Khu du lịch tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm là "tên chữ" sau này, còn với người Huế, nhiều người vẫn quen gọi với cái tên Quan Âm Phật Đài. Đây là công trình tượng đài Quán Thế Âm Bồ tát đứng trên tòa sen, một tay bắt ấn, một tay cầm bình cam lồ quen thuộc như thường thấy; nếu tính luôn cả phần chân đài, công trình có tổng chiều cao chừng 18m.
Đến 2018 này, Quan Âm Phật Đài có tuổi đời đã nửa thế kỷ (1969). Tôn tượng Bồ tát đứng hiền từ, uy nghiêm trên đỉnh núi Tứ tượng của xứ Thủy Bằng. Còn nhớ cho đến những năm 1980, công trình vẫn chơ vơ giữa vùng đồi núi hoang hóa, ít có người lui tới. Thỉnh thoảng, chúng tôi được sư Từ Phong, người được giao trông coi tượng đài lúc ấy rủ đi chơi. Mấy thầy trò phải chuẩn bị gạo cơm, củi lửa, đèn đuốc, chăn màn, nước nôi, dao rựa, chổi,... không khác một cuộc đi trại. Đạp xe đến chân núi, mấy thầy trò còng lưng người dắt kẻ đẩy theo con đường mòn nhỏ để lên tượng đài. Đến nơi là... thở. Thở xong, sư cắt cử ai mô việc nấy, người quét dọn, kẻ phát cây... xong việc mọi người dâng hương lên Bồ tát, rồi mới lo cơm nước. Tối, mấy thầy trò cung kính cử hành một thời lễ trước tôn tượng. Rồi dưới ánh trăng lồng lộng, người kể chuyện, kẻ ngâm thơ, múa võ, hoặc hát hò tùy theo sở trường. Thầy trò trò chuyện đến quá nửa đêm, rồi ôm nhau ngủ dưới ngàn sao khoáng đạt... Sau này, công trình được giáo hội tiếp nhận, Quan Âm Phật Đài được đầu tư tôn tạo và trở thành địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng như bây giờ.
Lễ hội Quán Thế Âm vào tháng 6 (AL) hàng năm được Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức trang trọng với các nghi lễ phật giáo truyền thống, trang nghiêm cầu cho Quốc thái dân an, Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, chúng sinh an lạc... Người ta tính có hàng vạn phật tử và du khách đổ về vào mỗi dịp lễ hội như vậy để cùng nhất tâm cầu nguyện. Chính quyền sở tại cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các kỳ lễ hội diễn ra tốt đẹp. Giờ đây, không chỉ có mùa lễ hội, hay dịp cuối tuần, mà vào cả những ngày bình thường, Quan Âm Phật Đài vẫn có rất đông du khách, phật tử tìm về chiêm bái. Mùa thi vừa rồi, cô đâu trò đấy kéo về đây cầu nguyện. Linh thiêng chưa không biết, nhưng hình ảnh các cô, các cậu học trò sau suốt cả thời gian dài sôi kinh nấu sử, nay đứng trước tượng đài thành tâm khấn nguyện, tìm thêm một chỗ dựa tinh thần, một chút tự tin trước ngày ứng thí, thấy thánh thiện và dễ thương vô ngần...
Theo kinh sách nhà Phật, Quán Thế Âm Bồ tát là hiện thân cho lòng từ bi. Ngài có thể nghe được tiếng kêu cầu của chúng sinh để tức thời cứu khổ cứu nạn (tầm thanh cứu khổ). Tuy nhiên, Quan Âm Bồ tát cũng là hiện thân cho việc đối trị, không khoan dung với cái xấu, cái ác.Trong một xuất tượng của ngài, một bên đeo bình thuốc (để chữa bệnh), một bên đeo thanh đao (để trừ tà) là vì vậy. Cho nên, đến với Quan Âm Phật Đài, cần phải tâm trong ý sạch, biết lánh trừ cái ác, cái xấu, biết siêng năng làm việc, học hành... thì mới mong được Bồ tát phù trì ứng nghiệm. Lễ hội Quán Thế Âm, Khu du lịch tâm linh Quán Thế Âm, vì thế trong một góc độ nhất định, đang chung tay tạo dựng một xã hội hướng thiện, nhân văn và tích cực.
Huy Khánh