Sau khi được trùng tu, điện Thái Hòa sẽ là nơi phục dựng các lễ hội, nghi lễ cung đình phục vụ khách tham quan
Hạ giải, trùng tu tổng thể
Điện Thái Hòa được xây dựng năm 1805 thời vua Gia Long tại khu vực Đại Cung Môn. Đến 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng công trình ở vị trí hiện nay. Công trình đã trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu dưới các triều vua Nguyễn. Hiện nay, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng, các cột trụ gạch và họa tiết trang trí bong vỡ, lớp vôi vữa phong hóa. Hệ cột gỗ ẩm mục, tiêu tâm, suy yếu khả năng chịu lực, phải chống đỡ. Các cấu kiện rã mộng, khả năng chịu lực của hệ khung gỗ suy yếu, mất liên kết. Liên ba, vách ván, cửa, trần hầu hết ẩm mục nặng, có nhiều chỗ mất liên kết, nguy cơ gãy đổ cao. Mái ngói nứt vỡ, trôi trượt, chái phía tây chính điện bị gãy đổ do cơn bão số 5 năm 2020. Toàn bộ mái thấm dột nặng…
Kết quả phân tích các cứ liệu lịch sử và tình trạng kỹ thuật công trình cho thấy: Về cơ bản, điện Thái Hòa hiện nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn các giá trị cốt lõi xuyên suốt trong giai đoạn 1833-1945. Do đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề xuất phương án bảo tồn, tu bổ điện Thái Hòa trên cơ sở hiện trạng của công trình. Riêng ngói lợp, để khẳng định vị thế quan trọng của điện Thái Hòa trong tổng thể của Đại Nội, sẽ lựa chọn ngói ống hoàng lưu ly (cho mái chính điện và tiền điện), loại ngói lợp đã hiện diện suốt 90 năm từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Duy Tân, nhằm đáp ứng các yêu cầu của kỹ thuật và sự bền vững lâu dài của công trình.
Theo phương án phục hồi, tu bổ và tôn tạo điện Thái Hòa của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sẽ trùng tu, tu bổ hệ thống sân đường lan can, gồm: tường bao bó nền, hệ thống lan can, bậc cấp, sân đường, sân Đại Triều Nghi. Điện Thái Hòa cũng sẽ được trùng tu nền móng, tường bao, mái lợp, hệ thống trang trí mái, hệ khung và các kết cấu gỗ, sơn thếp, bài trí nội thất; tôn tạo hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan sân vườn.
Cụ thể, sẽ hạ giải toàn bộ mái lợp, phục hồi mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly, mái lợp ngói liệt men vàng. Hạ giải toàn phần hệ khung và các kết cấu gỗ để đánh giá chất lượng từng cấu kiện và đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết, trước khi hạ giải tiến hành đánh dấu vị trí các cấu kiện gỗ. Với hệ thống trang trí mái, đánh dấu các vị trí ô hộc pháp lam, con giống và các bờ mái trước khi hạ giải, phục hồi hệ thống trang trí ô hộc bờ mái bằng hình thức khảm sành sứ truyền thống theo các dấu tích nguyên gốc trên hiện trạng. Phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ; trưng bày tái hiện nội thất như hình ảnh tư liệu thời vua Khải Định...
Với hệ thống sân đường, lan can, sẽ tháo dỡ gia cường các đoạn tường xô nghiêng, gia cường kết cấu móng bằng bê tông cốt thép; tu bổ, phục hồi thân tường bằng gạch vồ, bề mặt ốp đá Thanh như hiện trạng; tháo dỡ những đoạn lan can hư hỏng, xây phục hồi bằng gạch vồ, vữa tam hợp, gắn gạch gốm phục chế theo hiện trạng; tháo dỡ toàn bộ sân đường lát gạch Bát Tràng, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa bằng gạch vồ theo nguyên trạng…
Đảm bảo tính chân xác
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, trước hiện trạng xuống cấp của điện Thái Hòa, việc bảo tồn, tu bổ tổng thể là yêu cầu cấp thiết. Kinh phí tu bổ khoảng 140-150 tỷ đồng, trong đó Chính phủ đầu tư 100 tỷ đồng. Trung tâm sẽ cố gắng trùng tu điện Thái Hòa trong thời gian sớm nhất để thường xuyên tổ chức các lễ hội, các hoạt động phục vụ khách tham quan ở không gian này.
Để hoàn thiện hồ sơ dự án, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến về phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, đồng thời tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng người dân.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa lưu ý, điện Thái Hòa ngoài giá trị lịch sử, giá trị về nghệ thuật kiến trúc, còn chứa đựng một phần thơ văn kiến trúc cung đình đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, cần có một hạng mục riêng về tu bổ, phục hồi hệ thống “nhất thi nhất họa”, “nhất thi nhất tự” trong kiến trúc điện Thái Hòa, cả phương thức bảo quản hiện vật đặc biệt này khi hạ giải công trình, phương án tu bổ, phục hồi các bài thơ và họa tiết bị mất hoặc hư hỏng. Cần kết hợp với đợt tu bổ này để ghi hình, ghi ảnh, số hóa, phiên âm và dịch nghĩa hệ thống thơ trên kiến trúc điện Thái Hòa.
TS. Phan Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, do đây là công trình nằm trong khu di tích đặc biệt và Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được công nhận là di sản thế giới nên căn cứ pháp lý và khoa học trùng tu có thể tham khảo thêm một số hiến chương, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và thực hiện. Ngoài ra, cần phân tích và làm rõ giải pháp tu bổ và vật liệu ưu tiên, chú trọng sử dụng các phương pháp thủ công truyền thống...
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhất trí với đề xuất thay hệ thống mái ngói bằng ngói ống hoàng lưu ly, phương án hạ giải toàn phần công trình để đảm bảo đánh giá chính xác mức độ hư hỏng, xuống cấp của công trình, từ đó có giải pháp thay thế, tu bổ phù hợp. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm công đoạn scan 3D toàn bộ ngôi điện trước khi hạ giải để tư liệu hóa. Một lưu ý nữa là, các cấu kiện gỗ của điện Thái Hòa đều có đánh dấu bằng hệ thống ký hiệu của người xưa. Vì vậy, cần có phương án nghiên cứu, ghi chép và bảo tồn hệ thống ký tự này.
Một số ý kiến khác cũng lưu ý Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tiếp cận thêm các nguồn tư liệu, bao gồm hình ảnh gốc, bản vẽ trùng tu thời vua Khải Định và cả những nhân chứng am hiểu về di tích này để việc trùng tu đảm bảo tính chân xác.
Bài, ảnh: Minh Hiền