ClockChủ Nhật, 26/05/2019 12:13

Tiếng đàn buồn như tiếng lá rơi

Nghiêng về một phíaBèo nước gặp nhau

Cưới nhau đúng 6 tháng thì Hương lên đường xuất khẩu lao động. Cái làng quê với những con đường cong vút thay đổi hẳn từ những cuộc ra đi như thế. Không ra đi sao được khi làng đông người, mà công ăn việc làm thì ít. Làng trên xây chiếc cổng to do một người của làng đi làm ăn ở nước ngoài thành đạt, về lại làng ủng hộ mấy chục triệu đồng. Chuyện người ta xây cổng đâu có ảnh hưởng gì đến miếng cơm manh áo của nhà mình. Nhưng mấy cụ già đầu tóc bạc phơ, sáng sáng tụ nhau trước nhà văn hóa, pha chè ngồi uống, đánh cờ với nhau kháo chuyện là như thế làng trên đã chặn hết đường danh lợi của làng mình. Nhưng làng nghèo quá, mỗi khi ông tổ trưởng đi quyên góp để ủng hộ cho học sinh nghèo vào năm học mới hoặc góp quỹ làng thì chỉ toàn góp được mỗi gia đình vài bơ gạo, quy ra tiền chẳng được bao nhiêu. Mà xây một chiếc cổng làng mấy chục triệu đồng thì làm gì có được.

Làng nổi tiếng vì cái cũ kỹ của mình, để rồi một hôm có một anh nhà báo tình cờ đi lạc đường ghé qua. Nhìn những mái ngói rêu phong, nhìn con đường cong cong với những bức tường xây gạch không tô trát đã bị thời gian bào mòn và rong rêu bám đầy, anh nhà báo đã la cà hết nhà này tới nhà kia, sau đó về tòa soạn viết một bài báo khiến cho làng trở nên nổi danh.

Sự nổi danh của làng từ bài báo là phụ nữ trong làng rất đông, mà việc làm thì thiếu. Đồng ruộng của làng ép sát vào chân núi nhỏ như một cái nong, làm sao chia đủ đất để nuôi cả ngàn nhân khẩu? Vì thế mà bên lao động xã hội quan tâm, đến tận làng thông báo về kế hoạch xuất khẩu lao động. Giấc mơ thoát nghèo của làng cũng bắt đầu từ đó.

Hương và Quân quen nhau và thành vợ chồng rất đơn giản là hai người là hàng xóm với nhau. Hai cửa ngõ nhà đối diện với nhau, chỉ cần bước dăm bước chân là chạm vào nhà nhau. Quân hiền lành, ít học, hàng ngày phụ mộc cho một xưởng mộc, có tài vặt là đàn hay hát giỏi. Còn Hương thì ngoài việc phụ nhà lo việc đồng ruộng còn là một tay nuôi heo giỏi. Ở nông thôn thì công việc như thế có thể coi như là đã ổn định miếng ăn. Đám cưới xong hai vợ chồng ra riêng, cất nhà ở mảnh đất trống sát núi. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là mái tôn cũ, vách chắp vá cũng bằng tôn cũ, gọi là có mái ấm riêng cho đời sống vợ chồng.

Hương nuôi heo giỏi, nhưng không có đất để nuôi heo, lại đành đi làm thuê theo kiểu: “Ai gọi làm gì làm nấy”, được cái dù là gái quê nhưng nhan sắc mặn mòi, dang nắng suốt ngày mà làn da vẫn trắng nõn dù chẳng hề dùng một thứ mỹ phẩm nào. Cho đến ngày xã thông báo tuyển người đi lao động ở Hàn Quốc, cả làng chỉ có ba người được chọn, trong đó có Hương, hai vợ chồng có cả mấy ngày không làm ăn gì được.

Trong tiếng mưa rơi buồn buồn rơi lộp độp trên mái tôn. Quân ôm vợ thật chặt như sợ một ngày nào đó, sẽ không còn được ôm vợ nữa: “Hương ơi, anh không muốn em đi Hàn Quốc một tí nào”. Còn Hương thì mở mắt, nhìn bóng tối thì thầm: “Chỉ như thế mới thoát nghèo anh ạ, rồi em sẽ về, có số vốn mình mua mảnh đất đàng hoàng ở ngoài huyện, mở hàng tạp hóa buôn bán. Em thích có một hàng tạp hóa”. Có lẽ khi nói tới đó, trong trí tưởng tượng của Hương đã hiện lên một ngôi nhà mái ngói đỏ hồng, hàng tạp hóa chất đầy hàng, tấp nập người mua người bán.

Vậy là chiếu chăn nồng ấm vừa mới quen hơi người đã xa lìa. Chẳng có tiễn đưa như bao nhiêu cuộc tiễn đưa. Hương lên đường vào một ngày nắng đẹp, gió lộng thổi trên những hàng cây keo lá tràm trồng dày trên con đường đê. Mùa lúa chín mới đang bắt đầu, những con chim sẻ tìm mồi bay từng đàn bay về, nháo nhác sợ những ông bù nhìn rơm đặc dày trên những cánh đồng vàng rực lúa chín kia.

Thời gian chờ đợi lúc đầu là nhẩn nha giống như người ta đợi từng giọt cà phê rơi xuống thành ly, những giọt cà phê rơi chậm bởi vì người pha chế nén quá chặt. Quân nhớ vợ điên cuồng như người nông dân nhớ cánh đồng, như dòng sông cạn khao khát những cơn mưa mùa. Khổ cho cuộc tình mới chớm mà đã chia lìa kia là họ đâu có máy tính nối mạng internet và chắc chắn nếu có họ cũng chẳng biết sử dụng ra sao như mọi người vẫn làm. Ở nhà cũng chẳng có một chiếc điện thoại để bàn để nghìn trùng xa nối về một giọng nói. Nỗi nhớ của Quân vì thế cứ vùi trong chông chênh, vùi trong những ngọn cỏ xanh ven con đường đê, thỉnh thoảng vài con ễnh ương trốn lánh đợi đêm về cất lên lời ai oán.

Ba năm trôi qua, thư gửi về nhà đi vòng vòng cả tháng trời từ huyện về xã. Ông văn thư xã vẫn có thói quen đạp chiếc xe đạp phượng hoàng với hai chiếc túi bằng vải bố cũ mèm đi thong dong qua con đường cong queo kia, lên tới tận ngôi nhà heo hắt bên chân núi mà réo: “Quốc ơi, có thư vợ gửi về”. Nhưng lúc đầu trong thư là nhớ thương, thư viết đầy kín những trang giấy như nỗi buồn của người vợ trẻ. Thời gian đôi khi hững hờ với những nỗi buồn xa cách, thư gửi về thưa lần, tiền gửi về qua đường dây của những người chuyển ngân theo kiểu cổ điển là họ tới nhà, bảo ký tên vào tờ giấy nhỏ, đưa ra những tờ tiền đô cũ hoặc mới, rồi họ tự động đổi ra tiền Việt.

Làng mở rộng hơn nhiều so với thời gian trước, dẫu con đường qua làng vẫn cong queo. Nhiều nhà đã xây những căn nhà to, thay vì để mái ngói bám rêu và những bức tường gạch cũ bị bào mòn bởi thời gian. Làng đã xây một chiếc cổng to hơn chiếc cổng của làng trên. Hôm khánh thành chiếc cổng làng, mọi người quyên góp để tổ chức bữa tiệc cũng khác, không còn kiểu xướng danh: “Nhà ông Bon hai bơ gạo, nhà bà Thi hai bơ gạo, nhà cô Tấm năm bơ gạo...”, mà đã là tiền, lại là tiền trăm. Có một ông giám đốc có vợ là con của làng gửi tặng cả một con heo quay để làng trước làm lễ cúng, sau liên hoan. Sự phát triển của làng cũng khiến nhiều người tha phương, hoặc bỏ làng ra phố trở về chung vui, trong đó có Quân. Căn nhà bằng tôn cũ nằm chơ vơ sát bên núi cũng đã gỡ bỏ. Quân đã rời làng ra huyện mấy năm nay, mở quán cà phê sinh sống. Số tiền Hương gửi về cho anh đủ để thay đổi cuộc đời, nhưng anh đã mất vĩnh viễn người vợ vàng son. Hết hạn hợp đồng lao động đã lâu, nhưng Hương đã không trở về, và có thể Hương sẽ trở về với một người đàn ông khác.

Sau ba năm, Hương gửi tiền và kèm theo lá đơn ly dị qua một người vừa hết hạn hợp đồng làm chung với Hương: “Anh ơi, chắc lâu lắm em mới trở về. Anh tha tội cho em anh nhé. Số tiền em gửi anh liệu mà mua cái nhà nhỏ, mở quán cà phê như anh mong muốn. Em và anh Kim sẽ lấy nhau. Anh Kim hiện đã định cư bên này khá lâu, anh sẽ lo cho em thủ tục ở lại”. Người đem thư tới không kể gì nhiều về Hương cho Quân. Anh ta chỉ bảo: “Thôi, hãy lo kiếm một người vợ khác đi, ông bạn”.

Quân cũng khác so với thời khốn khó. Đã hơn ba năm anh rời làng và hơn 6 năm Hương ra đi. Những đứa trẻ trong làng 13, 14 tuổi giờ thành những cô gái đẹp, những chàng trai đẹp. Đám trẻ ấy đang lo cho buổi lễ khánh thành cổng làng.

Trong ngày khai trương cổng làng, kệ mọi người chào hỏi vui mừng, Quân ra núi, nơi căn nhà tôn cũ đầy ắp kỷ niệm, anh ôm đàn hát khi bóng chiều rũ xuống. Tiếng hát của Quân buồn như những chiếc lá vàng mùa thu rơi khẽ khàng trong đêm, có những giọt sương sớm đọng trên những chiếc lá ấy như những giọt lệ tiễn người đi.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay
Đôi mắt hoa cúc biển

Tôi không thích cái cách hắn bước vào cuộc đời tôi nhẹ tênh đến thế, không thích cả cách hắn cười mỗi khi hắn tỏ ý trêu tôi, thậm chí cả ghét với việc hắn khoe đã làm xong một bài thơ và lấy tôi làm “nàng thơ” của hắn. Tôi ghét việc hắn tỏ ra là lãng tử, nghĩ mình lúc nào cũng được khối con gái theo và cả việc tán tỉnh được tôi chỉ là vấn đề thời gian như cách mà hắn nói với đám bạn của hắn. Thế mà trời xui đất khiến thế nào chúng tôi lại vào chung một tổ hợp văn chương: Hắn làm thơ còn tôi viết văn.

Đôi mắt hoa cúc biển
Làng trong nỗi nhớ

Ba năm sau, Huân mới có dịp về làng Dương Nỗ. Sau khoảng thời gian dài dằng dặc xa làng, những lời hẹn thề sẽ trở về làng trong một ngày không xa tưởng chừng đã đi vào quên lãng.

Làng trong nỗi nhớ
Vượt lên nghịch cảnh từ tình yêu với bơi lội

“Không chỉ có thêm sức khỏe, môn bơi còn giúp em tiếp thêm sự tự tin và tình yêu vào cuộc sống”, Nguyễn Thái Dương, nam sinh khuyết tật tại phường Phú Bài (TX. Hương Thủy) chia sẻ.

Vượt lên nghịch cảnh từ tình yêu với bơi lội

TIN MỚI

Return to top