ClockChủ Nhật, 08/09/2019 07:04

Bảo tàng văn hóa Huế: Hướng đến mô hình bảo tàng đời sống

TTH - Với các trưng bày chuyên đề, hoạt động trải nghiệm về văn hóa, Bảo tàng Văn hóa Huế đang nỗ lực xây dựng một bảo tàng đời sống, nơi trưng bày cô đọng, phản ánh chân xác, sinh động các khía cạnh văn hóa Huế.

Thiếu nhi tập làm bánhTrải nghiệm nghề truyền thống HuếThiếu nhi học làm bánh

Nghệ nhân Mai Thị Trà hướng dẫn làm bánh cho các em thiếu nhi

"Sống lại" không gian văn hóa Huế

Tháng 6 năm ngoái, trưng bày “Hương sắc bánh Huế” do Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức đã làm “sống lại” các loại bánh tưởng như đã thất truyền, như: bánh phục linh, bánh dứa, bánh lá vải, bánh bắt... Trong không gian trưng bày này, mấy mươi loại bánh được giới thiệu chi tiết từ nguyên liệu, dụng cụ đến quy trình chế biến làm mãn nhãn những ai là “tín đồ” của ẩm thực. Người xem tỏ ra thích thú khi xem các nghệ nhân trực tiếp trình diễn làm bánh.

Trước đó, không gian trưng bày “Đám cưới cổ truyền Huế” cũng giúp người xem hiểu thêm về nét đẹp bình dị, đặc sắc trong phong tục cưới hỏi của người dân Cố đô. Những hình ảnh về đám cưới xưa với các bước lễ nghi cơ bản, cách bài trí bàn thờ gia tiên, mâm lễ vật cho đến những tư liệu quý, hiện vật có giá trị trong đám cưới của người dân Huế khoảng thập niên 60 và 70, như: thiệp cưới, giấy hôn thú, áo dài cưới, các bản hương ước, luật lệ xưa… được Bảo tàng Văn hóa Huế tái hiện lại sinh động, chân thật. Cả hai trưng bày “Bánh Huế” và “Đám cưới cổ truyền Huế” hiện được trưng bày cố định tại bảo tàng.

Để có những không gian trưng bày ấy, Bảo tàng Văn hóa Huế đã tiếp xúc với các nghệ nhân, những nhân chứng sống, những người dân có liên quan để tìm hiểu, sưu tầm hiện vật. Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, chia sẻ: “Mỗi trưng bày, chúng tôi phải chuẩn bị tầm 3-6 tháng, khá công phu trong khâu sưu tầm, phục chế hiện vật, điền dã, phỏng vấn người trong cuộc để giúp người xem cảm nhận được một không gian thật sự sống động và đầy cảm xúc. Riêng trưng bày bánh Huế, ngoài sưu tầm hiện vật, kết nối với các nghệ nhân giới thiệu một số loại bánh dường như đã thất truyền, bảo tàng còn ươm, trồng các loại cây lá liên quan để thích nghi với không gian trưng bày”.

Các hoạt động trưng bày đều có sự ủng hộ, góp sức và tâm huyết của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu. Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết và tích cực hỗ trợ hiện vật, góp ý đề cương trưng bày, họ cũng chính là những nhân chứng sống, tạo ra sự tương tác, kết nối công chúng tìm về những giá trị xưa.

Từng đồng hành với nhiều hoạt động của Bảo tàng Văn hóa Huế về ẩm thực, nghệ nhân Mai Thị Trà tâm sự: “Thế hệ của chúng tôi gắn liền với một giai đoạn lịch sử của văn hóa Huế. Vì thế, tôi rất vui khi được tham gia cùng Bảo tàng Văn hóa Huế trong các hoạt động trưng bày bánh, mứt, nhất là giới thiệu các món bánh có nguy cơ thất truyền. Chỉ cần đóng góp được gì cho văn hóa Huế, tôi cũng sẵn sàng!”.

Kỳ nghỉ hè năm nay, không gian Bảo tàng Văn hóa Huế càng sống động hơn với các hoạt động trải nghiệm làm bánh truyền thống, nặn tò he, làm lồng đèn, trống lung tung, tranh làng Sình… dành cho các em thiếu nhi. Với sự hướng dẫn của các nghệ nhân, các em được tham gia vào quy trình làm bánh và các sản phẩm thủ công truyền thống nên rất hào hứng.

Hướng đến bảo tàng sống

Sau gần 7 năm kể từ ngày thành lập, các hoạt động của Bảo tàng Văn hóa Huế luôn gắn với bản sắc, văn hóa và con người Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của Huế. Hơn 40 hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề giới thiệu những không gian văn hóa Huế đã từng tồn tại cũng như văn hóa đương đại ở Huế thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, thưởng ngoạn. Các không gian trưng bày tết Huế, áo dài xưa, sách, báo chí Huế, ẩm thực, đám cưới, đông y… là nỗ lực để làm sống lại văn hóa Huế.

Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, trong quan niệm cố hữu phổ biến lâu nay, bảo tàng là nơi tập hợp cổ vật, hiện vật khô khan nên khó hấp dẫn người xem do thiếu những hoạt động bổ trợ sinh động, sôi nổi. Chính từ đây, bảo tàng đời sống cố ý đi sâu xử lý bằng cách bổ sung nhiều hoạt động sống, như là một dạng thức tái hiện, thực hành đời sống văn hóa. Mô hình bảo tàng đời sống của Bảo tàng Văn hóa Huế với các hoạt động tổ chức lại không gian đám cưới truyền thống, nghề bánh trái, nghề Đông y xưa hay kể cả trưng bày các hiện vật để tái hiện diễn trình đô thị hóa của Huế xưa… đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Ở các nước Âu châu, mô hình bảo tàng đời sống (Musée de la vie) rất được chú trọng. Nhờ đó, các bảo tàng mới thực sự đủ sức hấp dẫn du khách và người dân, trở thành một địa chỉ văn hóa thực thụ.

Bà Hoa Tranh cho hay, thời gian tới, Bảo tàng Văn hóa Huế tiếp tục mở rộng các hình thức tiếp cận cho người xem thông qua việc trưng bày theo phương pháp hiện đại, tương tác giữa công chúng với nghệ nhân (bảo tàng sống), trưng bày, triển lãm kết hợp với trình diễn minh họa, trong đó chú trọng đến việc khai thác những chuyên đề mới trong văn hóa Huế: đời sống kinh tế, sản xuất (các nghề thủ công, nông – lâm – ngư nghiệp); đời sống vật chất (nhà cửa, gia đình, ẩm thực, y phục, trang sức); đời sống xã hội (dòng họ, truyền thống giáo dục, phong tục tập quán, nghi lễ); đời sống tinh thần (ngôn ngữ Huế, nếp sống và lễ hội của người Huế, nghệ thuật diễn xướng, âm nhạc…).

Bảo tàng còn triển khai các hoạt động tương tác, trải nghiệm, kết nối giá trị văn hóa với người xem thông qua các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, các nhân chứng sống, tăng cường góc bảo tàng sống như đã và đang làm với ca Huế thính phòng.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân

Trong xu thế đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở Y tế đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành y tế thông minh (YTTM) nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách, quản lý điều hành, phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế đã trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế về vấn đề này.

Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top