ClockThứ Bảy, 23/09/2017 13:36

Góc nhìn mới về Huế

TTH - Vẫn là những cảnh sắc quen thuộc nhưng với cuộc thi “Huế - những góc nhìn mới”, thiên nhiên và con người xứ Huế được khắc họa qua góc nhìn mới, lạ.

Tác phẩm "Tỏa sáng" của Nguyễn Khoa Huy

Nét Huế

Trong lễ kỷ niệm 100 năm Trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng, tác giả Nguyễn Khoa Huy tình cờ chụp lại được một tiết mục múa thể hiện tài năng của cô nữ sinh trường này. Đó là khoảnh khắc tỏa sáng của nữ sinh Huế cùng với hoa sen. Khắc họa và tôn vinh vẻ đẹp hoa sen - vừa là quốc hoa vừa mang đậm hồn Huế cùng vẻ đẹp của người thiếu nữ, bức ảnh “Tỏa sáng” tạo ấn tượng với Ban giám khảo và mang lại cho Nguyễn Khoa Huy giải nhất của cuộc thi “Huế - những góc nhìn mới”.

Anh Huy chia sẻ: Lúc ấy có rất nhiều người chụp nhưng chắc là tôi có duyên với bức ảnh này. Đó thật sự là cái duyên của khoảnh khắc bấm máy. Khi về nhà xem lại, tôi có cảm xúc rất lạ và nghĩ ngay đến hình ảnh hoa sen, người phụ nữ tỏa sáng. Thế nên, tôi đặt tên tác phẩm này là "Tỏa sáng”.

Hẳn mọi người đều cảm nhận được sự mộc mạc và dung dị khi xem bức ảnh “Bến đò ngang” của Lê Tấn Thanh. Đơn giản là ghi lại sinh hoạt thường nhật - cảnh người dân tấp nập mang hoa, quả đi bán ở bến đò làng Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang) - nhưng “Bến đò ngang” gợi lên cho người xem cảm xúc nao nao về khung cảnh của làng quê gần gũi, thân quen. Thanh kể, để chụp được bức ảnh ưng ý, anh đã phải “canh me” ở bến đò Thanh Tiên không dưới 10 lần mới “bắt” được bố cục đẹp.

Trong cuộc thi này, Lê Tấn Thanh là người “bội thu” nhất khi “ẵm” luôn 2 giải. Ngoài tác phẩm “Bến đò ngang” đoạt giải nhì, Thanh còn “giựt” luôn giải ba với tác phẩm “Múa lửa hoàng cung”. Vẫn là Đại Nội, Ngọ Môn nhưng địa điểm ấy đã được thổi hồn qua những hoạt động sôi nổi về đêm. Với bức ảnh này, Thanh đã làm mới một địa danh quen thuộc và nhìn vào người xem vẫn nhận ra ngay là Huế qua background phía sau nhấn mạnh vẻ đẹp về đêm của Đại Nội. Thanh nhớ lại: “Vào đêm đầu tiên Đại Nội mở cửa đón khách, tôi vào đây chơi và chụp được màn múa lửa ngoạn mục. Trong ánh lửa, ánh đèn, hoàng cung về đêm trở nên lung linh, huyền ảo, rất ấn tượng. Đây thực sự là tiềm năng phát triển du lịch Huế”.

“Thành phố nhỏ” (giải nhì) của Nông Thanh Toàn là một phát hiện mới khi tác giả chọn góc chụp từ trên cao xuống bằng flycam. Đó thực sự là một không gian đẹp mà lâu nay khó thấy nếu không nhìn bao quát từ trên cao. Nó lạ đến mức Ban tổ chức và Ban giám khảo không nghĩ rằng, nó được chụp trên đất Huế mà phải xác định tọa độ của nó.

Tìm góc nhìn mới

Qua 3 lần tổ chức (bắt đầu vào năm 2011), cuộc thi có chủ đề xuyên suốt “Huế - những góc nhìn mới” thể hiện mong muốn của Ban Tổ chức tìm những tác phẩm mới, lạ về đất và người Thừa Thiên Huế. Theo thời gian, uy tín của cuộc thi ngày càng được khẳng định qua số lượng tác phẩm, tác giả tham gia và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. 2.179 tác phẩm của 196 tác giả thuộc 33 tỉnh, thành trên khắp cả nước là con số ấn tượng so với vài trăm ảnh dự thi vào lần thứ 1 và lần thứ 2. Điều đó cũng chứng tỏ cuộc thi đã tạo nên hiệu ứng tích cực, nhận được sự quan tâm của giới nhiếp ảnh trong cả nước.

Các tác phẩm tham dự cuộc thi đã thể hiện những góc nhìn mới về thiên nhiên và con người xứ Huế, nhất là những “thay da, đổi thịt” khi Thừa Thiên Huế đang trong quá trình phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc trung ương, theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đồng thời, cũng đang trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục – đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực. Vẫn là những cảnh sắc quen thuộc, như sông Hương, núi Ngự, bến đò, đầm phá, những làng nghề truyền thống, những con người dung dị... nhưng được nhìn qua lăng kính mới. Những bức ảnh đạt giải cao, ngoài đáp ứng các tiêu chí về chất lượng nghệ thuật như ánh sáng, bố cục, đường nét... đều thể hiện được nét đặc trưng của Huế bằng góc nhìn độc đáo.

Ông Phạm Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức của cuộc thi nhấn mạnh: “Tất nhiên, những cảnh sắc như Ngọ Môn hay Trường Tiền muôn đời vẫn vậy nhưng bằng nghiệp vụ, kỹ năng, các tác giả đã tạo ra được những góc nhìn mới lạ để quảng bá tiềm năng văn hóa du lịch cho Huế. Đồng thời, kịp nắm bắt để phản ánh sinh động cuộc sống đang diễn ra”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, chất lượng của các tác phẩm được nâng cao hẳn so với những lần trước và đáp ứng tiêu chí quan trọng của cuộc thi là tìm ra những góc nhìn mới. Điều này đã được ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: “Chưa có kết quả cuối cùng nhưng trong số 11 nghìn file ảnh của hơn 1.000 tác giả trong nước và quốc tế từ 36 quốc gia, lãnh thổ tham dự cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam 2017 (VN - 17), nhiều bức ảnh của “Huế - những góc nhìn mới” được lọt vào vòng triển lãm, điều đó chứng tỏ ảnh của các nghệ sĩ Huế có chất lượng nghệ thuật rất cao”.

Điều quan trọng nữa là, cuộc thi đã tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp để các tay máy chuyên và không chuyên có thêm động lực sáng tác, cống hiến cho người xem những bức ảnh đẹp. Lê Tấn Thanh cho hay: “Tôi rất hạnh phúc khi lần đầu tiên tham dự cuộc thi lớn mà đoạt giải. Đây thực sự là sân chơi chuyên nghiệp với những người chơi ảnh”.

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top