|
Truyền thông sinh động hơn theo hình thức hỏi đáp có quà |
Tranh thủ ngoài giờ làm việc
Hơn 4h chiều, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh bắt đầu hành trình đến khu công nghiệp Phú Đa để tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật cho công nhân tại Công ty TNHH Sơn Hà Huế. Không chỉ dừng lại ở việc phổ biến các quy định pháp luật, chương trình truyền thông còn tập trung vào các chủ đề như sức khỏe sinh sản, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc... Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Hiền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh, việc chọn thời gian tổ chức ngoài giờ hành chính là yếu tố quan trọng để người lao động có thể tham gia, vì ban ngày họ phải tập trung làm việc theo ca kíp.
Nhận thức công tác tuyên truyền chỉ thực sự hiệu quả khi gắn kết với nhu cầu và sự quan tâm của người lao động, các cấp công đoàn đã đổi mới phương pháp. Thay vì tuyên truyền theo hình thức thụ động, những chương trình giao lưu hai chiều, hỏi đáp có quà và các trò chơi trắc nghiệm kiến thức đã được áp dụng. “Sau một ngày làm việc mệt mỏi, nếu buổi truyền thông không sinh động, người lao động sẽ dễ buồn ngủ và không tiếp thu được kiến thức mà chúng tôi muốn truyền đạt”, bà Hiền nhấn mạnh.
Hào hứng với các nội dung tại buổi truyền thông, nữ công nhân Trần Thị Thu Trang cho hay, thông qua các nội dung được chia sẻ, tôi nắm rõ hơn những thiệt thòi khi rút bảo hiểm một lần và cũng biết thêm những quyền lợi của nữ lao động trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ.
Ngoài việc tổ chức các lớp học trực tiếp tại cơ sở, LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương và các kênh truyền thông trực tuyến như trang mạng xã hội (facebook, zalo, fanpage) để phổ biến thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện khoảng 100 bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử về hoạt động của các cấp công đoàn. Ngoài ra, gần 600 cuộc tuyên truyền trực tiếp đã được tổ chức tại các cơ sở, thu hút hơn 30.000 lượt đoàn viên và người lao động tham gia. Những con số này cho thấy sự nỗ lực của các cấp công đoàn trong việc đưa thông tin đến với người lao động một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tập trung nguồn lực và đổi mới phương pháp tuyên truyền
Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong công tác tuyên truyền của các cấp công đoàn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, đoàn viên, người lao động dễ dàng tiếp cận một lượng lớn thông tin đa dạng từ các nền tảng như facebook, zalo, tiktok, nhưng không phải tất cả đều chính xác hay đáng tin cậy. Điều này dẫn đến nguy cơ tiếp thu những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, làm giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền chính thống.
Trong khi đó, trình độ và kỹ năng của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân một phần là do chưa được đào tạo bài bản về các phương pháp tuyên truyền mới, dẫn đến việc thiếu sự chủ động trong nghiên cứu và áp dụng những hình thức truyền thông hiện đại. “Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và biên soạn các tài liệu phù hợp để tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể”, một cán bộ công đoàn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh, thấy rõ những thách thức trên, Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh đã chủ động tham mưu xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giai đoạn 2024-2028. Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền. Các chương trình tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền và khả năng sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại, giúp đội ngũ cán bộ công đoàn trở nên linh hoạt hơn trong việc tiếp cận và truyền đạt thông tin tới người lao động.
Một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược tuyên truyền là phải chú trọng đến đối tượng người lao động tại các doanh nghiệp. Các phương pháp tuyên truyền phải được điều chỉnh để phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp. Các buổi tuyên truyền không chỉ diễn ra tại các khu công nghiệp lớn, mà còn phải lan rộng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi người lao động thường ít có điều kiện tiếp cận với các chương trình giáo dục về pháp luật và quyền lợi của mình.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết, công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động là một nhiệm vụ quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động của các cấp công đoàn. Việc đổi mới phương pháp và nội dung tuyên truyền không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người lao động, mà còn tạo điều kiện cho họ hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong doanh nghiệp. Để đạt được hiệu quả cao hơn trong công tác tuyên truyền, chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa về nguồn lực và đổi mới phương pháp.