ClockThứ Tư, 16/12/2020 08:06

Hồi ức “bước chân giao liên”

TTH - Chúng tôi có dịp gặp bà Nguyễn Thị Phụng, cựu thanh niên xung phong - nhân vật trong bức ảnh "Bước chân giao liên" (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam). Bức ảnh như một minh chứng về giai thoại những nữ giao liên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của phóng viên ảnh chiến trường Trọng Thanh. Bà Nguyễn Thị Phụng hiện ở trong ngôi nhà nhỏ tại khu tập thể Xã Tắc, phường Thuận Hòa, TP. Huế.

Bước chân giao liên, 1969, tác giả: Trọng Thanh

Chân dung “Bước chân giao liên"

Theo bà Nguyễn Thị Phụng, tấm ảnh được chụp tại sông A Sáp, huyện A Lưới do phóng viên ảnh chiến trường Trọng Thanh ghi lại trong một chuyến công tác từ vùng cao về đồng bằng năm 1969. Khi đó, bà có trách nhiệm dẫn đường cho đoàn phóng viên chiến trường công tác từ vùng cao về đồng bằng. Đôi chân thoăn thoắt giữa núi rừng A Lưới đã thu hút được sự chú ý của nhiếp ảnh gia. Bức ảnh sau đó được triển lãm tại nhiều nước và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bảo tàng Quân khu IV. Tác giả Trọng Thanh đã in bức ảnh trong tập sách những tấm ảnh về Trường Sơn và trân trọng tặng cô.

Nhân vật "Bước chân giao liên" tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phụng, sinh năm 1949, quê quán Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Bà gia nhập Thanh niên xung phong Ban Kinh tế Khu ủy Trị Thiên Huế vào năm 1967, khi vừa tròn 17 tuổi, nhằm hưởng ứng phong trào tình nguyện phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968. Năm 1969, bà là 1 trong 10 người được Quân khu IV tuyển chọn vào đội Giao bưu của quân khu, phụ trách việc dẫn đường, thông tin liên lạc. Suốt từ năm 1969 đến năm 1975, bà làm Trạm phó Trạm Giao bưu Khu ủy Trị Thiên Huế. Năm 1970, bà vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.Từ năm 1975 đến 1990 bà là y tá và đến năm 1990 bà xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân.

Với giọng kể chuyện vui vẻ, thân thiện, cuộc trò chuyện cùng bà kéo dài với những hồi ức về "Bước chân giao liên" cũng như chặng đường thanh xuân tham gia cách mạng với những kỷ niệm tươi đẹp nhưng cũng đầy gian truân.  Bà kể, về bức ảnh của bản thân mình đã được triển lãm tại 4 nước, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Việt Nam và rất tự hào vì trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, bức ảnh trở thành dấu ấn ghi lại kỷ niệm, là chứng nhân cho tuổi trẻ nhiệt huyết của bà.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người nữ thanh niên xung phong ngày nào vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi kể về những kỷ niệm thời hào hùng. Bà tự hào kể về tuổi 16, 17 của mình đã dành cho đất nước bằng một tình cảm trong sáng, kế thừa tinh thần yêu nước của gia đình, đáp lại tiếng gọi của đất nước. Ngoài kỷ niệm với "Bước chân giao liên", những khoảnh khắc vui vẻ, hồn nhiên cùng các đồng đội luôn là động lực giúp bà vượt qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt.

Nhiều lần bị địch truy quét, bố ráp, bà không chùn lòng mà còn nhắc nhở, động viên đồng đội vững lòng, thận trọng hơn trong lúc làm nhiệm vụ thông tin, liên lạc và hỗ trợ các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả tại chiến trường Bình Trị Thiên.

Năm 1972, đơn vị cho bà đi học y tá tại Viện Quân y 94. Trên đường hành quân tại A Lưới, bà lên cơn sốt rét, bị mất dấu ký hiệu, không theo kịp đồng đội và đi lạc vào bản của đồng bào dân tộc. Sức khỏe suy kiệt, không biết tiếng đồng bào, nhưng bà rất may mắn khi được đồng bào nơi đây yêu thương, chăm sóc tận tình, chia sẻ từng củ khoai, quả chuối, khúc mía để sống qua ngày. Bà gắn bó cùng bà con đồng bào một tháng trời và nhờ người dân mà bà đã tìm lại được đồng đội và đơn vị của mình trong niềm vui sướng, xúc động.

Bà Nguyễn Thị Phụng

Tự hào truyền thống quê hương

Sau khi đất nước giải phóng,  bà Nguyễn Thị Phụng làm y tá tại các bệnh viện ở Thừa Thiên Huế và năm 1990 nghỉ hưu sớm theo chế độ mất sức ở tuổi 40. Sau đó, bà bươn chải, tần tảo buôn bán với nhiều nghề khác nhau để nuôi các con ăn học.

Là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của địa phương, trong nhiều năm liền, bà luôn được các cơ quan Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận những thành tích xuất sắc và tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương trong đó có Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Bà vẫn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" bằng việc vận động địa phương, đồng đội, bạn bè để có những suất quà, học bổng tặng học sinh A Lưới...

Nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ gan dạ tham gia cách mạng, bà luôn mang trong mình một niềm vui, niềm hạnh phúc và sự tự hào về truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình. Ngày đó, bà mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cũng như sự hăng hái năng động của tuổi trẻ, dù không ít lần gặp nguy hiểm khi đối diện với kẻ thù...

Phạm Minh Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ

Trải qua nhiều năm tháng, những người đã sống và dấn thân trong phong trào học sinh - sinh viên (HSSV), phong trào đấu tranh đô thị ở Huế thập niên 60, 70 như nhà thơ Võ Quê vẫn nhớ như in những hồi ức hào hùng. Đó là những năm tháng xuống đường “đấu tranh không ngủ”.

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ
Vững vàng bước chân chiến sĩ

Có những dòng mồ hôi ướt áo trong quá trình rèn luyện, huấn luyện, để chiến sĩ mới (CSM) bộ đội biên phòng (BĐBP) tiếp nối bước chân thế hệ cha anh, vững vàng trên những nẻo đường biên cương.

Vững vàng bước chân chiến sĩ
Những “bước chân” xung kích

Với những hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Tháng Thanh niên, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Huyện đoàn Phú Vang thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Những “bước chân” xung kích
Return to top