ClockChủ Nhật, 26/11/2017 11:46

Hồn Huế trong tiếng vọng Folklore

TTH - Văn hóa Huế với 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế là sự tài bồi, tiếp biến từ văn minh Thăng Long để vươn tới đỉnh cao văn minh Việt Nam.

Văn hóa Huế bên cạnh văn hóa cung đình, còn được hun đúc từ dòng sữa cội nguồn văn hóa dân gian: tiếng Huế, ca Huế, hò Huế, kiến trúc dân gian, ẩm thực dân gian, lối sống, ứng xử, tín ngưỡng… Folklore là thuật ngữ chỉ văn học dân gian vùng đất, ở Huế, hồn văn hóa dân gian đầm rất sâu trong cấu trúc đời sống, truyền qua hàng trăm năm, còn vọng đến nay.

Thong dong chiều Như Ý

Tín ngưỡng, hội làng và tiếng Huế

Trước hết phải nhắc đến tín ngưỡng. Cả nước chỉ có người Huế mới tổ chức “cúng đất”, cầu thổ thần đất đai phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành. Tục thờ thành hoàng là sự tiếp nối nhớ về cội nguồn có truyền thống từ các làng cổ phía Bắc và Bắc Trung bộ song có những biến thể. Ông thành hoàng làng ở Huế không có tính oai linh và quyền lực lớn lao trong đời sống dân làng như ở đất Bắc. Từ các ngôi làng, hàng trăm lễ hội làng được tổ chức xuân thu nhị kỳ để con dân trong làng tề tựu nhớ cội nguồn xưa…

Tiếng Huế được hình thành từ nhiều ngôn ngữ, phương ngữ khác nhau trong cả nước, trên sự phong phú đó mà chắt lọc, tôi luyện thành một lối diễn đạt ngôn từ bằng giọng Huế, tạo nên sắc thái hết sức riêng biệt. Tiếng Huế có căn nền từ văn hóa Đàng Ngoài và sau này là cả Đàng Trong. Dọc đường Nam tiến, những cộng đồng dân cư Thanh - Nghệ Tĩnh di cư vào Huế mang theo tên xã, tên làng, mang theo cả lời ăn, tiếng nói của Đàng Ngoài, của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Khi triều Nguyễn định đô, trưng tập người hiền tài về kinh làm quan, thợ giỏi về kinh xây dựng…, thì có khá nhiều người từ Đàng Trong ra Huế lập nghiệp, sinh sống, mang theo sắc thái phương ngữ của Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… Người Huế tạo dựng cuộc sống mới trên đất Chăm (từ 1306) nên cũng du nhập, ảnh hưởng tiếng Chăm. Ngoài ra tiếng Huế còn thu dung các từ gốc Hán – Việt, gốc Mường, gốc Nam Dương…

Folklo Huế ghi nhận tiếng Huế trong các hình thức kể chuyện cổ tích, các giai thoại, ca dao dân ca với nét riêng, rất riêng. Ca Huế hình thành trên cơ sở âm điệu, tiếng nói của địa phương, tỏ bày tâm trạng trên các con sông lững lờ, trên các cánh đồng tre trúc vây quanh, hoặc ngay dưới những mái nhà cô tịch, đem lại cho người nghe cảm giác bồi hồi khó tả. Rồi điệu hò mái nhì, nam ai, nam bằng, hát lý, hát sắc bùa… đã hình thành một không gian diễn xướng dân gian tuyệt hay, rất hiếm nơi có được. Một điều thú vị là giữa ca Huế dân gian và âm nhạc cung đình có mối quan hệ hỗ tương rất đặc biệt, có những làn điệu dân gian ảnh hưởng đến âm nhạc cung đình và ngược lại, âm nhạc cung đình cũng đã ảnh hưởng trở lại đối với diễn xướng dân gian. Mỹ thuật dân gian Huế còn lưu lại đến nay tranh Sình với muôn màu sinh hoạt làng quê…

Bài chòi ở “Chợ quê ngày hội” - một trong những hội làng sôi động trên đất Huế

Ca dao, mảnh vườn và sống theo lối Huế

Văn học dân gian Huế ngoài những ký ức dân tộc trước thời kỳ di dân Nam tiến, còn là những sáng tác truyền khẩu của những lưu dân khai phá. Tuổi đời của văn học dân gian xứ Huế không lớn hơn cội nguồn văn học dân gian Việt Nam; tư duy hồn nhiên của con người ở buổi bình minh lịch sử cũng đã không còn đậm đặc trong nếp nghĩ của lưu dân khai phá, cả ý thức tạo dựng cuộc sống mới văn minh hơn vùng đất cũ… đã khiến cho văn học dân gian Huế, cả nội dung và hình thức, đều có những cái khác so với kho tàng văn học dân gian cả nước. Những truyện kể nhằm giải thích thiên nhiên cũng nhắm khá nhiều đến các địa danh tín ngưỡng: sự tích chùa Thiên Mụ, núi Túy Vân, Thai dương Thần nữ…

Ca dao cũng thể hiện thức điệu tâm hồn Huế rất khó gặp ở những vùng đất khác:

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười

hai nhịp

Em qua không kịp tội lắm anh ơi...”.

Sản vật xứ Huế trong kho tàng ca dao tục ngữ Huế là vô cùng phong phú:

- “Cau Mỹ Lợi, quýt Hương Cần”

- “Mắm chuồn, dưa cải, chột nưa

Hẻo rằn Tiên Nộn nắng mưa qua ngày”…

Dân gian Huế sử dụng trang phục hài hòa màu sắc, tạo nên nét nổi bật trong phong cách Huế. Màu sắc y phục Huế với vẻ khiêm tốn trong sắc đen của màu áo đàn ông, sắc trắng và tím của quần áo đàn bà. Cô lái đò trên sông Hương thì trên nền trắng, tấm áo choàng có nổi thêm màu đen, tạo nên kiểu áo nổi màu vừa rất quen của Việt Nam, vừa rất độc đáo riêng Huế. Huế còn nổi tiếng với chiếc áo dài đi cùng chiếc nón bài thơ. Người xưa nói “ăn Bắc mặc Kinh” là ngợi ca cách ăn mặc của người Huế xưa.

Nhà vườn là một nét đặc trưng trong nhân văn Huế, thể hiện tâm thức hài hòa cùng thiên nhiên, dùng mảnh vườn để nuôi dưỡng tâm hồn hơn là vì mục đích kinh tế. Cộng đồng dân gian đã xây dựng nên Huế - thành phố vườn, cả thành phố là một công viên lớn, đi đâu cũng thấy màu xanh mát dịu.

Cuối cùng, ẩm thực Huế thực sự là nghệ thuật đỉnh cao. Ngoài ẩm thực cung đình dành cho ngự thiện và các buổi yến tiệc hoàng cung thì ẩm thực dân gian Huế cũng là thành tựu đặc sắc của văn hóa dân gian, hình thành một ẩm thực Huế riêng với nấu kiểu Huế, ăn kiểu Huế. Sách “Những món ăn nấu theo lối Huế” của Hoàng Thị Kim Cúc đưa ra cho mỗi mùa 15 thực đơn, thay đổi trong năm có 60 thực đơn với 300 món ăn (240 món mặn, 60 món chay). Chỉ riêng con số món ăn kiểu Huế trong các bếp dân gian cũng đủ để ghi tên Huế vào bản đồ ẩm thực thế giới. Những cái tên như cơm hến, bún bò Huế, bánh bèo - nậm - lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh khoái Đông Ba… thực sự là những cái tên truyền đời của văn hóa dân gian Huế…

Hồn Huế trong tiếng vọng Folklore, không chỉ phong phú đa sắc màu, mà còn có những mùi hương nhẹ nhàng say đắm. Tất cả hình thành một lối sống Huế, kiểu sống của những con người có ý thức và có biệt tài làm đẹp mọi thứ trong cuộc sống thường ngày…

Bài: HẠ NGUYÊN - Ảnh: VĐN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Có còn vọng tiếng rao đêm

Tiếng rao đêm cứ nhuốm, như một nỗi buồn xa vắng và dường như cũng dịu tôi mỗi khuya khoắt khi nghĩ đến ai không ngủ.

Có còn vọng tiếng rao đêm
Trao đổi về bài “đôi điều với “hồn Huế trong tiếng vọng Folklore”

Trước hết, xin cảm ơn tác giả Minh Khiêm đã đọc và có ý kiến trao đổi với bài báo “Hồn Huế trong tiếng vọng Folklore” của tôi. Với một đề tài rộng, bài báo chỉ 1.200 chữ, tôi viết chỉ mang tính cảm nhận chung thuần túy hơn là một tham luận khoa học, đòi hỏi có những kiến giải cụ thể, dẫn chứng nhiều và kỹ lưỡng. Cám ơn ông cũng đã chia sẻ rằng “dung lượng bài báo tuy ngắn, tác giả đã cố gắng phác thảo bức tranh về giá trị văn hóa Huế”.

Trao đổi về bài “đôi điều với “hồn Huế trong tiếng vọng Folklore”
Return to top