ClockThứ Tư, 30/06/2010 06:26

Cần có một tầm nhìn, một sự liên kết và một kế hoạch tổng thể

TTH - Nói đến Kinh thành Huế, không thể không nói đến hệ thống thuỷ đạo của Kinh thành. Hệ thống này bao gồm tiểu hệ các con sông có chức năng bảo vệ Kinh thành (mà người ta còn gọi là Hộ Thành Hà) như sông Hương, sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn, sông An Hòa và hệ thống hào bao quanh dưới chân toà thành của Kinh đô Huế.

Lần lượt từ ngoài vào trong còn có hệ thống các hồ bao quanh bên ngoài và trong khu vực Hoàng thành (còn gọi là hồ Nội Kim Thuỷ và Ngoại Kim Thuỷ), hồ Thái Dịch, hồ Ngọc Dịch và một loạt các hồ lớn nhỏ khác được kết hợp trong khuôn viên của các khu vườn ngự.

Ngoài ra còn có cả một hệ thống chằng chịt 37 hồ tự nhiên và nhân tạo bên trong khu vực Kinh Thành, tạo thành một hệ mặt nước như những lá phổi giúp cho môi trường của khu vực thêm trong lành. Bên cạnh đó, hệ thống này kết hợp với dòng chảy của Ngự Hà cắt ngang qua Kinh thành Huế từ Tây sang Đông như một xương sống của hệ thống đường thuỷ nối với nhau bằng các đường cống chìm, cống nổi để giúp cho việc điều tiết mực nước của khu vực vào mùa lũ, cung cấp nước sạch cho dân cư và phục vụ cho các mục đích khác của triều đình Nguyễn như: lấy nước tưới cho khu ruộng Tịch điền, tạo cảnh quan cho các khu vườn ngự như vườn Thường Mậu, vườn Thư Quang, cụm ngự viên Tịnh Tâm Hồ...
 

Một đoạn Ngự hà
 
Xưa kia, Ngự hà còn là con đường thuỷ huyết mạch dành cho việc giao thông, vận chuyển hàng hóa trong-ngoài Kinh thành.Về chức năng của Ngự Hà, vua Minh Mạng xưa đã từng khẳng định: “Nghĩ kỹ thấy rằng sông này rất tiện lợi cho mọi người trong sự đi lại để làm việc công cũng như việc tư. Nếu ở thượng lưu không thông thì ai muốn đi về phía tây Kinh thành cũng gặp sự bất tiện. Vả lại, dòng nước chẳng nối tiếp với đầu nguồn thì ứ đọng đục bẩn, không thể cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quan đội và dân chúng” (văn bia cầu Khánh Ninh).
 
Chính vì tầm quan trọng của hệ thống thuỷ đạo Kinh Thành Huế, ngay từ năm 1818, vua Gia Long đã ban 20 điều cấm trong Kinh thành với 7 điều trong số đó liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước và cầu cống một cách rất cặn kẽ, chi tiết. Điều cấm còn ghi rõ: “Các đường nước ở trong thành thì không được tới gần đào đất trồng cây và trồng rau cỏ, cùng là vất bỏ vật rác bẩn; hồ ao công ở trong ngoài thành và sông cái [sông Hương] ở mặt trước, từ cầu Bạch Hổ đến cầu An Hội thì cấm không được đặt đó, chăng lưới đánh cá; các cầu trong ngoài thành, quân dân đều chiếu theo phần đất mà rửa quét ván cầu, mài cạo mối hà; bộ Công mỗi tháng ba kỳ sai người khám xem; ở trên mặt cầu không được chất đống tạp vật; cột cầu không được buộc thuyền ghe vào...” (Đại Nam Thực lục tập IV, NXB Giáo dục 2004, tr. 975-976].
 
Ý thức được tầm quan trọng của hệ thống thuỷ đạo này, từ tháng 4 năm 2007, dưới sự hỗ trợ của tổ chức JBIC thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành nghiên cứu tổng thể về loại hình di sản đặc biệt này, bao gồm việc khảo cứu các tư liệu sử, thám sát khảo cổ, đo vẽ chi tiết kết cấu xây dựng cầu và các bờ kè để có được sự đánh giá khách quan và khoa học đối với hệ thống thuỷ đạo Kinh thành Huế.
 
Cùng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Viện Di sản Thế giới UNESCO- Đại học Waseda đã ứng dụng các thiết bị khoa học tiên tiến để khảo sát đánh giá hệ thống thuỷ đạo ở góc độ kỹ thuật để tìm hiểu các giá trị lịch sử và sinh thái. Kết quả của các đợt khảo sát này cho thấy: so với chức năng nguyên thuỷ mà vua Minh Mạng đã xác nhận cho Ngự Hà, ngày nay sự phát triển tự nhiên của các loài thuỷ sinh và việc trồng rau của các hộ dân sống trong khu vực đang làm thu hẹp diện tích mặt nước của Ngự Hà, gây tắc nghẽn dòng chảy và cản trở toàn bộ tuyến giao thông đường thủy ở đây. Hai đầu mối ra-vào của Ngự Hà ở Đông Thành Thuỷ Quan và Tây Thành Thuỷ Quan nối với bên ngoài Kinh thành qua hệ thống đường thuỷ của sông Đông Ba và sông Kẻ Vạn nay không còn phát huy tác dụng, đất ngày càng tích tụ khiến nước không chảy được, thậm chí ở khu vực phía ngoài Tây Thành Thuỷ Quan đã bị đất bồi lấp hoàn toàn, vì vậy chức năng giao thông bằng đường thủy của hệ thống này bây giờ đã trở nên vô hiệu.
 
Đánh giá về mạng lưới các cống chìm và nổi nối giữa các hồ, cũng như giữa các hồ với Ngự Hà cũng được xem xét rất chi tiết. Trong đó, cống nối giữa hồ Thanh Ninh và Ngự Hà hoặc cống giữa hồ Tiên Y và Ngự Hà cùng với các bờ kè và cầu cổ được coi là những công trình hiện còn duy trì một phần của chức năng nguyên thuỷ, trợ giúp cho hệ thống thuỷ đạo trong Kinh Thành.
 
Hơn nữa, nếu có phương án cải tạo và duy trì đúng mức, những đường cống cổ này sẽ đóng một vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan của Kinh thành Huế. Trên thực tế, do chức năng nguyên thuỷ không còn được đảm bảo nên một số vị trí của hệ thống thuỷ đạo đã có tác dụng ngược, làm ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường sống của khu dân cư.
 
Điển hình là trường hợp đường cống cổ vốn được xây dựng để dẫn nước từ Ngự Hà vào khu ruộng Tịch điền và đảm bảo chức năng tiêu thoát nước với các hồ gần đó với Ngự Hà (tức đường cống nối từ đường Trần Văn Kỷ đến đường Lê Trung Đình, đổ ra Ngự Hà) đã dần mất đi một phần chức năng nói trên kể từ khi triều Nguyễn cáo chung. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa, khu ruộng Tịch điền đã được bồi đất, chia lô thửa và trở thành một khu dân cư đông đúc. Cái tên “ruộng Tịch điền” nay chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó, đường cống lộ thiên rộng gần 2m, dài gần cây số đã trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân trong khu vực với mặt nước tù đọng, hôi thối, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng không chỉ trong mùa nắng nóng mà còn là một hiểm họa khó tránh mỗi khi mùa lũ đến, khi dòng nước chảy xiết ngập tràn khắp khu vực nội thành.
 
Đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân địa phương, Công ty Môi trường và Công trình đô thị đã tiến hành cải tạo, đặt đường ống thoát nước tại đây nhưng vẫn giữ lại phần cửa cống cổ để vừa đảm bảo duy trì chức năng tiêu thoát nước giữa Ngự Hà với các hồ trong khu vực, vừa giữ gìn an toàn vệ sinh môi trường và đảm bảo không “xoá sổ” toàn bộ các dấu tích lịch sử của công trình.
 

Một đoạn cống thoát nước đã được sửa sang lại...
 
Trên khía cạnh của bảo tồn di sản, việc cải tạo một chiếc cống cổ là một vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến tính nguyên gốc và toàn vẹn của di sản. Tuy nhiên, điều này cũng cần phải được tiến hành dựa trên việc xem xét các chức năng nguyên thuỷ của di tích. Ruộng Tịch điền đã không còn nữa. Diện tích mặt nước của các hồ có liên quan trong khu vực như hồ Mộc Đức, hồ Thanh Ninh đang bị thu hẹp và trở nên tù đọng, ô nhiễm do tuyến thoát nước ra Ngự Hà ngày càng bị cản trở do việc thiếu sự quan tâm đến hệ thống này khi xây dựng các công trình xung quanh. Xuất phát từ thực trạng trên và sự phát triển tất yếu của các yếu tố đô thị đang đặt ra một nhu cầu bức thiết cho sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển.
Dưới tầm quan sát của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản, báo cáo của ông Giovanni Boccardi, chuyên gia của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và William Logan, đại diện của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Danh thắng (ICOMOS) sau chuyến công tác đến khu Di sản Thế giới-Quần thể di tích Huế (từ 12-22/ 10 /2006) đã có những nhận xét rất tinh tế về quần thể di tích Huế: “Quần thể di tích Huế tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động và sáng tạo cao của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là trong nghệ thuật di tích, quy hoạch thành phố và bài trí cảnh quan...Tầm quan trọng đặc biệt này của cảnh quan nằm trong việc sử dụng các nguyên tắc phong thuỷ khi xác định địa điểm và thiết kế các công trình di tích...”.
Theo các chuyên gia, Di sản Văn hóa Huế có đủ tiêu chuẩn như một cảnh quan văn hóa theo tiêu chí thứ 2 (tính bài trí) và thứ 3 (tính liên kết) theo các định nghĩa của phụ lục 3 trong “Hướng dẫn Hoạt động về thực hiện Công ước Di sản Thế giới”. Trong đó, giá trị cảnh quan văn hóa là một phần quan trọng của một Di sản thế giới.
 Với những giá trị nổi bật đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, quần thể di tích cố đô Huế với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc và cảnh quan đã thể hiện sự sáng tạo và trình độ xây dựng cao của người Việt Nam vào giữa thế kỷ 19.
Để kế thừa và phát huy những thành tựu này, đặc biệt là đối với hệ thống thuỷ đạo đã tạo nên cảnh quan độc đáo của Kinh thành Huế và đóng vai trò thiết thực đối với cuộc sống của người dân sống trong khu vực Kinh thành, cần có một tầm nhìn chiến lược và sự liên kết của nhiều ban ngành trong việc xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm quản lý và phát huy giá trị của hệ thống thuỷ đạo Kinh thành Huế một cách có hiệu quả.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc vừa đảm bảo những yêu cầu thiết yếu về môi sinh, môi trường cho cộng đồng, vừa gìn giữ được những yếu tố lịch sử hiếm hoi còn lại của hệ thống này, khôi phục chức năng tiêu thoát nước và tái lập mạng lưới giao thông bằng đường thủy thông qua Ngự hà ra bên ngoài Kinh thành, hoặc từ Ngự hà qua hồ Học Hải đến hồ Tịnh Tâm.
Việc tái thiết mạng lưới này có thể tạo cơ hội cho tuyến du lịch bằng đường thuyền được mở mang, vừa bảo tồn di sản lịch sử trong khi có thể phục hồi thích nghi các kiến trúc lịch sử quan trọng của khu vực Kinh thành vì mục đích dân sinh mà không làm mất đi các giá trị lịch sử nguyên thuỷ của chúng.
Huỳnh Thị Anh Vân

 

 

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Return to top