Bài thơ vịnh con hổ cùng điển tích diễn giải của vua Thiệu Trị
Vua Thiệu Trị là một tác giả có nhiều trước tác viết ở nhiều dạng thể, tính chất khác nhau. Chỉ trong 7 năm trị vì, nhà vua đã trước tác được 7.800 trang viết gắn với 18 tập sách, trong đó phần thi ca chiếm ưu thế với hơn 3.200 bài. Đặc biệt, nhà vua có một bộ thơ đồ sộ "Ngự đề đồ hội thi tập" với tổng số 910 trang, chia thành 4 tập với 14 quyển, hiện nay bản gốc đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm, Hà Nội. Đây là một ấn bản công phu thuộc loại bậc nhất trong hệ thống thơ ngự chế của hoàng đế thời Nguyễn, cũng là ấn bản đẹp nhất trong thư tịch cổ Việt Nam.
"Sách Đại Nam thực lục" có chép, vào mùa hạ năm 1844, sau khi tập thơ ngự chế có vẽ đồ họa biên tập đã xong, viên quan Nội các là Phạm Thế Hiển dâng tấu có đoạn: “Bọn thần: Bí các được hầu, khuê văn trông ngóng, kính xét tập đầu, tập thứ hai, các bài thơ ngự chế; tùy từng việc mà hạ bút, gặp sự vật mà nên lời... Vậy nên quên cả mình kiến thức nông hẹp, xin đem các bài thơ trong tập cung đề những nơi danh thắng cổ tích, thời tiết nhân vật, chia ra từng loại để biên soạn, đều vẽ đồ phụ vào; rồi lại chiếu bài vịnh trong các loại, tuỳ loại biên chép, tuân theo bút pháp ngự viết ra, cẩn thận đằng tả”.
Vua Thiệu Trị đồng ý với bản tấu này và làm bài tựa để đề vào tập thơ, có đoạn rằng: “…Nay các viên trong Nội các là bọn Phạm Thế Hiển, trích đem các bài trong tập thơ, bài nào có thể miêu tả thành bản vẽ thì, xét theo muôn loại, biên vào thành sách, đều làm bức vẽ phụ thêm vào, dâng lên trình lãm”. Cho thấy, đây là một tập thơ được các quan Nội các tuyển chọn từ các bài ngự chế được vua Thiệu Trị sáng tác ở nhiều thời điểm, sắp xếp lại hệ thống, vẽ tranh minh họa rồi phân chia đề mục, đặt nhan đề từng phần, nhan đề của toàn tập. Hơn một năm chuẩn bị, tiến hành công phu, kỹ lưỡng, từ tháng 5/1844 đến tháng 6/1845, "Ngự đề đồ hội thi tập" mới được in xong.
Bộ thơ tập trung vào làm 3 phần ngự đề về danh thắng, cổ tích và nhân vật, với hơn 330 bài thơ cùng cả trăm bài dẫn theo lối biền ngẫu giới thiệu về chủ đề lớn của các cảnh sắc. Trong tập này có phần Ngự đề nhân, vật đồ hội thi tập. Ở phần đề vịnh vật, ngoài các đề vịnh các loài hoa, quả, có 12 bài thơ vịnh 12 con vật gồm: Sư tử, hổ, báo, beo, voi, ngựa, gấu, nai, hươu, dê, trâu, lạc đà. Điều thú vị là tương ứng với mỗi bài thơ là một bức tranh vẽ minh họa con vật được đề vịnh ấy. Các bức tranh vẽ đều do đại thần Phạm Thế Hiển cùng thuộc viên ở Nội các thực hiện. Tại tờ 32b, 33a quyển 14 là bức tranh vẽ con hổ và bài thơ vịnh về “con Hổ” của vua Thiệu Trị. Nhân năm Nhâm Dần, xin giới thiệu bức tranh vẽ và bài thơ đề vịnh Hổ này:
Phiên âm: Hổ
Bút ý truyền thần mạc khả danh,
Ban nô vật khiếu dục phong sanh.
Phụ ngu dũng hãn đam đam thị,
Xuất hiệp bào hao trục trục hành.
Cốt tiết dã nan kỳ bị chí,
Trảo nha nghiễm dĩ các tranh nanh.
Vị thành văn thái thôn ngưu khí,
Khởi hữu liêu đầu hiến lộc hình.
Dịch thơ:
Vần bút tả chân khó vẽ thành,
Gầm gừ sườn núi gió vang quanh.
Góc hang dũng mãnh đăm đăm dõi,
Xổng cũi thét gào đuổi đuổi nhanh.
Xương cốt rắn bền trông đến sợ,
Vuốt răng sắc nhọn thấy mà kinh.
Dù chưa lớn nuốt suông trâu mộng,
Chuyện hổ dâng hươu có đáng tin?
(Hải Trung dịch)
Thơ vua Thiệu Trị thường chứa nhiều điển tích gắn với trình độ kiến văn của nhà vua. Hai chữ đầu ở câu thứ tư (Xuất hiệp), nhà vua sử dụng một ý trong Luận Ngữ: “Hổ hủy xuất ư hiệp” (Cọp tê xổng khỏi cũi) nhằm miêu tả trạng thái tự do, phóng túng cao độ của mãnh chúa sơn lâm. Kết thúc bài thơ, vua Thiệu Trị dẫn giải và bình luận nguyên một điển tích trong Hiếu Tử truyện. Xin được dịch nguyên nghĩa như sau: Hiếu Tử truyện (có chép): Quách Văn đời Tấn gặp hổ, hổ bỗng nhiên há miệng hướng về ông. Quách Văn nhìn thấy có xương ngang trong miệng hổ liền thò tay lấy vứt đi. Hôm sau, hổ liền tha một con hươu đến dâng tặng. Thuyết này thật chắp vá đáng cười. Thi Tử cho rằng: hổ báo còn non, tuy vằn vện chưa thành đã có thói nuốt trâu. Trang Tử lại nói rằng: nâng đầu, bện ria hổ hầu như chẳng thoát miệng hổ. Há có chuyện dâng hươu chăng (?).
Dẫn giải điển tích, nhà vua bình luận là thuyết này thật chắp vá đáng cười, để rồi cuối cùng mới hồ nghi là có thật sự có chuyện dâng hươu (như điển tích trên) không. Và do vậy, hai câu kết bài thơ, vua Thiệu Trị mới nhận định: Hổ tuy chưa lớn đủ vằn vện (đủ lớn) đã có khí nuốt trôi con trâu mộng thì khó mà có chuyện xoa đầu khiến hổ dâng hươu. Bởi đó là khách quan, con hổ luôn gắn với khí chất hung tợn của loài mãnh hổ đến vẽ cũng khó mà lột tả hết được thần thái của mãnh chúa sơn lâm như mở đầu bài thơ mà vua Thiệu Trị đã viết: Vần bút tả chân khó vẽ thành…
Bài, ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung