Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (bìa trái) yêu cầu các đơn vị liên quan sớm chỉnh trang khuôn viên Quốc Tử Giám để nơi đây trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Sau 19 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra và chỉ đạo công tác di dời hiện vật trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (vào ngày 30/4), các lực lượng quân đội, đơn vị thi công đã tập trung lực lượng, triển khai công việc ngày và đêm để kịp hoàn thành công trình chào mừng 130 năm Ngày sinh nhật Bác.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, từ ngày 3-12/5, Bộ Chỉ huy Quân sự đã tập trung lực lượng gồm 60 cán bộ chiến sĩ để tháo dỡ và vận chuyển hiện vật đến vị trí xây dựng bảo tàng mới tại 268 Điện Biên Phủ. Dưới dự chỉ đạo, kiểm tra hàng tuần của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, lực lượng tham gia làm nhiệm vụ đã thực hiện công việc với tinh thần quyết tâm cao, vượt tiến độ đề ra.
Ông Dương Duy Long, giám đốc Công ty TNHH MTV Long Tường - đơn vị thi công các hạng mục hoàn trả mặt bằng cho biết, trong vòng 5 ngày, công ty đã huy động nhiều nhân công, phương tiện triển khai công việc ngày và đêm, đến hôm nay cơ bản đã hoàn thiện việc thao dỡ hàng rào, chỉnh trang khuôn viên để bàn giao cho Trung tâm công viên cây xanh chỉnh trang cảnh quan, làm đẹp khu vực này.
Công nhân Công viên cây xanh đang trồng cỏ tái tạo mặt bằng tại khuôn viên Quốc Tử Giám
Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các đơn vị, lực lượng đã tích cực triển khai các công việc theo ý kiến chỉ đạo, hoàn thành vượt tiến độ đã đặt ra. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc đầu tư, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế về nơi mới nhằm mục tiêu hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, sau khi di dời, nơi đây sẽ được chỉnh trang để đảm bảo cảnh quan khu vực di tích và đồng bộ với dự án chỉnh trang vỉa hè đường 23 tháng 8.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung tâm công viên cây xanh sớm hoàn thiện công tác chỉnh trang cảnh quan; Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế thực hiện việc sắp sếp bố trí, trưng bày các hiện vật khi chuyển đến vị trí mới. Đối với với các hiện vật trưng bày còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần sớm có kế hoạch, lộ trình di dời cụ thể trong giai đoạn tiếp theo, trả lại hiện trạng cho di tích Quốc Tử Giám. Giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu dựa trên hệ thống tài liệu, cơ sở khoa học, lịch sử để xây dựng di tích Quốc Tử Giám trở thành bảo tàng Giáo dục Khoa cử nhằm bảo tồn và phát huy giá trị giáo dục của địa phương cho các thế hệ.
Tin, ảnh: Thái Bình