Chủ thuyền, nghệ sĩ đồng thuận dừng hoạt động Ca Huế
Chấp hành nghiêm túc
Suốt cả tuần nay, bến thuyền Tòa Khâm vắng lặng, ngay cả dịp cuối tuần. Sông Hương lặng yên. Những chiếc thuyền rồng nằm im trên bờ lặng lẽ, lác đác vài chủ thuyền ngồi buồn bã, không có bóng dáng người khách nào vãng lai.
Hỏi thăm tìm thuyền đi Ca Huế trên sông cho bà con từ miền Nam ra, điều hành thuyền Đ.P.T từ chối: “Thuyền không phục vụ Ca Huế trên sông từ tối 18/3 sau khi có thông báo tạm dừng hoạt động biểu diễn Ca Huế phục vụ khách từ UBND thành phố Huế. Thôi chịu khó qua dịch rồi hẵng đi nghe chị”.
Hỏi tiếp chị T.: Dừng việc làm ăn, mưu sinh, bà con có đồng tình? Chị T. chùng lại: “Dịch bệnh phức tạp như ri, Ca Huế lại đông khách thập phương, lỡ khách bị nhiễm virus thì nguy. Chính quyền tạm dừng cũng là vì lo cho sức khỏe của dân, chúng tôi đồng tình cao”.
Ông Trần Tân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trần Tân dừng hoạt động Ca Huế trên sông trước khi có công văn chỉ đạo của thành phố. Ông Tân cho biết: “Ý thức dịch bệnh nguy hiểm, nếu tiếp tục hoạt động sẽ không an toàn, tôi cho anh em nghỉ và rất đồng tình với chủ trương ngưng hoạt động Ca Huế”.
Khi còn hoạt động, thuyền của ông Tân luôn trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho khách, sử dụng quạt hết công suất... “Làm du lịch phải niềm nở, vui vẻ nhưng trong tình cảnh dịch bệnh, mọi người đều bịt bùng khẩu trang, như vậy cả nghệ sĩ lẫn khách nghe Ca Huế cũng không thoải mái. Thành phố cho dừng như vậy mà khỏe, chứ đi làm lo nơm nớp”, ông Tân nói thêm.
Động viên nhau vượt khó
Theo Ban quản lý bến thuyền du lịch Tòa Khâm, hiện có khoảng 40 thuyền đôi hoạt động Ca Huế trên sông. Sau một tuần thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Huế tạm dừng hoạt động biểu diễn Ca Huế, tất cả các chủ thuyền đều chấp hành nghiêm túc.
Tất cả thuyền Ca Huế đều ngưng hoạt động
Bà Dương Thị Ánh, Trưởng Ban Quản lý bến xe thuyền TP. Huế thông tin, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND TP. Huế, đơn vị thông báo cho các doanh nghiệp, chủ phương tiện dừng ngay việc hoạt động ca Huế trên sông. Đến nay, tất cả các thuyền đều chấp hành nghiêm túc. Chúng tôi cũng phối hợp với các lực lượng chức năng: Cảnh sát đường sông, Công an TP. Huế kiểm tra thường xuyên, không có trường hợp nào vi phạm.
Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là sau khi trên địa bàn tỉnh có du khách nhiễm COVID-19, lượng khách nghe Ca Huế giảm đến 80%. Các doanh nghiệp cũng chủ động phòng chống dịch nên việc triển khai chủ trương này thuận lợi.
Việc dừng hoạt động Ca Huế sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn khi công việc này là nguồn thu nhập chính. “Không có thu nhập chắc chắn là khó khăn nhưng thiên tai, dịch bệnh phải chấp nhận. An toàn sức khỏe là quan trọng nhất, đây là phương châm để chúng tôi động viên nhau vượt qua khó khăn mùa dịch”, ông Tân bộc bạch.
Với nhiều nghệ sĩ, biểu diễn Ca Huế là nghề chính nên khi dừng hoạt động, họ thất nghiệp. Từ khi nghỉ Ca Huế, nghệ sĩ T.T (quê ở Phong Điền) trả lại nhà trọ để về quê. T. chia sẻ: “Dịch bệnh phức tạp nên em rất lo, nghỉ biểu diễn Ca Huế gần một tháng nay, trước khi thành phố có yêu cầu tạm dừng. Nhiều nghệ sĩ hát Ca Huế trên sông là nghề tay trái, còn với em là công việc chính nên rất khó khăn. Chỉ mong dịch bệnh qua mau để còn khôi phục lại các hoạt động”.
Bài, ảnh: Minh Hiền