Cảnh đẹp Lăng Cô là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn, nghệ sĩ. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn
Ở đây, các trại sáng tác được tổ chức có sự tác động hai chiều cần nhìn nhận. Về phía các văn nghệ sĩ, đây là dịp tốt để họ sáng tác các tác phẩm có chất lượng. Chỉ trong dịp kỷ niệm 10 năm kỷ niệm vịnh biển đẹp thế giới Lăng Cô, qua một trại sáng tác, đã có hàng chục tác phẩm văn học, nhạc, họa, ảnh với nhiều thể loại tôn vinh giá trị của vùng đất này. Từ đây, nó có sức lan tỏa, quảng bá những hình ảnh đẹp của Lăng Cô ra với công chúng trong tỉnh, trong nước và cả thế giới. Giá trị vật chất bỏ ra không nhiều (kinh phí tổ chức trại sáng tác), nhưng giá trị tinh thần mà nó đưa lại có khi gấp nhiều lần.
Về phía các huyện, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, có một điều rất ngạc nhiên là họ có nhu cầu “tự thân” mời các văn nghệ sĩ về quê hương của mình để sáng tác. Các văn nghệ sĩ muốn sáng tác gì thì sáng tác, không hề đặt ra “đề bài”. Nói ngạc nhiên là vì điều này trước đây chưa hề có. Tại sao bây giờ nó lại phát sinh nhu cầu này? Lần hồi tìm hiểu, câu trả lời chung nhất là họ muốn những nét đẹp về thiên nhiên của quê hương, những cái hay về văn hóa truyền thống; những cái đẹp trong đời sống thường nhật của người dân… được quảng bá rộng rãi. Biết đâu từ đây có thể tạo ra những tiền đề để phát triển du lịch dịch vụ. Nhưng điều quan trọng nhất là giới lãnh đạo đã chú trọng nhiều hơn đời sống tinh thần. Tinh thần ở đây hết sức cụ thể: qua từng bức tranh, bức ảnh, qua từng ca khúc viết về quê hương… TS. Phạm Nguyên Tường, Trưởng khoa Ung bướu – Bệnh viện Trung ương Huế, mặc dù là bác sĩ, tưởng không “dính dáng” gì đến văn học nghệ thuật nhưng trong người lại “đầy chất văn”. Sau nhiều lần đến A Lưới, kể cả những lần tham gia trại sáng tác, đã sáng tác một trường ca mang “âm hưởng sử thi” – “A Lưới đồng bào mình” nhiều tiếng vang. Thì ra, văn học nghệ thuật không dành riêng cho một ai, chẳng là đặc ân cho giới nào… miễn là người ta yêu thích nó.
Sự phát triển bền vững bao giờ cũng cân bằng hai yếu tố vật chất – tinh thần, văn hóa. Hoạt động của doanh nghiệp cái chính là làm ra của cải vật chất, thúc đẩy thương mại phát triển nhưng trong đó, vẫn cần và chứa đựng yếu tố văn hóa – văn hóa doanh nghiệp. Làng xã có văn hóa làng xã; đô thị có văn minh đô thị; gia đình có nền tảng văn hóa gia đình; xã hội có những giá trị văn hóa cốt lõi…
Như vậy, đời sống của con người cũng như của xã hội đều cần đến hai yếu tố này. Tuy nhiên, thật tâm ngẫm lại, có một lúc nào đó, trong mỗi chúng ta quên mất một điều, hoặc ít quan tâm đến nó - đời sống tinh thần. Dễ nhận thấy nhất là lúc con người ta còn nghèo khổ, “ăn chưa no, co chưa ấm”. Không phải là tất cả nhưng xem ra phần lớn là vậy! Cho nên, những “biểu hiện” quan tâm, quý trọng, thích thú… với hoạt động văn học nghệ thuật của những người không phải hoạt động trong lĩnh vực này mà ở lĩnh vực “chính trị”, kinh tế lại là điều càng đáng mừng hơn.
Những ngày cuối tháng 5 này, một trại sáng tác văn học nghệ thuật được tổ chức một lần nữa tại huyện Quảng Điền. Những nét đẹp của đầm phá; đời sống sinh hoạt của đồng quê, các làng nghề… có lẽ là những điều mà các văn nghệ sĩ và lãnh đạo huyện quan tâm. Tiếp sau đó là trại sáng tác do Công an tỉnh tổ chức tại huyện Phú Lộc. Mong muốn có thêm nhiều những hoạt động như vậy để làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân. Tất nhiên, trong đó có văn nghệ sĩ, có lãnh đạo, người dân… và tất cả chúng ta.
Nguyên Lê