ClockChủ Nhật, 22/11/2020 16:44

Ông đồ

Hoa xuyến chiNgười về để lại

Tránh xa những âm thanh hỗn độn của hàng quán phiên chợ tháng Chạp, ông lặng lẽ chọn một khoảng trống ở ngay cổng chợ quê. Tấm chiếu trải ra, tấm lưng còng đổ xuống trước những xếp giấy hồng điều và nghiên bút mực Tàu đen ánh. Không ai biết ông từ đâu đến, chỉ thấy vài phiên chợ nay, mới sáng tinh sương đã thấy ông ngồi đây, không sai một tấc. Người chợ quê nhận ra ông đồ. Có người bảo ông quê Kinh Bắc, từng lều chõng vào đến tam trường rồi dừng lại. Ông gõ đầu trẻ ở Thuận Thành, nhưng đầu tháng Chạp đã xin gia chủ cho về quê sớm, đi bán chữ kiếm thêm đồng tiền, đỡ cho bà đồ đang ngược xuôi xoay xoả nuôi đàn con nhỏ ở quê nhà.

Ông đồ vẫn đang soạn đồ nghề để cho một ngày mưu sinh. Gia tài ông thật khiêm nhường, vài chiếc bút lông to nhỏ khác nhau, tập giấy đỏ và nghiên mực, nhưng ông có sức hút kỳ lạ với người dân quê, đặc biệt vào dịp chợ tết. Bên trong cái dáng gầy gò, tấm lưng còng, là cái bồ chữ người ta có thể xin mang về trang hoàng trong nhà, để có thêm nguồn sinh lực khi mùa xuân đang đến.

Một người đàn bà trạc ngoài ba mươi tuổi, dắt cậu con trai khuôn mặt bầu bĩnh, vắt vẻo hai dái đào đến trước chiếu ông đồ.

- Dạ thưa thầy, bố cháu mất sớm, chúng tôi phận mẹ goá con côi, sống giữa đường đời thật gian hiểm. Xin thầy mấy chữ thánh hiền, làm nơi nương tựa tinh thần, để mai sau lớn khôn cháu thành người có ích, tránh được con đường sa đọa.

Ông đồ nhìn người quả phụ còn trẻ có dáng con nhà gia giáo, trong lòng đầy nể phục. Ông nhìn đứa con thơ mà bảo rằng:

- Bác có thể cho con hòm vàng, nhưng tọa thực sơn băng, miệng ăn núi lở. Làm sao bằng dạy con một bộ sách, rồi ra thi thố với đời, khiến cho con có thể làm quan, áo gấm mũ thêu, phò tá triều đình, vinh hiển một đời.

Vừa nói, ông đồ vừa lấy ra tờ giấy cắt sẵn, ngẫm nghĩ một lát rồi hạ bút. Trên nền giấy đỏ, những dòng chữ nét mực đen ánh hiện lên dưới ngọn bút lông mềm như nước mà sắc tựa dao: “Di tử mãn doanh kim, hà như giáo nhất kinh, tính danh thư cẩm trục, chu tử tá triều đình”.

Ông đồ đọc say sưa, người mẹ trẻ mắt mở to rạng rỡ. Tuy học hành sơ sài, không được như những người anh em trai trong nhà, nhưng nàng cũng hiểu được đây là  bài trong “thần đồng thi” của danh sĩ họ Uông, thời Bắc Tống, có ý thức giáo huấn, khuyến khích con người từ trẻ tuổi. Đợi mực khô, người mẹ cuộn lại cẩn thận rồi trả tiền thầy đồ. Thằng bé khoanh tay cúi gập người chào ông, rồi tung tăng chạy theo mẹ ra về. Ông đồ nhìn theo bóng họ... nhòa dần. Ông không để ý bấy giờ có một người đàn ông chăm chú theo dõi. Ông khách bẽn lẽn tiến đến trước ông đồ:

- Chẳng giấu gì thầy…, tôi đi làm ăn lâu ngày trên mạn ngược, cũng vì hoàn cảnh thành ra một chốn đôi nơi…

Ông đồ chưa hiểu ý khách, hỏi lại dè dặt:

- Ý ông là …

- Dạ thầy thông cảm, cũng vì hoàn cảnh nên một thân cây mà có hai nhành... Đến nay có ít vốn mới dám đưa mẹ con cháu về tập trung lại một nơi gọi là tổ ấm. Thầy xem cho vài chữ treo trong ngôi nhà mới dựng, để kỷ niệm ngày sum họp.

Ông đồ đã hiểu chuyện, nhưng vẫn còn tủm tỉm hỏi:

- Vậy về đường tử tức, ở hai nhành ra sao?

Đến đây, khuôn mặt ông khách rạng rỡ hẳn lên:

- Thưa thầy, đẹp đẽ cả! Nhành trước được ba trai hai gái, nhành sau một trai một gái, cộng là bảy. Được cái trên dưới hòa thuận…

Ông đồ độ lượng cười to:

- Vậy là ông tốt phúc, lan quế sum vầy.

Rồi ông đồ tự tin, vung ngọn bút lông viết bốn chữ lớn: Lan Quế Đằng Phương.

Ngoài những câu đối đại tự, hoành phi có tính phổ cập chung cho mọi nhà, ông còn đáp ứng nhu cầu của từng vị khách có hoàn cảnh riêng. Khi thì một tấm hoành phi ghi công lao của tiền nhân treo nhà thờ tổ: Quang tiền dụ hậu - làm rạng rỡ đời trước, soi gương sáng đời sau; khi thì một câu đối có tính gia huấn răn khuyên các thành viên gia đình ăn ở phải đạo, lấy trung hiếu giữ nếp nhà bền vững, dùng nhân đức xử thế lâu dài:

Trung hiếu trì gia viễn

Đức nhân xử thế trường.

Người đời có thói quen treo chữ trong nhà để lấy may, lấy khước. Nhà giàu thì mong được sang dùng chữ Quý; người đã sang lại mong được khoẻ mạnh bình yên, thày cho hai chữ Khang Ninh. Cũng có người xin ông chữ Nhẫn, để tự tu thân, bền bỉ giữa đường đời. Ông quá quen với đủ các hạng khách, có thân phận cảnh đời khác nhau và chưa bao giờ làm họ mếch lòng.

Có một ông khách dáng vẻ từng trải giang hồ, dọc ngang trời đất, về già muốn tĩnh lặng, sống cảnh điền viên, rửa tay gác kiếm. Ông ta muốn xin một lời khuyên. Ông đồ hiểu rõ tâm trạng, và đã  chọn cho ông  một bài thơ tràn đầy cảm xúc. “Thổ mạch dương hòa động, thiều hoa mãn nhãn tân. Nhất chi mai phá lạp, vạn tượng tiệm hồi xuân (Đất rộng mênh mông, dương khí mang về. Sắc xuân chớm nở, cảnh vật xinh tươi, xua đuổi màn đông giá lạnh, kìa một cành mai hé nụ. Mưa xuân mát lành, cảnh vật đổi thay). Ông khách vốn là tay giang hồ, cũng thấy hài lòng thỏa nguyện.

Nhưng ông đồ nhớ mãi, một lần có vị khách đã tin cậy dốc hết bầu tâm sự: Mấy năm nay ông đi buôn bè bị thua lỗ, nay muốn giải xúi, đến xin ông chữ dán làm hoành phi. Ông đồ ngẫm nghĩ một hồi, xòa bàn tay ướm trên mặt giấy như đánh dấu làm bốn phần bằng nhau, rồi viết nhanh và dứt khoát bốn chữ “nhi”. Ông khách buôn bè vốn liếng chữ ăn đong, khi nhìn 4 chữ “nhi” hình giống như 4 chiếc bừa trên trang giấy rộng, nên tỏ vẻ không hài lòng. E dè giây lát, ông ta nói:

- Đây đọc là “nhi, nhi, nhi, nhi”  phải không? Đi buôn mà treo toàn Nhi có hợp chăng thưa thầy?

Ông đồ cười vẻ cảm thông và ôn tồn giảng giải:

- Tôi biết ngay là khi đọc bác không bằng lòng. Nhưng thử hỏi, nhà buôn ai chẳng mong lãi nhiều, một thành mười, mười thành trăm, trăm thành nghìn, nghìn thành vạn. Đây không phải chữ của tôi đâu, chữ thánh hiền đấy. Trong  sách “Tam tự kinh” chẳng nói ư: “Nhất nhi thập, thập nhi bách, bách nhi thiên, thiên nhi vạn”. Bốn chữ ấy bác không thích thì còn chữ nào hơn đây?

Người lái buôn mãn nguyện. Hoá ra chữ thánh hiền thâm hậu là vậy. Chữ ở ngoài mà nghĩa lặn bên trong. Ông ta trả tiền còn biếu thêm gói chè mạn ngược.

Chợ đã dần vắng khách, ông đồ sực thấy kiến bò bụng. Ông vội vã xếp dọn đồ nghề thì có hai cậu con trai rõ vẻ là tuấn tú bước đến trước mặt ông cung kính thi lễ:

- Xin thầy giúp con một việc.

- Sao, các anh có việc gì?

Hai cậu kể rằng có một người bạn làm nghề điêu khắc mời họ đến dự tiệc tân gia, mà chưa biết cách đối xử. Ông hỏi nghệ nhân điêu khắc làm nhà ở đâu, một cậu thưa:

- Dạ, nhà cách chân núi chừng trăm mét, xung quanh có suối, xuân thu hoa rừng bừng nở. Gần xa bạn bè văn chương, thơ hoạ thường đến chơi đàm đạo.

Chỉ thế là ông đồ đã hiểu. Ông nói như với mình mà cũng như giãi bầy với khách:

- Thế là bầu bạn tri âm.

Ông đồ lấy những đồng trinh kẽm trong hộp bầy 7 đồng lên tấm giấy như thể đánh dấu. Trong lòng dào dạt cảm xúc của thời trai tráng giao du. Ông hình dung ngôi nhà miền sơn cước lồng lộng gió trời, bốn bề là trăng mây, hương thơm cỏ lạ. Nơi ấy có những bạn bè trao gửi niềm tâm sự để tạo nên tác phẩm để đời. Ông viết:

* Sơn không thù tạc sinh giai phẩm

* Trạch tịnh tri âm khởi tuyệt thi

(Núi vắng, có tri âm nảy nở tác phẩm đẹp

Nhà tĩnh, trong thù tạc thăng hoa những áng thơ)

Một anh reo lên: Hay lắm! Thầy cho chúng con đôi nữa.

Ông đồ gác bút ngồi thở tạo thêm sinh lực. Hai chàng trai nhìn nhau không nói. Họ biết cái giây khắc yên tĩnh kia sẽ mang đến điều kì diệu. Và đồng trinh kẽm lại được bầy lên mặt giấy để phân chia, rồi lần lượt 18 chữ thần tình được hiện lên hai vế câu đối:

* Hiên thượng tảo hoa, quán phong đài mộ vũ

* Thiên không thu nguyệt, thường sơn cước hạ vân

(Sáng ngắm hoa trước cửa, chiều trông mưa trên đài - thành lệ

Thu soi trăng giữa trời, hạ nhìn mây dưới núi - hóa quen!)

Nhìn theo hai chàng trai đi về phía núi, ông đồ thấy lòng vui như thời trai trẻ. Phiên chợ quê tháng chạp như bát nước nóng rồi cũng nguội dần. Đến giờ Mùi thì còn trơ lại những chiếc quán liêu xiêu, và trong ánh nắng xế chiều vàng lành lạnh  bóng ông đồ đang khoác chiếc hòm cũ đổ dài trên con đường giữa đồng…

KHÚC HÀ LINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top