ClockThứ Sáu, 11/09/2020 16:01

Di tích Huế gặp khó do dịch COVID-19

TTH - Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến lượng khách tham quan di tích Huế giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu và toàn bộ hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Khách tham quan di tích Huế giảm mạnh do dịch COVID-19Sẽ tổ chức chương trình “Áo dài & Di sản” sau dịch COVID-19

Khó khăn về nguồn thu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải cắt giảm lao động thời vụ

Cắt giảm lao động

Sau 4 năm gắn bó với công việc ở Phòng Cảnh quan thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, anh Huỳnh Văn Hải vừa phải nghỉ việc vào tháng 8 năm nay. Bị mất việc trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, anh Hải không khỏi ngậm ngùi. Kinh tế gia đình anh Hải càng thêm túng thiếu khi vợ anh, một nhân viên trong ngành khách sạn cũng phải nghỉ việc không lương.

Anh Huỳnh Văn Hải buồn bã: “Gắn bó với công việc đã lâu nên nghỉ việc tôi buồn và lo lắm. Mấy bữa nay cũng chạy quanh xin việc nhưng vào thời điểm khó khăn này, ở đâu cũng cắt giảm, tôi chưa xin được việc làm mới. Tuy vậy, tôi cũng hiểu đây là khó khăn chung, chỉ mong dịch bệnh qua mau để các hoạt động quay trở lại bình thường”.

Cũng nằm trong diện bị cắt giảm lao động, anh Nguyễn Sỹ Mạnh, nhân viên Phòng Cảnh quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ: “Tôi làm công việc này đã 4 năm, khi bị nghỉ việc cũng tâm tư nhưng tôi hiểu việc trung tâm cắt giảm lao động là điều bất đắc dĩ. May mắn hơn những đồng nghiệp khác là tôi vẫn còn được tiếp tục làm công nhật tại di tích, dù công việc không ổn định nhưng cũng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu sụt giảm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế không có tiền để chi lương. Công việc của trung tâm cũng ít lại nên buộc phải cắt giảm toàn bộ 88 lao động trong diện hợp đồng thời vụ trong tháng 8. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế băn khoăn: “Việc cắt giảm lao động là điều không ai muốn, cực kỳ khó cho người lao động và cả trung tâm nhưng trong bối cảnh này, trung tâm không còn cách nào khác. Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã họp và thống nhất, cắt giảm toàn bộ lao động thuộc diện hợp đồng ngắn hạn”.

Cần cơ chế hỗ trợ

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện cơ chế tự chủ từ 35% tổng thu phí. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu của trung tâm giảm mạnh. Từ cuối tháng 1, lượng khách du lịch đến tham quan khu di sản Huế sụt giảm. Từ ngày 14/3 đến 29/4, di tích đóng cửa, ngưng đón khách tham quan đã tác động lớn đến hoạt động của trung tâm. Sau khi mở cửa trở lại vào ngày 30/4, lượng khách tham quan di tích dần được phục hồi khoảng 50-60%. Thế nhưng, khi dịch bùng phát trở lại, lượng khách và nguồn thu gần như bằng 0. Từ đầu năm đến nay, lượng khách tham quan di tích Huế giảm gần 65%, nguồn thu ước chỉ đạt 25% so với dự toán.

Nguồn thu giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải điều chỉnh, cắt giảm nhiều hoạt động, hạng mục công việc. Những việc có thể thực hiện được trong năm 2021 đều được dời lại sang năm sau, chỉ ưu tiên kinh phí cho những việc cần thiết, như: chỉnh trang, tu sửa cấp thiết một số điểm di tích, triển khai các nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy...

Khó khăn kinh phí cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống của đội ngũ viên chức, người lao động. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cố gắng đảm bảo tiền lương cơ bản cho người lao động; các khoản thu nhập tăng thêm, hỗ trợ đều cắt giảm. Những khoản chi phí hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, như tham quan nghỉ dưỡng, may đồng phục cho lực lượng bảo vệ, vệ sinh môi trường theo quy chế cũng phải cắt giảm.

Ông Võ Lê Nhật cho hay, để giải quyết khó khăn, trung tâm xin tạm ứng ngân sách tỉnh để chi trả lương cho người lao động từ tháng 6 đến tháng 9, đồng thời xin tỉnh hỗ trợ một phần tiền lương trong năm 2020. Trung tâm cũng kiến nghị HĐND tỉnh điều chỉnh tỷ lệ để lại nguồn thu cho trung tâm từ 35% lên 100% đến hết năm 2021 để ổn định bộ máy, đảm bảo hoạt động, sau đó tùy tình hình thực tiễn để điều tiết cụ thể. Trung tâm cũng tính toán lại việc đổi mới mô hình quản lý, hoạt động theo hướng hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Return to top