ClockChủ Nhật, 16/08/2020 08:13

Kinh thành Huế xưa qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau

TTH - Với cuốn sách “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” của Michel Đức Chaigneau, người đọc có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho đến làng quê.

Tín hiệu vui cho sách

Dịch giả Lê Đức Quang giới thiệu về cuốn sách

Cuốn sách do dịch giả Lê Đức Quang dịch và chú giải, vừa được Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế giới thiệu, giúp độc giả tiếp cận thêm một tài liệu đáng tin cậy đã vẽ nên bức tranh về Huế xưa.

Được xuất bản năm 1867, không gian của “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” là kinh thành Huế, chủ yếu là bên trong và bên ngoài hai vòng thành mà nay người Huế đã quen gọi là Thành nội. Bên ngoài là tất cả những khu vực hay thị trấn lân cận...

Cuốn sách đưa người đọc đi từng nơi của kinh thành và vùng lân cận, từ những nơi quan trọng nhất không phải ai cũng được đặt chân vào, như: hoàng cung, cung cấm đến những nơi thường nhật hơn, nơi người dân sinh sống, làm ăn buôn bán, như: chợ Được, chợ Dinh, phố Bao Vinh... Từng nơi, từng lúc, Michel Đức Chaigneau luôn kèm theo những lời bình hay nhận xét.

Tác giả còn mô tả tỉ mỉ những hoạt động đặc thù nơi kinh thành, như Tết Nguyên đán với nhiều hoạt cảnh khác nhau làm nên hương vị đặc thù từ năm cũ bước sang năm mới ở chốn kinh thành. Đó là cảnh quan lại, binh lính thu dọn, sắp xếp lại nơi làm việc; lăng tẩm được chăm sóc; cấp dưới hay gia nhân biếu quà cho quan trên, gia chủ; việc cúng gia tiên và tiệc tùng trong gia tộc; đốt pháo hay các trò chơi ngày tết...

“Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” mang đến cho độc giả cái nhìn về diện mạo của kinh thành Huế xưa

Tác giả lưu giữ từng hành vi, nghi thức trong tập quán dân gian, từng món ăn, hương vị, từ lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Tịch điền, nghi thức cưới hỏi, thờ cúng tổ tiên ngày tết đến cảnh chèo thuyền trên sông Hương, ngôi nhà vườn xứ Huế, cho đến thực đơn tiệc mừng trong hôn nhân, một bữa ăn nhẹ trong gia đình Huế…

Có những chi tiết được tác giả ghi chép lại cẩn thận, chẳng hạn như miêu tả kinh thành Huế ngày đầu năm: “Buổi sáng đầu năm, quan lại mặc đại lễ phục, sẽ tập trung ở Hoàng thành: họ sắp xếp đội ngũ và sau đó vào sân chầu nơi vua thiết triều… Trong suốt ngày đầu năm, ở hoàng cung, nhà các quan hay dân thường, để bày tỏ niềm vui năm mới, người ta đốt pháo nhiều vô kể. Mọi người đều đổ ra đường, người thì đi dạo, người thì đi xem kịch hay xem tung hứng nhào lộn…”.

Không gian của hồi ức rất hạn hẹp, tác giả dường như quanh quẩn vùng kinh thành và lân cận. Do đó, những nhận xét của tác giả về xã hội và con người An Nam cũng chỉ hạn hẹp ở vùng kinh thành nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19, đặc biệt dưới thời vua Gia Long. Nhưng cái nhìn tập trung cao độ vào vùng đất Thần Kinh lại cung cấp cho người đọc một bản đồ văn hóa xã hội độc đáo, với những chi tiết chính xác đến kinh ngạc.

Michel Đức Chaigneau (1803-1894) là con của một vị quan người Pháp và một phụ nữ Huế, chào đời và lớn lên tại kinh thành Huế trong hơn 20 năm đầu của thế kỷ 19, suốt thời gian trị vì của vua Gia Long và 5 năm đầu của thời gian trị vì thời vua Minh Mạng. Tác giả là một nhân chứng ở vào một vị trí có một không hai: ở bên trong và quan sát từ bên ngoài một vùng không gian văn hóa. Đây là một trong những nét giá trị của “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX”.

Dịch giả Lê Đức Quang cho rằng, tác giả của hồi ức đã ở vào một vị thế kỳ lạ và điều may mắn cho chúng ta là con người này đã chịu khó cầm bút để kể lại, từ những ngày tháng “bình thường” của mình, những ngày rong ruổi đây đó ở kinh thành và vùng lân cận, đến những thời khắc “khác thường” trong đời mình: diện kiến vua Gia Long, Hoàng hậu và vua Minh Mạng.

“Hồi ức là một bức tranh sinh động về kinh thành Huế thời vua Gia Long, mỗi trang như là một “ảnh chụp cắt lớp” về xã hội và con người Việt Nam đương thời. Tác giả đưa người đọc đi qua nhiều miền không gian khác nhau, từ Ngọ Môn đến Tam - Pháp rồi đến chuyện xử án, từ cảnh chợ chung đến cảnh người buôn kẻ bán đứng ngồi chen chúc, từ cảnh người người đi mua sắm rồi đến món ăn thức uống bản xứ đặc thù”, dịch giả Lê Đức Quang nhấn mạnh.

Người đọc sẽ nhiều lần chứng kiến cái “sốc văn hóa” ngay bên trong một con người mang hai dòng máu Pháp và Việt, lại lớn lên trong một môi trường văn hóa hết sức đặt biệt: triều đình, quan quân nhà Nguyễn với tất cả sinh hoạt, nghi thức và ngôn ngữ đặc thù.

Theo chia sẻ của TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, với mong muốn góp thêm một cứ liệu, một góc nhìn, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã chọn lựa để định hình nên một hướng tiếp cận Huế trong vai trò là thủ phủ xứ Đàng Trong, rồi kinh đô Đại Nam thời Nguyễn – từ người Pháp, từ những tài liệu tiếng Pháp, hay mở rộng ra là các nguồn tài liệu phương Tây… “Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” của Michel Đức Chaigneau là sự hồi tưởng khá đầy đủ, thú vị một thời về kinh thành Huế nói riêng và gắn chặt câu chuyện về duyên Pháp – Việt nói chung, khởi đầu quan trọng từ thế kỷ 18-19.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ

Trải qua nhiều năm tháng, những người đã sống và dấn thân trong phong trào học sinh - sinh viên (HSSV), phong trào đấu tranh đô thị ở Huế thập niên 60, 70 như nhà thơ Võ Quê vẫn nhớ như in những hồi ức hào hùng. Đó là những năm tháng xuống đường “đấu tranh không ngủ”.

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ
Hồi ức về những ngày làm tờ “Bóng đá Huế hồi sinh”

Sau khi vượt qua Lâm Đồng, trở về “thánh địa” của mình, đội bóng đá Thừa Thiên Huế thi đấu trận cuối cùng với đội Long An, nếu thắng họ sẽ chính thức “Tạm biệt sông Hàn”- nơi tổ chức tranh xuất trụ hạng để thẳng “Tiến về Sài Gòn” tranh chức vô địch mùa giải bóng đá quốc gia năm 1995.

Hồi ức về những ngày làm tờ “Bóng đá Huế hồi sinh”
Hồi ức quê hương sau ngày giải phóng

Nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ của mỗi cán bộ, đảng viên là tiếp quản, xây dựng cơ sở, sớm hàn gắn vết thương chiến tranh, với một mục tiêu cao nhất là: “Ổn định tình hình, vì một cuộc sống mới”.

Hồi ức quê hương sau ngày giải phóng
Hồi ức “bước chân giao liên”

Chúng tôi có dịp gặp bà Nguyễn Thị Phụng, cựu thanh niên xung phong - nhân vật trong bức ảnh "Bước chân giao liên" (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam). Bức ảnh như một minh chứng về giai thoại những nữ giao liên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của phóng viên ảnh chiến trường Trọng Thanh. Bà Nguyễn Thị Phụng hiện ở trong ngôi nhà nhỏ tại khu tập thể Xã Tắc, phường Thuận Hòa, TP. Huế.

Hồi ức “bước chân giao liên”
Return to top