ClockThứ Bảy, 23/11/2024 15:39

Đón nhận Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế”

TTH.VN - Sáng 23/11, Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế” diễn ra trang trọng tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh.

Áo dài & hành trình lan tỏaSau Di sản quốc gia, áo dài Huế hướng đến Di sản nhân loại“Tri thức may, mặc áo dài Huế” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

 Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đón nhận Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế” từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương

Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phạm Thị Minh Huệ; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương… Cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế, may đo áo dài ở Huế và cả nước.

Được nuôi dưỡng ở vùng văn hóa từng là Kinh đô

Trước đó, ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định chính thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với tên gọi “Tri thức May và Mặc áo dài của người Huế”.

Tại buổi lễ, ông Phan Thanh Hải-Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã giới thiệu về lịch sử áo dài. Theo ông Hải, áo ngũ thân, tiền thân của áo dài Việt Nam hiện đại vốn ra đời ở Đàng Trong, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Đây là kết quả của sự sáng tạo của cư dân Việt trên con đường Nam tiến, mở rộng cương thổ đất nước về phía Nam.

Từ năm 1744, vị chúa Nguyễn đời thứ 8 ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định chọn loại trang phục này làm thường phục cho toàn thể nhân dân Đàng Trong (từ sông Gianh Quảng Bình đến hết vùng đất miền Nam hiện nay). Đầu thế kỷ XIX, trong thời kỳ đất nước thống nhất, Hoàng đế Minh Mạng lại tiếp tục chọn áo Ngũ thân làm trang phục chung cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1837-1945, áo Ngũ thân rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc, và được xem là Quốc phục của người Việt.

Áo ngũ thân được đánh giá là loại trang phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn, rất phù hợp với vóc dáng hình thể cũng như tâm tư tình cảm của người Việt.

Trải qua chiều dài lịch sử hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều Tri thức may, mặc áo dài, được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội. Bước vào thời kỳ hiện đại, áo dài Huế vẫn được nhiều đối tượng sử dụng, phổ biến nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, lớp người trung niên, cao niên, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, chợ...

“Sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa - giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng miền khác”, ông Hải nhận định.

Áo dài đã trở thành nếp văn hóa và đi vào thơ ca

Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.

 Các bà, các chị trong trang phục áo dài tham dự lễ đón nhận Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế” 

Ở xứ Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Đó còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế. Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến vùng đất Kinh kỳ gắn liền với nhiều hoạt động lễ hội đa dạng, cùng với hình ảnh những tà áo dài truyền thống, đậm đà, duyên dáng.

Rời khỏi nhà, phụ nữ Huế đều mặc áo dài. Bước chân vào cuộc sống, dẫu cho đó là đi học, đi chơi, đi chợ, chèo đò trên sông Hương, hay gánh gồng bán hàng, phụ nữ Huế cũng mặc áo dài. Ngày nay, tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng tỷ lệ áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất của cả nước. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng của mình như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân, ngày lễ, dịp tết... Mặc áo dài tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong, người phụ nữ duyên dáng, đoan trang.

Ông Hải cho hay, các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... Đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế. Ngày nay, truyền thống may, mặc áo dài được nâng lên, tô điểm thêm bởi những nhà thiết kế, nhà may áo dài Huế nổi tiếng. Các khâu kỹ thuật cắt, may, luồn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.

 Các thiếu nữ và em nhỏ trong trang phục áo dài tham gia một sự kiện cộng đồng

Lần đầu tiên lễ hội áo dài được tổ chức trong kỳ Festival Huế 2002, Huế tự hào là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức một lễ hội để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài. Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được tổ chức không chỉ trong các kỳ festival.

Cũng nhờ vậy, công chúng biết đến vẻ đẹp của áo dài nhiều hơn, áo dài Huế cũng đắt hàng theo, khách đến may áo dài lấy nhanh tăng đột biến. Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch.

Người đứng đầu ngành văn hóa của tỉnh cũng cho biết, thời gian qua đã triển khai đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” với nhiều nội dung phong phú. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt đề án này, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài.

Đề xuất xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Thiết kế, may đo áo dài vừa là một ngành nghề thủ công lại vừa là một ngành thiết kế sáng tạo đặc biệt, tạo nên những sản phẩm ấn tượng và có tính phổ biến rất cao. Đó là chưa kể rất nhiều các loại phụ kiện, trang sức kèm theo chiếc áo dài. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn tạo điều kiện phát triển các ngành khác như sản xuất hàng lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Có thể nói, việc phát triển thương hiệu áo dài Huế ra nước ngoài không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn là kênh quảng bá văn hóa truyền thống hữu hiệu nhất. “Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của Áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tiến hành việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Hải chia sẻ.

NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế vừa giữ gìn bản sắc, vừa mới lên từng ngày

Bảo tồn những giá trị văn hóa đã có, hình thành những giá trị mới, tiếp tục đầu tư có chiều sâu cho văn hóa, xem di sản là tài sản vô giá để phát triển… là những quan điểm được các nhà nghiên cứu văn hóa trẻ đang làm việc ở Huế bàn về tương lai khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản.

Huế vừa giữ gìn bản sắc, vừa mới lên từng ngày
Tự hào và trách nhiệm

Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của những người dân xứ Huế, những người yêu Huế khi Quốc hội bấm nút thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Vinh dự và tự hào, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân ở thành phố Huế trực thuộc Trung ương xác định sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tự hào và trách nhiệm
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã

Ngày 30/11, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (NQ175); cùng thời điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025 (NQ 1314). Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã
Tặng sách, đồ chơi cho bệnh nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế

Ngày 30/11, 11 đơn vị Đoàn Thanh niên thuộc Cụm thi đua Nội chính - Đảng - Đoàn thể trực thuộc Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Đoàn Thanh niên Ngân hàng BIDV tỉnh; tổ chức Zhi - Shan Foundation tại Việt Nam cùng sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, y bác sĩ, Hội Thầy thuốc trẻ và Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức hoạt động “Tình nguyện mùa đông” năm 2024 tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế.

Tặng sách, đồ chơi cho bệnh nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế

TIN MỚI

Return to top