ClockThứ Bảy, 18/05/2024 15:31

“Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại”

TTH.VN - Đó là chủ đề hội thảo diễn ra sáng 18/5 tại không gian Điểm gặp liên văn hóa (94 – 96 – 98 Bạch Đằng, TP. Huế).

Bảo tàng gốm cổ sông Hương chính thức mở cửa đón khách tham quan300 hiện vật kể chuyện sông Hương và sông Ô LâuKể câu chuyện về Huế thông qua gốm cổ

 GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ tại hội thảo

Hội thảo do Bảo tàng Gốm cổ sông Hương tổ chức nhân Ngày quốc tế bảo tàng và tròn 2 năm bảo tàng này chính thức đi vào hoạt động. Đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên cả nước đã tham dự và trao đổi tại hội thảo.

Phản ánh sự phát triển của tư duy sáng tạo

Theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, việc phát minh ra đồ gốm thể hiện một bước quan trọng trong sự phát triển văn hóa và công nghệ của con người, đánh dấu sự khởi đầu của nghề làm đồ sứ như một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày và biểu hiện nghệ thuật. Có thể nói, việc phát minh ra đồ gốm là kết quả của những phát minh độc lập ở nhiều vùng trên thế giới, dựa trên kinh nghiệm sử dụng lửa và khai thác tài nguyên từ các giai đoạn trước đó.

Còn ở Việt Nam, theo nhiều nhà nghiên cứu, đồ gốm cũng xuất hiện khá sớm, gắn với kinh tế trồng trọt, định cư và công cụ mài. Trước đây, đồ gốm được cho là bắt đầu được sử dụng từ văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, khoảng 10.000 năm trước. Tuy nhiên, nghiên cứu sau này cho thấy phần lớn mảnh gốm trong hang động thuộc các văn hóa này có thể từ thời kỳ muộn hơn, khi hang được dùng để chôn người chết hoặc trú ẩn.

Những phát hiện khảo cổ học Việt Nam hiện nay xác nhận có bốn khu vực đồ gốm sớm nhất, nằm ở ven biển từ Bắc vào Nam gồm Cái Bèo, Tràng An, Đa Bút và Quỳnh Văn. Đồ gốm được sản xuất và sử dụng ở bốn khu vực này đều gắn với lối sống định cư trong hang hay ngoài trời, kinh tế khai thác tự nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên biển. Mỗi khu vực đều có những đặc điểm riêng về đồ gốm theo chất liệu, loại hình và trang trí.

Với sự ra đời này, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, gốm đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người, bao gồm khả năng chứa đựng và bảo quản thức ăn, nước uống, cũng như các loại nguyên liệu khác. Điều này giúp cải thiện vệ sinh và an toàn thực phẩm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các hoạt động kinh tế và trao đổi. Sự phát minh ra đồ gốm còn phản ánh sự phát triển của tư duy sáng tạo và khả năng kỹ thuật của con người. Đồ gốm không chỉ có chức năng thực tiễn mà còn mang giá trị nghệ thuật cao, với nhiều hoa văn và kiểu dáng đa dạng, thể hiện sự phong phú trong văn hóa và tín ngưỡng của các cộng đồng tiền sử.

“Qua thời gian, kỹ thuật làm gốm ngày càng được cải tiến và phát triển, từ việc nặn bằng tay đơn giản đến việc sử dụng bàn xoay và lò nung chuyên dụng. Sự phát triển của đồ gốm đã góp phần quan trọng vào việc định hình các nền văn minh sơ khai, đóng vai trò thiết yếu trong sự tiến bộ của nhân loại”, GS. TS Lâm Thị Mỹ Dung nói thêm.

Gốm cổ ở sông Hương là nguồn tư liệu vật chất quý giá

Nhắc đến gốm không thể không nhắc sông Hương chảy qua Kinh thành Huế. Một khối lượng lớn các loại gốm được vớt lên từ dòng sông này phản ánh cụ thể, chân xác đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử, từ khi con người biết làm gốm, trồng lúa từ hàng ngàn năm trước cho đến tận ngày nay.

Trưng bày gốm bên lề hội thảo

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, gọi là đồ gốm sông Hương nhưng thực ra bao gồm cả đồ sành, đồ gốm, đồ bán sứ, đồ sứ với chủng loại vô cùng phong phú: bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, chén, dĩa, tô, chân đế, bát bồng, nắp, bình vôi, nồi, chum, vại, chì lưới…

Sự xuất hiện của gốm ở sông Hương đã phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam, giữa Huế với các tỉnh miền Trung, và các tỉnh phía Bắc, phía Nam; phản ánh cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân vùng Huế với nhiều quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, và cả các nước phương Tây.

“Vậy nhưng gốm sông Hương lại xuất hiện khá ngẫu nhiên và mới được chú ý trong khoảng một thế kỷ trở lại đây thông qua hoạt động chài lưới và trục vớt cổ vật, cát sỏi từ lòng sông của cư dân vạn đò và những người sống bằng nghề sông nước. Đầu thế kỷ XX, đồ gốm và các cổ vật từ sông Hương đã được một số nhà nghiên cứu người Pháp quan tâm, nhưng có lẽ phải đến thập niên 70, 80 chúng mới được sưu tầm một cách có hệ thống để hình thành một số bộ sưu tập có giá trị”, ông Hải chia sẻ.

TS. Nguyễn Anh Thư (Đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định, những đồ gốm cổ được trục vớt từ sông Hương đã phản ánh rõ nét tiến trình phát triển của Huế qua 3 giai đoạn chính: nhóm gốm tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến những thế kỷ đầu Công nguyên; nhóm gốm Champa từ thế kỷ II đến thế kỷ XIV; nhóm đồ sành, sứ, đồ gốm men của người Việt trải dài qua các giai đoạn lịch sử từ thời thuộc Hán cho đến thời Nguyễn và sau này. Ngoài ra còn có nhiều đồ gốm là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa, thuộc các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh (Trung Quốc), đồ gốm men của Thái Lan, gốm Hizen (Nhật Bản) và gốm sứ cao cấp châu Âu sau này.

Theo nghiên cứu của TS. Anh Thư, dựa vào chức năng có thể phân định đồ gốm vớt sông Hương thành 3 nhóm chính đó là đồ đun nấu, đồ dùng sinh hoạt và đồ đựng. “Những đồ gốm cổ ở sông Hương là nguồn tư liệu vật chất quý giá giúp các nhà nghiên cứu nhận diện một phần quan trọng các giá trị lịch sử - văn hóa Huế trong bối cảnh dòng chảy lịch sử - văn hóa miền Trung Việt Nam”, TS. Anh Thư đúc kết.

N. MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top