ClockChủ Nhật, 24/11/2024 07:27

Di sản thời số hóa

TTH - Ứng dụng công nghệ số đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả.

Bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ số

 Hướng dẫn du khách tương tác với chip NFC để truy cập thông tin về cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Cầu nối

Với vé điện tử thông minh tham quan di tích Huế, khách du lịch không còn phải xếp hàng chờ đợi. Nhờ ứng dụng “Di tích Huế”, du khách sẽ dễ dàng khám phá quần thể rộng lớn lên đến hơn 32.000m2 của Đại Nội dù là chỉ mới lần đầu đặt chân đến đây. Hay với triển lãm số và định danh cổ vật tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, công nghệ số hóa sẽ đưa người xem vào một cuộc “phiêu lưu” qua các tác phẩm nghệ thuật vô giá.

Hải Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, tham quan di tích Huế một mình nên Hải Anh sử dụng Audio Guide để nghe thuyết minh tự động như một người bạn đồng hành. “Rất thú vị và thuận tiện”, Hải Anh nói. Mỗi bước chân là một mảnh ghép lịch sử chờ bạn khám phá. Mỗi điểm đến, chỉ cần quét mã QR Code thông minh, Hải Anh lại phát hiện những chi tiết bất ngờ và hiểu sâu hơn về các cổ vật, từng vị trí được số hóa.

 Trải nghiệm trò chơi cung đình Đầu Hồ bằng công nghệ VR

“Mình cũng thử trải nghiệm “Du hành về quá khứ” với kính VR. Đây thực sự là hành trình sống động qua từng thước phim lịch sử. Được chiêm ngưỡng Đại Nội uy nghi trong hiện tại và thuở vàng son hàng trăm năm trước của các đền đài, lăng tẩm, cung vua, phủ chúa. Nhờ hỗ trợ của công nghệ giúp mình biết thêm nhiều thông tin, tư liệu quý và giúp chuyến tham quan trọn vẹn hơn”, Hải Anh bày tỏ.

Theo ông Võ Quang Huy, Phó chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, khu di sản Hoàng cung Huế là đơn vị thứ 3 trên thế giới được thử nghiệm công nghệ hiện đại này. Trải nghiệm thực tế ảo XR giúp du khách có thể ngắm toàn cảnh Hoàng thành Huế xưa mở rộng trước tầm mắt, tự do đi lại khắp Hoàng cung thông qua không gian ảo và khám phá các loại hình du lịch văn hóa giữa hiện đại và quá khứ ngay trong cung điện, với các hình thức trải nghiệm xưa ở trong hoàng thất, nghi thức liên quan đến âm nhạc, ca múa cung đình…

Đột phá trong bảo tồn

Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một di sản văn hóa phong phú, đa dạng về văn hóa vật thể và phi vật thể, với hơn 1.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh cùng 3 di sản phi vật thể quốc gia, 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tỉnh có 8 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu.

Thời gian qua, Trung tâm BTDTCĐ Huế ứng dụng hàng loạt công nghệ số hiện đại, tạo bước đột phá trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thay đổi cách thức tiếp cận di sản. Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung cho biết, đơn vị xem đây là công cụ, giải pháp tối ưu để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản văn hóa của tiền nhân. Là cầu nối để đưa Quần thể di tích Huế đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển KT-XH không chỉ của Thừa Thiên Huế nói riêng mà của Việt Nam nói chung.

Số hóa còn giúp lưu giữ nguồn dữ liệu về những yếu tố gốc của các công trình di tích. Trước đó, Trung tâm phối hợp AGS Technologies số hóa scan 3D di tích điện Thái Hòa trước khi trùng tu. “Việc scan 3D công trình quan trọng bậc nhất tại khu di sản Huế đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu công trình này. Dữ liệu dạng số đã được chia sẻ với các đơn vị liên quan khi triển khai công tác bảo tồn và tu bổ di tích để có sự tham chiếu chính xác trong quá trình trùng tu. Hiện, dự án “Bảo tồn và tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đã hoàn thành, đảm bảo các yếu tố nguyên gốc của di tích. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam 23/11 năm nay, điện Thái Hòa sẽ được khánh thành, đón khách tham quan”, ông Trung nói.

“Trung tâm cũng ứng dụng công nghệ 360 để số hóa Kinh thành Huế, lầu Tàng Thơ, một số điểm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và sẽ tiếp tục triển khai ở các công trình di tích khác. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai số hóa nguồn tư liệu, hiện vật, các giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội, phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị về lâu dài. Đã có hàng chục ngàn trang tài liệu được số hóa, chủ yếu công trình dự án tu bổ, trùng tu di tích. Riêng cổ vật, hiện vật quý Triều Nguyễn, đã có 183 hiện vật tiêu biểu, 207 cổ vật quý được scan, số hóa 3D. Những cổ vật được số hóa, vừa phục vụ lưu trữ, vừa được giới thiệu đến du khách bằng các sản phẩm công nghệ số”, ông Võ Quang Huy thông tin.

Mới đây, Trung tâm BTDTCĐ Huế vừa đoạt “cú đúp” giải thưởng giá trị: Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2024 tại hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với giải pháp “Ứng dụng công nghệ số bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế” và tại lễ biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam (Industrie 4.0 Awards), Trung tâm BTDTCĐ Huế được vinh danh tại hạng mục Top Tổ chức/Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm
Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản
Return to top