ClockThứ Sáu, 01/09/2023 12:14

Đô thị di sản Huế phải được ứng xử tương xứng và đúng tầm

TTH.VN - Di sản văn hóa kinh đô Huế và xứ Huế nói chung là một hiện tượng lịch sử và văn hóa độc nhất vô nhị, đòi hỏi ở thế hệ chúng ta sự tiệm cận có hệ thống, khách quan để bảo tồn bảo lưu dòng chảy tự nhiên.

Hành trình hiện thực hóa giấc mơ - Kỳ 1: Khẳng định vị thế từ di sản HuếTrao tặng cổ vật cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình HuếChuyển đổi số ở di tích Huế

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay trong một dịp đến thăm di sản Huế

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - một trong những chuyên gia gắn bó với Huế với việc khôi phục di tích Huế đã nhắn nhủ như thế khi bàn về di sản Huế trong giai đoạn hiện nay.

Ba thành tố tạo nên di sản Huế

Ông Kính nhắc lại 3 thành tố tạo nên di sản Huế: di sản kiến trúc; di sản và vốn liếng hiện hữu của văn hóa kinh đô, xứ Huế; đô thị di sản. Trong đó, di sản kiến trúc bao gồm kinh thành, hệ thống hào, kênh, cầu cống, ba vòng thành, các cổng; kiến trúc cung đình; kiểu thức kiến trúc gỗ; nhà vườn Huế… Ngoài ra, theo chuyên gia này, cần nhìn nhận các di tích và các di sản kiến trúc Huế trong sự không thể tách lìa khỏi quỹ động sản quý báu và quý hiếm hàm chứa trong đó.

“Đó là những di vật, cổ vật và bảo vật trong các công trình kiến trúc cung đình, của giới thượng lưu, ngay ở các ngôi nhà cổ và cũ của dân cư. Cùng với bất động sản, chúng nên được chú trọng giữ gìn với tư cách những chứng nhân sống của lịch sử, chúng có thể được coi là nhân tố trung gian giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể”, ông Kính cân nhắc.

Di sản văn hóa kinh đô và xứ Huế đó chính là sự đồng bộ, sự đa dạng, có độ sâu - độ chín - độ bền, có sức đề kháng, có nội lực cùng sức sống cho đến tận hôm nay. Ông Kính cho rằng, với tư cách kinh đô tồn tại kéo dài 150 năm, xứ Huế đã định hình một cách tương ứng và đầy đủ các giai tầng xã hội dù nay đã tàn phai một phần, xong vẫn hiện hữu như một dạng di sản xã hội dưới thời phong kiến, mà không còn thấy ở các địa phương khác. Đó là những giai tầng xã hội của kinh đô: dòng họ vua chúa, quan chức quý tộc, khoa bảng, dòng họ làm thầy như thầy giáo, thầy thuốc và thầy chùa, dòng họ kinh doanh và phường nghề… “Những cộng đồng chuyên biệt kể trên vừa đảm trách vai trò xã hội của mình, vừa đóng góp phần mình, hẳn với những khác biệt, cho sự hình thành và tích tụ nền văn hóa chốn kinh kỳ, đa phần đặc sắc và đôi khi đạt tới độ tinh hoa”, GS. Kính khẳng định.

Bàn về đô thị di sản, ông Kính cho rằng Huế sở hữu những di sản đô thị; đồng thời, Huế là đô thị di sản. Huế có đầy đủ những cơ sở để liệt vào diện đô thị di sản duy nhất ở nước ta nên phải ứng xử tương xứng và đúng tầm. “Huế cổ xưa mang hình ảnh một đô thị sinh thái mà nhân loại đang hướng tới”, ông Kính nhìn nhận và cho rằng, nửa thế kỷ qua, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đã đạt rất nhiều thành tựu. Trong đó kể đến việc tiến hành nghiên cứu rộng và sâu chưa từng thấy về lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa và nhiều lĩnh vực chuyên biệt khác như gia đình và dòng họ, văn hóa dân gian, nghi lễ, lễ hội, tập quán… Ngoài ra, vùng đất này tập hợp một đội ngũ khá đông đảo các nhà nghiên cứu về Huế, tương xứng với tầm của miền đất.

Bên cạnh đó, các di tích và quần thể kiến trúc cung đình Huế đã vượt qua được giai đoạn cấp cứu, được trùng tu và tôn tạo, trong phần lớn trường hợp đã đáp ứng các nguyên tắc cơ bản của khoa học bảo tồn.

Lưu ý không gian, vùng đệm giữa đô thị hiện hữu và đô thị mở rộng

Trở lại Huế trong dịp này, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã đưa ra rất nhiều gợi ý về việc ứng xử tiếp theo với di sản văn hóa Huế. Theo ông, với di sản kiến trúc cung đình, chính thống và đô thị, nên tiến hành công cuộc điều tra, đánh giá và kiểm kê đầy đủ, theo các tiêu chí và bước đi khác nhau. Ngoài ra, cần chú ý đến các kiến trúc nhà vườn, phủ đệ, các cấu trúc phố phường, có hình thái chuyển tiếp từ đô thị sang nông thôn, các làng cổ và cũ ven đô, các cụm và các phức hợp kiến trúc - cảnh quan…

 Huế sở hữu những di sản đô thị, đồng thời Huế là đô thị di sản

Về phương diện di sản kiến trúc, nên có sự phân biệt rạch ròi giữa di tích và di sản. Di tích là những công trình ngưng đọng, cần bảo tồn và trùng tu theo quan điểm bảo lưu tính nguyên vẹn lịch sử. Di sản là những cấu trúc đô thị và nông thôn có giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc và cảnh quan hầu hết đang trong quá trình sử dụng và cải tạo phát triển, nên không thể ứng xử như với di tích đã được xếp hạng, chúng cần được duy tu trong sự kết hợp bảo tồn - cải tạo - thích ứng và hiện đại hóa tương thích, theo chuỗi tiếp nối lịch sử.

Với tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể, hiểu theo nghĩa rộng, nên tiếp tục công tác điều tra, đánh giá và làm chủ các yếu tố cấu thành. Xác định rõ những gì là di sản, là truyền thống và những gì có sức sống trong cuộc sống đương đại. Đặc biệt đảm bảo tính khách quan, tránh sự bài xích vốn dĩ và tìm kiếm những giá trị lâu bền, tinh hoa, góp phần cho việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, dựa trên cơ sở nền văn hóa xứ Huế.

Cùng với đó, đánh giá toàn diện tính thống nhất, các yếu tố cấu thành cơ thể đô thị di sản Huế. Từ đó củng cố sự gắn kết hữu cơ về phương diện hình thái học, làm cơ sở cho sự phát triển mở rộng đương nhiên của thành phố. Lưu ý việc lập những không gian, vùng đệm giữa quỹ đô thị hiện hữu và đô thị mở rộng. Việc này khắc phục những mâu thuẫn mới nảy sinh trong cơ thể đô thị Huế hiện nay. “TP. Huế - đô thị di sản chỉ mãi mãi là mình khi ta trân trọng và ôm ấp trong mình những vốn liếng - tích lũy lịch sử vô song, đó là quỹ kiến trúc đô thị của các thời, tài nguyên di sản văn hóa kinh đô và xứ Huế, tài nguyên thiên nhiên nhân văn hóa”, ông Kính tâm đắc.

N. MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top