Chiếu phim tại A Lưới thu hút người xem
Chấp nhận khó khăn
Mới ở cùng vợ con buổi sáng đợt lễ 30/4 – 1/5, chưa kịp chở đi chơi Festival, anh Hoàng Tiến Dũng đã phải tạm chia tay gia đình để bắt đầu đợt chiếu phim lưu động tại A Lưới. Hành trang người vợ chuẩn bị cho chồng ngoài xoong nồi, mì tôm còn có ít bánh ngọt để ăn đêm. Chị cười: “Lễ này, em lại "nhường" anh cho bà con”.
Thêm đợt này, anh Dũng ngót ngét có hơn 20 năm lỗi hẹn nghỉ lễ cùng vợ. Thời gian chiếu phim ngoài định kỳ hằng tháng thì cao điểm thường trúng vào dịp lễ, Tết, vì vậy khó có được kế hoạch đi chơi cùng gia đình. “Làm nghề này thường đi xa dài ngày. Đôi khi thấy thương vợ con vì gia đình không được sum họp ngày lễ như những người khác”, anh Dũng tâm sự.
Xa gia đình không chỉ buồn mà còn rất vất vả, nhất là nơi ăn uống, ngủ nghỉ. Mỗi đợt chiếu phim kéo dài 15 ngày và phải đến nhiều xã (trung bình 1 xã 2 đêm) nên những người chiếu phim lưu động thường xin nhà dân hoặc ngủ lại trụ sở UBND xã và mì tôm là món ăn quen thuộc. Anh Dũng giải thích, ở A Lưới, chỉ có thị trấn mới có quán cơm bụi, trong khi công việc của anh và đồng nghiệp thường ở thôn, bản. Tuy nhiên, do người dân thường đi rừng, rẫy đến tối mới về nên anh em trong đội phải chủ động bữa ăn, thường là tạm bợ. “Đợt chiếu phim tại xã Hồng Thủy đúng vào dịp mưa lạnh. Loay hoay cả ngày quên cả ăn nhưng thấy người dân đến đông rất vui. Khi bà con về hết, chỉ còn 3 anh em trong đội lặng lẽ dọn dẹp đến 11 giờ đêm mới xong rồi ăn mì tôm. Nhìn ra trời mưa, ai cũng thấy trống trải, suốt đêm thức trắng vì nhớ nhà, nhớ vợ con”, anh Dũng kể.
Giống như anh Dũng, nhiều thành viên trong đội chiếu phim lưu động phải trải qua nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhắc đến chuyện tình duyên thì ai cũng lắc đầu, đa phần “cập kê” tuổi 35 – 40 mới “chịu” yên bề gia thất. Anh Nguyễn Thanh Toàn (29 tuổi), thành viên đội chiếu phim lưu động, chia sẻ: “Gia đình cũng hối thúc nhưng đến giờ mình vẫn chưa có người yêu. Nghề mình xác định thường xuyên xa vợ, xa gia đình, ai phải thật sự thương mình thì họ mới chấp nhận được nên cứ từ từ”.
Anh Nguyễn Ngọc Ngôn, Đội trưởng đội chiếu phim lưu động Nam Đông trải lòng, có những đêm sau khi công việc kết thúc mà nhớ vợ con, anh và các đồng nghiệp tranh thủ chạy về trong khuya rồi hôm sau trở lại. Những lúc vợ con đau ốm đột xuất, các thành viên gánh thêm công việc cho nhau, giải quyết cho trường hợp khẩn cấp được về. Tuy vất vả, nhưng tất cả đều hài lòng với công việc hiện tại. “Quá khứ còn khó gấp trăm lần. Lúc đó đường sá cách trở, xe vượt đèo suối không được là phải vác máy đi bộ. Bây giờ giao thông thuận lợi nên chúng tôi tuy có lúc buồn nhưng vẫn thấy yêu nghề”, anh Ngôn khẳng định.
Tình cảm ở vùng xa
Các đội chiếu phim lưu động chính thức làm nhiệm vụ từ năm 1994. Hiện nay, có 3 đội (mỗi đội 3 thành viên) được phân công ở 3 khu vực là A Lưới, Nam Đông và đội vùng đồng bằng chuyên chiếu phim ở các xã còn khó khăn, vùng bãi ngang hoặc xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đêm chiếu phim thường bắt đầu từ lúc hơn 20 giờ và kết thúc lúc hơn 22 giờ, song việc chuẩn bị khá mất thời gian. Do phải di chuyển máy móc qua các cung đường đèo, độ xóc lớn nên ngay từ 2 giờ chiều, các đội đã phải lắp ráp máy móc để kiểm tra, kịp thời xử lý các sự cố, sau đó tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu phim. Kết thúc mỗi đợt chiếu phim, về lại TP. Huế, họ bận rộn làm báo cáo, chuẩn bị phim cho đợt mới, sửa chữa xe và các phương tiện máy móc, vì thế thời gian nghỉ của họ rất ít. Vất vả nên trước đây có một số cán bộ nữ theo nghề nhưng sau đó bỏ cuộc.
Anh Dũng chia sẻ, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, cả 3 đội trưởng đều là cựu chiến binh, trưởng thành từ môi trường quân đội nên học lối sống giản dị, gần dân của Bác. Đến các thôn, bản ngoài công việc chuyên môn, các anh cũng thường xuyên giúp người dân làm nương rẫy, quét dọn trong nhà, phụ làm nhà. “Hễ người dân làm gì thì mình làm nấy. Thân thuộc đến nỗi nhiều khi đang làm, họ quên mình là người Kinh mà nói chuyện bằng tiếng đồng bào, nghe nhiều cũng quen và hiểu luôn”, anh Dũng chia sẻ.
Những người chiếu phim lưu động khẳng định, từ lâu người dân ở các vùng sâu, vùng xa xem các thành viên đội chiếu phim là người cùng quê và đối xử như xóm giềng. Những lúc rảnh, họ lại luộc sắn hoặc nấu cơm cho ăn. Lâu lâu, già làng và người dân địa phương lại tổ chức bữa giao lưu với với đội chiếu phim dưới mái nhà truyền thống, ngồi uống rượu hàn huyên suốt đêm. Tên của các anh được người dân từ nhỏ đến lớn “thuộc lòng”.
Điều đáng mừng là tình cảm thân thuộc giúp cho hoạt động chiếu phim lưu động thêm hiệu quả. Mỗi đợt chiếu phim, ở hầu hết các thôn, bản đều rất đông khán giả, kể cả những đêm mưa. Ngược lại, phía đội chiếu phim luôn tìm phương án xử lý cái khó, dù mưa lạnh nhưng vẫn cương quyết không bao giờ bỏ buổi chiếu. Nhờ thế, những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng được người dân hiểu hơn thông qua các đợt chiếu phim lưu động.
Ông Hồ Xuân Đài, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thừa Thiên Huế, khẳng định: “Dù vất vả nhưng nhiều năm qua các thành viên ở 3 đội chiếu phim lưu động đều hoàn thành tốt công việc, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao”.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc