Thứ Bảy, 23/01/2021 17:43
(GMT+7)
Lấy ý kiến phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa
TTH.VN - Ngày 23/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia góp ý trùng tu điện Thái Hòa
Theo phương án phục hồi, tu bổ và tôn tạo điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sẽ hạ giải toàn bộ mái lợp, phục hồi mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly; hạ giải toàn phần hệ khung và các kết cấu gỗ để đánh giá chất lượng từng cấu kiện và đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ...
Với hệ thống sân đường, lan can, sẽ tháo dỡ gia cường các đoạn tường xô nghiêng, gia cường kết cấu móng bằng bê tông cốt thép; tháo dỡ những đoạn lan can hư hỏng, xây phục hồi bằng gạch vồ, vữa TH; tháo dỡ toàn bộ sân đường lát gạch Bát Tràng, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa bằng gạch vồ theo nguyên trạng…
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, chuyên gia. Một số ý kiến lưu ý Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tiếp cận thêm các nguồn tư liệu, bao gồm hình ảnh gốc, bản vẽ trùng tu thời vua Khải Định và cả những nhân chứng am hiểu về di tích này để việc trùng tu đảm bảo tính chân xác. Có phương án tu bổ phần mỹ thuật trang trí của điện Thái Hòa, đặc biệt là hệ thống thơ văn trên gỗ và pháp lam; chú trọng công tác tôn tạo cảnh quan gắn với di tích này; tham khảo công ước quốc tế khi trùng tu di sản thế giới...
Được xây dựng vào năm 1805, điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiểu thức "trùng thiềm điệp ốc". Tồn tại trong thời gian dài với 22 lần trùng tu, di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là sau các đợt bão lũ năm 2020. Hiện Chính phủ đã bố trí nguồn vốn 100 tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa khẩn cấp.
Tin, ảnh: Minh Hiền