Tu bổ di tích Nhật Thành Lâu (Đại Nội). Ảnh: Trọng Bình
Hồi sinh
Sau hơn 20 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, hiện di tích Huế được đánh giá vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” và đang từng bước hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần được phục hồi. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục hồi, trùng tu tôn tạo được hàng trăm công trình, hạng mục di tích tiêu biểu, trong đó có Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành... Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là kinh tế du lịch và dịch vụ.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Mai Xuân Minh cho hay, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương và của cộng đồng quốc tế. Riêng giai đoạn 2010 - 2015, tổng đầu tư cho công tác bảo tồn tu bổ di tích khoảng 585 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn của trung ương và địa phương; 100 công trình di tích được bảo tồn, tu bổ hoàn chỉnh, đưa vào phục vụ du khách, đáp ứng được phần nào nhu cầu tìm hiểu và thưởng ngoạn của du khách khi đến Huế.
Tuy vậy, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn còn những khó khăn, bất cập. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của di tích đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình. Các quy định pháp luật còn chồng chéo, tạo ra những bất cập trong quá trình phân cấp quản lý Nhà nước về Luật Di sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, vì vậy trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích gặp những khó khăn nhất định. Việc xử lý một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế vẫn còn lúng túng.
Chùa Thiên Mụ - địa chỉ du khách không thể bỏ qua khi đến Huế. Ảnh: Diên Thống
Đẩy mạnh xã hội hóa
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Luật Di sản văn hóa cách đây 3 năm, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng lúc ấy cho rằng: “Xã hội hóa đem lại lợi ích rất lớn, giảm đầu tư từ ngân sách và tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ văn hóa di sản. Chúng ta phải có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế, như: phát huy nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, con em Thừa Thiên Huế đang sinh sống ở các tỉnh, thành khác và cả ở nước ngoài. Như vậy, các nguồn lực trong xã hội sẽ góp tay vào bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Huế”.
Tỉnh cũng đã cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế từng bước thực hiện công tác xã hội hóa đối với bảo tồn di sản văn hóa Huế trong những năm qua, như: Huy động được nhiều nguồn tài trợ từ UNESCO và các tổ chức quốc tế (của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Pháp, Hà Lan...) cho các dự án bảo tồn trùng tu, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với tổng kinh phí khoảng trên 2 triệu đô la Mỹ. Kêu gọi các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ nguồn kinh phí gần 10 tỷ đồng để góp phần bảo tồn phục hồi và phát huy, quảng bá di sản Huế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện xã hội hóa một số hoạt động khai thác dịch vụ tại di tích Huế có hiệu quả, mỗi năm đem lại cho di tích nguồn thu hàng chục tỷ đồng.
Việc xã hội hóa công cuộc bảo tồn di sản văn hóa đã có những bước khởi sắc trong thời gian gần đây, tạo được tiếng vang tốt trong dư luận. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn di sản vẫn chưa huy động được nhiều nguồn vốn với quy mô lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Ông Mai Xuân Minh cho hay, nguyên nhân chính là do bảo tồn di sản văn hóa, nhất là công tác tu bổ và phát huy giá trị di tích, là một lĩnh vực khá nhạy cảm đối với các nhà đầu tư, bởi cần phải tuân thủ Luật Di sản Văn hóa, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng cũng như các Công ước quốc tế; cần phải có ý kiến góp ý của các chuyên gia bảo tồn, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn và cũng phải chịu áp lực lớn từ dư luận. Thêm nữa, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Tại đối thoại trực tuyến “Du lịch Thừa Thiên Huế - cơ hội và thách thức” được tổ chức cuối năm ngoái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nêu rõ: “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải thực hiện đồng thời, đồng bộ trên cả ba lĩnh vực là di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa tinh thần, di sản văn hóa cảnh quan đô thị và thiên nhiên. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải gắn với tăng trưởng kinh tế, tạo thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và phát huy mọi lợi thế, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho hội nhập và phát triển bền vững trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại”.
|
Nguyệt Tú