ClockThứ Bảy, 11/05/2019 13:00

Đại Nội có thêm dịch vụ mới

TTH - Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào mục đích cho thuê, Đại Nội sẽ có thêm dịch vụ mới để phục vụ du khách.

Đại Nội về đêm trở lại với Âm sắc Cung đình“Văn hiến Kinh kỳ” tiếp tục hấp dẫn hàng ngàn khán giảTạm dừng Chương trình “Đại Nội về đêm”

Đông Khuyết Đài (nhìn từ đường Đoàn Thị Điểm) sắp trở thành điểm dừng chân mới cho du khách. Ảnh: ĐỒNG VĂN

Ẩm thực Huế vào cung Trường Sanh

Cung Trường Sanh nằm ở góc tây bắc trong Hoàng Thành, phía sau cung Diên Thọ. Cung được xây dựng năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng với tên gọi ban đầu là cung Trường Ninh, có chức năng là một hoa viên hoàng gia. Đến năm 1886, dưới thời vua Đồng Khánh, Trường Ninh được chuyển thành cung điện dành cho các Thái hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu của triều Nguyễn. Năm 1923, dưới thời vua Khải Định, Trường Ninh tiếp tục được tu bổ và đổi tên thành cung Trường Sanh. Qua chiến tranh, cung Trường Sanh bị lãng quên, hoang tàn và đổ nát. Những năm 2005-2007, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mới trùng tu, tôn tạo và cung Trường Sanh lại được hồi sinh với vẻ đẹp vốn có. Ngoài điện, cung còn có đường xinh xắn, lạch Đào Nguyên và hồ Tân Nguyệt thơ mộng, hệ thống non bộ, vườn cảnh, tường thành, tam quan và được đưa vào khai thác dịch vụ để thu hút du khách.

Từ năm 2015, cung Trường Sanh được tổ chức thành một không gian văn hóa để trưng bày triển lãm về đời sống cung đình Huế và các hoạt động dịch vụ liên quan, như: chụp ảnh trang phục cung đình, ngự trà, ngự tửu… Tuy nhiên sau nhiều năm, hiệu quả kinh tế đạt được rất khiêm tốn nên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cải thiện tình hình bằng đề án “Sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê hoạt động dịch vụ ẩm thực món Huế tại cung Trường Sanh”.

Đại Nội cần có dịch vụ tương xứng. Ảnh: BẢO MINH

Mục tiêu của đề án nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, đồng thời hình thành các tour du lịch thưởng thức món ăn Huế tại Đại Nội kết hợp với các chương trình biểu diễn nghệ thuật cung đình. Những dịch vụ ở đây sẽ được phát triển theo hướng đẩy mạnh giá trị gia tăng các sản phẩm văn hóa truyền thống chất lượng cao, tăng thụ hưởng văn hóa.

Ông Hoàng Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết: Ẩm thực món Huế tại cung Trường Sanh hướng đến dòng khách trung và cao cấp. Mọi hoạt động của đơn vị khai thác dịch vụ luôn được giám sát để đảm bảo thực hiện đúng những yêu cầu về bảo vệ cảnh quan môi trường khu di tích, cũng như không tác động đến hệ thống công trình kiến trúc của di tích. Hiện nay, đã có nhà đầu tư trúng thầu dự án này và họ đang chuẩn bị để đưa dịch vụ vào hoạt động trong thời gian tới.

Dịch vụ tương xứng với di sản

Ngoài cung Trường Sanh, các điểm đến như Đông Khuyết Đài (Đại Nội) và cơ sở nhà đất số 57 Đặng Dung, TP. Huế, cũng được chính thức đưa vào khai thác dịch vụ. Trong đó, tại cơ sở nhà đất 57 Đặng Dung, dòng dịch vụ khai thác chính là những sản phẩm y học cổ truyền gắn với di sản Thái Y viện của triều Nguyễn xưa.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Hoàng cung Huế đón khoảng 5 ngàn lượt khách tham quan. Với mục tiêu thu hút ngày càng đông du khách, đơn vị chủ quản nỗ lực cải thiện hình ảnh khu di sản Huế ngày càng đẹp và hấp dẫn hơn. Từ năm 2012, các hoạt động dịch vụ tại khu di sản Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy mạnh theo lộ trình của đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020, đã được UBND tỉnh thông qua. Theo đó, có 11 khu vực và cụm di tích được quy hoạch để tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, với mục tiêu: Phát triển tổng thể hoạt động dịch vụ di sản Cố đô Huế nhằm khai thác tối đa, hiệu quả những lợi thế của văn hóa vùng đất Cố đô, nhưng phải phù hợp với công ước quốc tế về bảo tồn di sản và tuân thủ pháp luật.

Khác với các điểm văn hóa thiên về vui chơi giải trí, khu di sản Huế là quần thể di tích kiến trúc lịch sử, văn hóa và là những không gian đặc biệt. Trong không gian này, cần thiết phải giữ được sự tôn nghiêm cần thiết trong khai thác các hoạt động dịch vụ, thì du khách mới cảm nhận được chiều sâu của giá trị văn hóa phi vật thể.

Ông Hoàng Văn Triều chia sẻ: Hầu hết các hoạt động dịch vụ tại các điểm di tích đều được tổ chức triển khai đúng hướng theo chủ trương của UBND tỉnh và thu hút được nhiều nguồn lực xã hội. Để đảm bảo các hoạt động dịch vụ tại khu di sản được triển khai như các phương án đã được phê duyệt, chúng tôi kêu gọi những đối tác có đủ năng lực và hướng đến mục tiêu khai thác sản phẩm dịch vụ cao cấp hơn, chất lượng hơn để tương xứng với không gian di sản và đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng khách có nhu cầu cao.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Chuyện “hoa hồng”

Cuối tháng 10 vừa rồi, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Celeberity Millennium của hãng Royal Caribbean với hơn 3.000 du khách và thuyền viên. Đây được biết là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 30 cập cảng Chân Mây tính từ đầu năm 2024. Sau khi cập cảng, một nửa du khách và thuyền viên đã chọn tham quan Huế, nửa còn lại tham quan Đà Nẵng, Hội An.

Chuyện “hoa hồng”
Return to top