ClockChủ Nhật, 27/01/2019 12:09

Cộng đồng & di sản văn hóa phi vật thể

TTH - Làm thế nào để cộng đồng đóng vai trò chủ chốt trong quá trình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT)? Câu chuyện của Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Huế và Hát xoan Phú Thọ được giới thiệu dưới đây là câu trả lời của hai địa phương, Thừa Thiên Huế và Phú Thọ, cho vấn đề này.

“Đường đến tuần lễ vàng”: Trân quý bài học gìn giữ di sản văn hóaNhã nhạc cung đình Huế tiếp nhận Biên chung

Sân khấu của Văn hiến kinh kỳ - Chươnng trình nghệ thuật tôn vinh di sản văn hóa Huế có sự tham gia của hàng trăm diễn viên không chuyên

Kỳ tích từ đất tổ Phú Thọ

Hát xoan - Phú Thọ gần như trở thành cái tên nổi bật tại Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể tại Châu Á – Thái Bình Dương 2018, được tổ chức cuối năm 2018 tại TP. Huế, khi bàn đến vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản VHPVT ở Việt Nam.

Hát xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hồ sơ Hát xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản VHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản VHPVT đại diện của nhân loại. Là người có nhiều năm đồng hành cùng di sản VHPVT của Việt Nam và dành nhiều thời gian, tâm huyết cho Hát xoan, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã có những đánh giá rất tốt về nỗ lực của Phú Thọ khi gắn vai trò của cộng đồng trong những giải pháp để Hát xoan hồi sinh, lan tỏa và phát triển.

Thời điểm TS. Lê Thị Minh Lý và các cộng sự làm hồ sơ đề cử cho Hát xoan, Phú Thọ chỉ có 7 nghệ nhân còn hát được xoan và nhớ tương đối các bài bản. Không có không gian thực hành. Cũng không có công chúng. Nhưng ngay lập tức, Phú Thọ đã ưu tiên phục hồi các bài bản và tiếp đó là tạo ra lớp công chúng mới thông qua giáo dục và truyền thông. Theo TS. Minh Lý, khi Hát xoan được đưa vào danh mục Di sản VHPVT cần bảo vệ khẩn cấp, Phú Thọ “hăng hái” đến độ đã có chiến lược gần như là phổ cập Hát xoan cho cộng đồng. Tuy nhiên, khi được khuyến nghị điều đó có thể làm mất bản sắc của xoan, Phú Thọ đã thay đổi chiến lược và họ coi những cộng đồng đã được phổ biến Hát xoan là lớp công chúng mới, là một cộng đồng rộng hơn, thay vì coi họ là những người thực hành di sản Hát xoan chính thức.

“Năm 2017, UNESCO đã chính thức đưa Hát xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản VHPVT đại diện của nhân loại là sự kiện bất ngờ đối với cả cộng động quốc tế. Bài học ở đây, Phú Thọ đã coi di sản văn hóa là động lực phát triển. Họ quyết liệt bảo vệ di sản bằng cách tập trung mọi nguồn lực, từ kinh phí đến con người, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các chuyên gia và cộng đồng”, TS. Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Sức sống Nhã nhạc

Xứng đáng Di sản VHPVT đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản Thế giới, đến nay Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Huế vẫn là di sản được giới chuyên gia đánh ra rất cao trong những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị. Sau khi được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác VHPVT và Truyền khẩu của nhân loại (đến năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể Đại diện của nhân loại), Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Huế được triển khai các chương trình hành động để bảo tồn và phát huy giá trị trên cả 3 lĩnh vực là: nghiên cứu, lưu trữ; truyền dạy và chính sách nghệ nhân; biểu diễn quảng bá đến với cộng đồng.

Khôi phục các giá trị của nghệ thuật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (đơn vị quản lý di sản về mặt Nhà nước) đã mời các nghệ nhân tham gia công tác và giảng dạy thực hành cho các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Nhờ những chính sách hợp tác với các nghệ nhân, kỹ năng trình diễn của nghệ sỹ Nhã nhạc được nâng cao một cách rõ rệt. Công tác biểu diễn và quảng bá cũng được Trung tâm chú trọng. Ngoài biểu diễn hàng ngày tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế còn tổ chức nhiều đợt biểu diễn Nhã nhạc trong và ngoài nước. Mặt khác, Nhà hát cũng tạo điều kiện cho học sinh các trường học đóng trên địa bàn TP. Huế trực tiếp tham gia vào các buổi tập huấn về Nhã nhạc và các loại hình diễn xướng cung đình khác.

TS. Lê Thị Minh Lý rất xúc động khi được xem chính những em học sinh của Trường THPT Nguyễn Huệ biểu diễn tiết mục Lục cúng hoa đăng trên sân khấu của Hội nghị Di sản VHPVT tại châu Á – Thái Bình Dương 2018. Bà cho rằng Nhã nhạc trong đời sống hôm nay có sức sống mạnh mẽ là vì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tạo được một phương pháp làm việc hiệu quả và có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng. Sự chặt chẽ thể hiện ở chỗ, ngay cả khi pháp luật chưa có những quy định cụ thể thì trung tâm đã có chế độ rõ ràng cho các nghệ nhân. Trung tâm cũng tạo ra được nhiều môi trường trình diễn Nhã nhạc khác nhau và tạo sự gắn kết để các trường học cũng có thể tham gia vào việc thực hành di sản. Chính điều đó tạo nên sức sống cho Nhã nhạc.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Return to top