ClockChủ Nhật, 13/05/2018 13:00

Tương tác & gần gũi với công chúng

TTH - Mang tính cởi mở và phóng khoáng, gần gũi, book art (sách nghệ thuật) là một hình thức sáng tạo nghệ thuật đa dạng về chất liệu, ý tưởng, màu sắc đang được nhiều họa sĩ thử sức sáng tạo, mang đến sự tương tác đặc biệt với người xem.

Họa sĩ Tôn Thất Văn & những bức tranh kỷ niệmHọa sĩ Đình Phương: Từ truyền thần đến sơn dầuDấu riêng của họa sĩ HuếCung bậc hoài niệm trong tranh họa sĩ Mai ChâuĐấu giá bức tranh cuối cùng của cố họa sĩ Leonardo Da Vinci

Với hình thức sách nghệ thuật, loại hình này tạo ra sự tương tác với người xem

Học từ người Thái

Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế và Học viện Bunditpattanasilpa, Thái Lan, cuối tháng 4, các họa sĩ - giảng viên Thái Lan đã đến Huế triển lãm các tác phẩm book art sách nghệ thuật, giới thiệu đến công chúng 54 tác phẩm, trong đó có sự tham gia của 37 họa sĩ - giảng viên Thái Lan và 17 họa sĩ - giảng viên Trường đại học Nghệ thuật, đây được xem là triển lãm chuyên sâu book art đầu tiên tổ chức tại Huế.

Ông Den Warnjing đến từ Học viện Bunditpattanasilpa cho hay: “Chúng tôi muốn tạo ra sự trao đổi về ý tưởng sáng tạo với loại hình book art bằng việc họa sĩ Thái Lan và Việt Nam thể hiện nét đặc sắc của văn hóa truyền thống mỗi nước cũng như kỹ thuật sáng tạo book art. Mỗi tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, cách nhìn riêng và book art sẽ trình bày được nhiều ý tưởng của họa sĩ”.

Với tác phẩm book art, các họa sĩ Thái Lan mang đến cho công chúng một hình thức, hơi thở, góc nhìn khác về nghệ thuật. Vẫn là những đề tài quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống đời thường, như: giấc mơ, những lá cây, những tấm lưới, mắt cá trên bãi biển, chú voi trong công viên hay sắc màu của những bông hoa... nhưng bằng kỹ thuật tinh tế, họ đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.

PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, cho rằng: “Lâu nay, chúng ta nghĩ book art thể hiện những chủ đề sâu xa lắm nhưng khi xem các nghệ sĩ Thái Lan thể hiện tác phẩm mới thấy nhiều cái đơn giản, đời thường được họ nâng lên thành nghệ thuật. Tay nghề của họ rất cao trong diễn tả nghệ thuật nhưng đề tài gần gũi. Đây là điểm độc đáo mà chúng ta cần học tập. Triển lãm này cũng cho thấy, chúng ta chậm tiệm cận với các loại hình nghệ thuật mới của thế giới”.

Tác phẩm của họa sĩ Komes Kuntig (Thái Lan)

Lôi cuốn

Cũng theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, dù nghệ thuật sách không còn xa lạ với công chúng ở Việt Nam nhưng nó vẫn có một phong cách riêng kỳ thú và lôi cuốn bởi sự khám phá và trình bày, thể hiện đa hình thức cá biệt và cả dị biệt về thị giác. Ông nhấn mạnh: “Chính ở đặc thù là một chuỗi, một tập hợp tư duy thị giác hình ảnh mà mỗi tác phẩm book art là sự mở rộng góc nhìn, mở rộng tư tưởng và sự nghĩ suy ở mỗi tác giả. Cũng chính từ thuộc tính rất đặc trưng này của book art mà công chúng được cảm thụ và có cái nhìn sâu hơn vào thế giới sáng tạo, hiểu hơn về tâm trạng và tình cảm của mỗi nghệ sĩ. Điều đó tạo nên sự níu kéo mạnh mẽ đối với người xem khi đứng trước mỗi tác phẩm book art”.

Trong quá trình thực hiện, tác phẩm book art có thể  nảy sinh thêm nhiều sự kết nối ngẫu nhiên, tạo cho người họa sĩ hứng thú sáng tạo. Mỗi trang sách có thể coi là một bức tranh mini nên tác phẩm book art đòi hỏi người họa sĩ phải cầu kỳ trong công đoạn kết nối các trang sách để tạo sự gắn kết cả nội dung và hình thức.

Tiếp xúc với book art từ năm 2015, họa sĩ trẻ Trầm Thị Trạch Oanh, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật, khá thành công khi sáng tạo tác phẩm theo loại hình sách nghệ thuật. Với cô, book art là loại hình nghệ thuật hay và thú vị: “Book art như một cuốn sách nghệ thuật ghi lại sự chuyển động, sức hút và có khả năng liên kết. Nó thể hiện cảm xúc qua từng trang sách và hoàn toàn có thể sử dụng bất kỳ chất liệu hay kỹ thuật nào để thể hiện. Lợi thế của loại hình nghệ thuật này là thể hiện được chuỗi cảm xúc của tác giả và người xem có thể trực tiếp tương tác cùng tác phẩm qua việc lật từng trang sách”.

Tác phẩm “Âm vang sóng biển” bằng thể loại book art của Oanh là cuốn sách nghệ thuật ghi lại giai điệu của biển cả hòa với thiên nhiên lúc hoàng hôn. Sử dụng chất liệu đồ họa với nét và mảng chủ đạo, Oanh lột tả vẻ đẹp của biển cả qua từng trang sách với những hình ảnh sinh vật quen thuộc: cá, ốc, sao biển, san hô, rùa biển...

Tác phẩm book art bằng gốm của họa sĩ Prasit Mukdamanee (Thái Lan)

Cuốn sách tương tác của họa sĩ Đỗ Kỳ Huy kể lại câu chuyện về cuộc đời của cha mình là họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng bằng nghệ thuật tương tác. Lật mỗi trang sách, người xem được nghe một âm thanh khác nhau. Đó là tiếng chèo đò khi họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đang ở rừng U Minh, là tiếng súng, tiếng quân hành khi ông đi chiến trận. Xuyên suốt trong tác phẩm luôn xuất hiện tiếng chim hót và tiếng mưa.

Hiện nay, loại hình nghệ thuật book art vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến công chúng. Ở Việt Nam, thể loại này còn rất mới, ít người thực hiện. Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế đã lồng ghép giảng dạy trong học phần Composition của bộ môn đồ họa và đạt được hiệu quả nhất định, tạo sự hứng thú cho sinh viên. Một số họa sĩ, giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật cho thấy khả năng tiếp cận với nghệ thuật mới của thế giới rất nhanh khi sáng tác tác phẩm book art với hình thức diễn đạt mới lạ.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Linh hoạt để gần gũi người lao động

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, người lao động.

Linh hoạt để gần gũi người lao động
Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng

Tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng và tìm hiểu, cảm nhận vùng đất mới là cách để sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng
ILO kêu gọi G20 giảm bất bình đẳng, khuyến khích đa dạng trong thế giới việc làm

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Gilbert F. Houngbo đã lên tiếng kêu gọi các Bộ trưởng Lao động và Việc làm thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện hành động mang tính quyết định để giảm bất bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và khuyến khích sự đa dạng tại nơi làm việc.

ILO kêu gọi G20 giảm bất bình đẳng, khuyến khích đa dạng trong thế giới việc làm
Return to top