Các nghệ sĩ đắm chìm trong đêm nhạc
Đó là đêm nhạc với chủ đề “Cung Tiến - Hạc vàng tung cánh về lại trên quê hương” diễn ra tại Nhà hát Bến Xuân (51 Văn Thánh, TP. Huế) của chủ nhân là nghệ sĩ Camille Huyền và chồng - ông Trương Đình Ngộ.
Tất cả những bản nhạc được hát trong đêm nhạc đã được sự đồng ý từ công ty luật đại diện của nhạc sĩ Cung Tiến ở Mỹ.
Nhà hát Bến Xuân, một địa chỉ văn hóa nằm phía trên cổ tự Thiên Mụ, sát bờ sông Hương thơ mộng những ngày mùa đông lạnh buốt nhưng bên trong khán phòng vẫn chật ních người yêu nhạc Cung Tiến. Tất cả tìm về với tấm lòng ngưỡng vọng và để nghe những giai điệu sang, đẹp được viết nên bằng tài nghệ của ông.
15 ca khúc lần lượt được các nghệ sĩ trình diễn trong đêm nhạc là những sáng tác đỉnh cao, để đời làm nên tên tuổi Cung Tiến và đi vào lòng một thế hệ người Việt: Thu vàng, Thuở làm thơ yêu em, Nguyệt cầm, Kẻ ở, Khói hồ bay, Đường hoa, Hoài cảm, Đôi bờ, Hương xưa, Đi núi, Vết chim bay, Lệ đá xanh, Mắt Biếc, Hoàng hạc lâu, Vang vang trời vào xuân.
Dù sang trọng, hàn lâm nhưng âm nhạc của Cung Tiến vẫn rất dễ cảm, gần gũi, gợi được những thông điệp về quá khứ, tình yêu, tuổi trẻ... giàu trữ tình, lãng mạn.
Điểm thú vị của đêm nhạc là sự gặp gỡ của những giọng ca có tình yêu đặc biệt dành cho âm nhạc Cung Tiến. Có nghệ sĩ từ Mỹ về, có ca sĩ ngay trên đất Huế và có những bạn sinh viên vừa bay từ TP. Hồ Chí Minh ra. Mỗi người một chất giọng, nhưng ở đó người nghe bắt gặp điểm chung đó là họ đắm đuối, hóa thân vào lời ca và đúng tinh thần mỗi ca khúc của tác giả.
Mở đầu cho đêm nhạc, nghệ sĩ Bích Liên từ Mỹ về đã đem đến giọng hát liêu trai với ca khúc Mắc biếc – một ca khúc tụng ca tình yêu, được Cung Tiến gói gọn trong câu “sáng mai vừa thức, ôi nhiều nhớ thương”.
Tiếp đó, “Thuở làm thơ yêu em” được thể hiện bằng giọng ca của nhạc sĩ Trần Đại Phước với âm hưởng du dương. Thú vị khi ca khúc này được nhạc sĩ phổ thơ của nhà thơ Trần Dạ Từ viết cho một người con gái Huế. Rồi Đi núi, Thu vàng, Kẻ ở, Hoài cảm, Đường hoa, Hương xưa… lần lượt được các nghệ sĩ, giọng ca Camille Huyền, Mỹ Đăng, Mộc Trâm, Quỳnh Hương, Đoan Trang… trình bày một cách ngọt ngào, đắm đuối, khi bên ngoài trời vẫn mưa rơi.
Người yêu nhạc Cung Tiến ngồi kín khán phòng
Trước khi đêm nhạc diễn ra, ông Trương Đình Ngộ đã có những diễn từ tưởng niệm người nhạc sĩ tài danh mà hai vợ chồng ông cùng những khán giả có mặt vô cùng ngưỡng mộ. Ông nói rằng, chúng ta hôm nay tề tựu về bên dòng Hương chầm chậm chảy trong xứ Huế tĩnh lặng để tưởng niệm và hát những ca khúc nghệ thuật của người con tài hoa Hà Nội đã để lại dấu chân lên cả bốn châu lục của những ngày du học và sinh sống ở nước người…
“Được giáo dục bài bản trong âm nhạc Tây phương, từ thuở nhỏ lúc mới 14, 15 đến 18 tuổi với Thu vàng, Hoài cảm, Hương xưa…, anh đã để lại những tác phẩm nổi tiếng mà người Việt nào cũng đã từng da diết xao xuyến. Càng về sau các tác phẩm bán cổ điển Tây phương như Nguyệt cầm, Lệ đá xanh, Đôi bờ, Kẻ ở, Mắt biếc, Thuở làm thơ yêu em, Vết chim bay, Đi núi, Khói hồ bay đã làm âm nhạc Cung Tiến ngày càng chắt lọc, hàn lâm, và sang trọng hơn mà lúc nào cũng đậm hồn quê hương Việt Nam”, chủ nhân Nhà hát Bến Xuân xúc động.
Ông Ngộ nhìn nhận, âm nhạc Cung Tiến là một di sản văn hóa. Để hồi hương những di sản tinh thần như âm nhạc cần hồi sinh tình yêu với những tác phẩm thấm nhuần cổ điển Tây phương mà vẫn giữ nguyên vẹn cốt cách Đông phương và tâm hồn dân tộc, và cần nhiều lắm những đêm âm nhạc Cung Tiến như đêm nay.
“Đây là dịp để trao truyền, để lan tỏa tình yêu với di sản âm nhạc đầy chất nhân văn của người Việt, dẫu trong chiến tranh cũng giữ trọn tình người, dẫu bao khó khăn cũng vượt qua ngẩng đầu đứng vững không khuỵu chân, dẫu xa quê hương lúc nào cũng đau đáu. Như thế, những vần thơ Quang Dũng, Xuân Diệu, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền … sẽ còn sống mãi trong ca khúc nghệ thuật Cung Tiến tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác”, ông Ngộ tiếp lời.
Cũng trong đêm nhạc, phu nhân cố nhạc sĩ Cung Tiến - bà Josée đã gửi lá thư từ Mỹ đến với công chúng dự khán. Bà ngắn gọn: “… dù Anh Cung Tiến sẽ vắng mặt nhưng những lời ca của Anh sẽ vẫn vang vang trong tâm và trong lòng của mấy anh chị em mình. Nhớ không, Cung Tiến đã yêu cầu “Nắng ơi đừng vắng. Gió ơi đừng lắng. Ái ân đừng xa lánh trần gian”. Bến Xuân sẽ là nơi nhiều nắng ấm áp, gió thổi vi vu, và ngập tràn ân ái...”.
Đây cũng là đêm nhạc phi lợi nhuận. Tất cả số tiền bán vé được từ đêm nhạc sau khi trừ các chi phí tổ chức sẽ quyên góp để ủng hộ cho người bệnh ung thư ở Huế trong dịp Giáng sinh này.
Nhạc sĩ Cung Tiến tên đầy đủ là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27/11/1938 tại Hà Nội. Ông định cư tại Mỹ từ năm 1987, qua đời ngày 10/5 tại Los Angeles, California (Mỹ). Trong lịch sử tân nhạc Việt, hiếm có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay ở tuổi niên thiếu như nhạc sĩ Cung Tiến.
Trong đó, Hoài cảm, Hương xưa được ông viết khi nhạc sĩ còn rất trẻ, vừa lên 14-15 tuổi và được nhiều người tụng ca “thần đồng âm nhạc”.
Ngày còn nhỏ ông chơi được sáo, đàn mandoline và guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học năm 19 tuổi. Âm nhạc của Cung Tiến đã từng được trình diễn và ghi âm ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Úc. Như vở Ballad of an Warriors Wife đã được nhiều dàn nhạc giao hưởng của nhiều nước trình diễn.
|
Bài, ảnh: N. MINH