhau tưới nước… Vẫn để điện hành lang, anh bật thêm hai bóng điện đầu hồi để khu nhà bớt lạnh lẽo; lại lấy quần áo bọn trẻ để quên ngoài sân đem vô treo trong mái hiên. Anh tần ngần không muốn rời, như luyến tiếc điều gì.

Dù lê thê thì những ngày cách ly xã hội rồi cũng qua. Vợ về! Anh thầm reo trong lòng rồi chạy xe vào tận cổng đơn vị đón chị. Anh lăng xăng như đón khách quí, hết xách đồ, lại chạy ra dắt xe chị lên thềm. Vợ đi trước, chồng đi sau; vợ ngồi, chồng kéo ghế kế bên; vợ xuống bếp, chồng cũng lẽo đẽo theo. Bất chợt anh đưa tay quàng qua cổ chị, vít hai mái đầu chụm vào nhau. Con bé từ trên lầu đi xuống, kéo thằng anh, thảng thốt: “Anh Hai, bố mẹ ôm nhau!”. Chị bối rối gỡ tay anh, mặt đỏ bừng: “Con cười kìa…”. Hai đứa trẻ cùng chạy ùa tới ôm chầm lấy mẹ, rối rít. Tiếng cười nói làm căn nhà đột nhiên ấm cúng.

Bên khu trọ, bọn trẻ cũng đang trở lại, với tay xách nách mang. Thoáng thấy bóng anh, thằng Trung nói lớn: “Cháu chào chú, chà chú có quả đầu bảnh quá!”. Nó khen đểu mái tóc bù xù như tổ quạ do gần ba tháng chưa được tân trang đấy. Đứa khác hùa theo: “Ui, trông chú đẹp trai hẳn ra”; “Cách ly khiến chú mập lên hầy!”. Chúng vây quanh anh, nhao nhao hỏi thăm.

Anh phẩy tay, ra hiệu cho cả bọn im rồi nhìn khắp lượt, mỉm cười: “Chẳng cần các cô cậu nịnh thối thì tôi cũng đem tin vui đến đây. Chủ trọ quyết định chia sẻ khó khăn bằng cách xí xóa một tháng tiền nhà nhé”. Cả đám đang lặng phắc bất ngờ ồ lên: “Hoan hô chú, hoan hô chú!”; kèm theo là tiếng vỗ tay kéo dài theo nhịp hô. Anh đưa tay gạt đám con trai khi chúng nhào vô, định công kênh anh lên.

Điện các phòng lại bật sáng, xua đi những ngày buồn cùng bóng tối.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

TIN MỚI

Return to top