ClockThứ Bảy, 20/01/2018 14:21

Trao đổi về bài “đôi điều với “hồn Huế trong tiếng vọng Folklore”

TTH - Trước hết, xin cảm ơn tác giả Minh Khiêm đã đọc và có ý kiến trao đổi với bài báo “Hồn Huế trong tiếng vọng Folklore” của tôi. Với một đề tài rộng, bài báo chỉ 1.200 chữ, tôi viết chỉ mang tính cảm nhận chung thuần túy hơn là một tham luận khoa học, đòi hỏi có những kiến giải cụ thể, dẫn chứng nhiều và kỹ lưỡng. Cám ơn ông cũng đã chia sẻ rằng “dung lượng bài báo tuy ngắn, tác giả đã cố gắng phác thảo bức tranh về giá trị văn hóa Huế”.

Đôi điều với "hồn Huế trong tiếng vọng Folklore"Hồn Huế trong tiếng vọng Folklore

Về “thuật ngữ” Folklore, tôi đã viết: “Folklore là thuật ngữ chỉ văn học dân gian vùng đất, ở Huế, hồn văn hóa dân gian đầm rất sâu trong cấu trúc đời sống, truyền qua hàng trăm năm, còn vọng đến nay”. Đúng là tôi có lỗi đánh máy nhầm đầy tai hại trong quá trình viết, đánh chữ “văn hóa” thành chữ “văn học”. Vì toàn bài, tôi đã nhắc đến văn hóa dân gian với ca Huế, hò Huế, tiếng Huế, sinh hoạt Huế, tín ngưỡng Huế, hội làng Huế, mỹ thuật Huế…, là những yếu tố làm nên văn hóa Huế. Để hiểu thuật ngữ này toàn diện hơn, xin tham khảo thêm “Từ điển văn học” tập II, mục từ “phôn – clo” (Nxb Khoa học xã hội, 1984, trang 222) và nhiều cuốn sách khác khảo về văn hóa dân gian.

Một số bức tranh làng Sình thể hiện trò chơi dân gian

Về tranh làng Sình, ông Minh Khiêm không đồng ý khi tôi viết: “tranh Sình với muôn màu sinh hoạt làng quê… Không rõ tác giả căn cứ vào đâu mà viết”; và cho rằng tranh Sình “là dòng tranh thể hiện tín ngưỡng dân gian. Tranh làm ra với mục đích duy nhất là phục vụ cho lễ cúng, cúng xong là đốt”. Theo tôi biết, tranh làng Sình có cả dòng tranh tín ngưỡng thờ cúng như ông Minh Khiêm đề cập và dòng tranh phản ánh sinh hoạt làng quê mà ông cho là không có. Xin đơn cử một số bức tranh trong dòng tranh làng Sình “Bịt mắt nữ”, “Thế vật đứng”, “Hội bài chòi”… (ảnh) để thấy rằng tranh Sình cũng phản ánh sinh hoạt làng quê, và đó là căn cứ của tôi.

Về ca Huế, bài báo của tôi viết: “Ca Huế hình thành trên cơ sở âm điệu, tiếng nói của địa phương, tỏ bày tâm trạng trên các con sông lững lờ, trên các cánh đồng tre trúc vây quanh, hoặc ngay dưới những mái nhà cô tịch…”. Ở đây có 2 ý, thứ nhất là “hình thành trên cơ sở âm điệu, tiếng nói của địa phương”. Về ý kiến này, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị từng viết: “Ca mà gọi là ca Huế vì thanh âm người Huế hiệp với điệu ca này, mà phía Bắc xứ Huế như người Quảng Trị với Quảng Bình cũng ca được. Còn từ Linh Giang dĩ Bắc, Hải Vân Quan dĩ Nam, dầu có người ca mà ca giỏi thế nào cũng có hơi trại bẹ. Đó là câu chuyện ai cũng biết rồi”.

Thứ 2, về không gian diễn xướng ca Huế, trong bài báo chúng tôi không đề cập, không bàn đến xuất xứ ca Huế với “không gian diễn xướng nguyên thủy của ca Huế là trong các cung phủ rồi lan ra ngoài xã hội” như ông trao đổi, vì vậy xin không diễn giải thêm. Bởi khi ca Huế đã từ cung phủ lan tỏa ra cuộc sống dân gian, thì dân gian có thể cất tiếng hát bất kỳ đâu, ở làng quê sông nước hay trong mái nhà, đình làng, gốc đa, bến nước... Ở đây xin dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình để rõ hơn: “Giai đoạn phát triển và thịnh đạt, đó là thời kỳ từ khoảng đầu thế kỷ XIX đến trước ngày thất thủ kinh đô (1885). Lúc bấy giờ, ngoài dân gian cũng như chốn cung đình, ca Huế đã phổ biến rộng rãi. Trong cung đình có một số bài ca Huế có lời bằng chữ Hán (ví dụ mười bài ngự trong ca nhạc Huế vừa có lời chữ Hán thông dụng trong cung đình, vừa có lời Nôm thông dụng trong dân gian)” - (Nguồn gốc sự hình thành và các giai đoạn biến chuyển ca Huế, Tạp chí Sông Hương số 121/tháng 3 năm 1999).

Về cái khác của văn học dân gian Huế, trong bài báo tôi có viết: “Văn học dân gian Huế ngoài những ký ức dân tộc trước thời kỳ di dân Nam tiến, còn là những sáng tác truyền khẩu của những lưu dân khai phá. Tuổi đời của văn học dân gian xứ Huế không lớn hơn cội nguồn văn học dân gian Việt Nam; tư duy hồn nhiên của con người ở buổi bình minh lịch sử cũng đã không còn đậm đặc trong nếp nghĩ của lưu dân khai phá, cả ý thức tạo dựng cuộc sống mới văn minh hơn vùng đất cũ… đã khiến cho văn học dân gian Huế, cả nội dung và hình thức, đều có những cái khác so với kho tàng văn học dân gian cả nước”. Vấn đề này nhiều nhà nghiên cứu trước đây cũng đã nhắc đến, tiếc là ông không để ý.

Do bài báo ngắn, tôi không thể dẫn chứng và diễn giải nhiều thêm, chỉ dẫn những ca dao, truyện cổ liên quan đến các địa danh, sản vật của Thừa Thiên Huế. Mà các địa danh, sản vật nổi tiếng được dẫn chứng như núi Túy Vân, cầu Trường Tiền, cau Mỹ Lợi, quýt Hương Cần, gạo hẻo rằn Tiên Nộn… chính là của riêng Huế; khó có một núi Túy Vân thứ hai, càng không thể có chiếc cầu Trường Tiền thứ hai. Và dĩ nhiên, càng không có câu ca dao “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp” ra đời ở nơi nào khác.

Một lần nữa cám ơn ông và chúc ông sức khỏe!

Bài, ảnh: HẠ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Return to top