ClockThứ Tư, 12/04/2023 14:58

Làng trong làng

leftcenterrightdel
Cổng làng La Chữ. Ảnh: MC 

Thuở xưa, một số làng lớn trong vùng, như Hương Cần bên cạnh, dưới làng chia ra các phe (phe Kiền, phe Thượng, phe Đông, phe Tây, phe Trung), hay Văn Xá phía ngoài một chút, là giáp (giáp Nhất, giáp Nhì, giáp Ba, giáp Tư, giáp Trung, giáp Thượng). Làng tôi chia thành bốn phường, tính theo trục Bắc - Nam, lần lượt phường Thượng, phường Trung, phường Đông, phường Nam. Có cụ thâm Nho ví von địa thế làng tôi, nhìn từ trên cao xuống giống chữ Đinh.

Chẳng hiểu ông cha chúng tôi đặt phường theo nghĩa nào, song tôi tin rằng không phải là 4 nét nghĩa trong từ điển (Phan Văn Các - Từ điển từ Hán - Việt, NXB Giáo dục 1994, tr.281); càng không phải là phường trại như phường Hà Thanh, Mai Lộc, Đường Dã, Tân Sa, Hoa Dương, Hà Hồng, Hoa Diên, Khánh Mỹ, Diêm Tụ thuộc tổng Kế Thực, huyện Hương Trà mà Lê Quý Đôn đã viết trong “Phủ biên tạp lục” năm 1776, thời cuối các chúa Nguyễn (bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh - NXB Khoa học, 1964, tr.75). Nay hầu hết những phường này là các làng thuộc xã Vinh Xuân (Phú Vang ) có lẽ thuần túy chỉ khu dân cư vậy thôi. Giữa phường này với phường kia ở làng tôi có khoảng đất trống, nơi người dân canh tác, trồng trọt, chủ yếu là hoa màu, ngoại trừ giữa phường Đông và phường Nam là dãy hồ tự nhiên và con đường đá - xóm có con đường chạy ngang được gọi luôn là xóm Đá.

Mỗi phường đều có đình phường, nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong phường; nơi tổ chức Xuân tế, Thu tế cùng thời gian với làng. Đôi khi “nhân sự chủ chốt” bận việc làng, tế ở phường là kiêm nhiệm nên phải “chạy sô”, dẫn tới nhiều chuyện dở khóc dở cười, đến nỗi dân làng từng đặt vè đùa vui:

Nực cười phường tế đều làng

Gia lễ không có chạy quàng, chạy quơ…

Nói phường như ngôi làng nhỏ cũng chẳng ngoa chút nào!

Thật tiếc đình làng, đình phường bị chiến tranh, giai đoạn từ 1946-1950 tàn phá. Năm 1957, đình làng được làm mới bằng bê tông cốt thép, “chình ình như cột đình La Chử” giờ mãi là dư âm vang vọng. Vị trí đình phường chỉ còn trong ký ức bậc cao niên. Riêng đình phường Thượng nằm sát nhà thờ họ Nguyễn Tấn còn nguyên vẹn bức bình phong Long - Mã.

Cùng dải đất nhưng từ giọng nói, nếp sống các phường có đôi chút khác biệt. Dân làng đúc kết: “phường Trung ăn cơm, ăn cá, phường Thượng ăn lá ăn lay; phường Nam ăn cam ăn quýt, phường Đông ăn mít ăn thơm”. Cũng dễ hiểu bởi dân phường Trung đỗ đạt, làm quan, công chức…, ruộng đất nhiều, cuộc sống khá giả. Dân phường Thượng có một bộ phận gắn với rừng rú - từ đẽo cày, cối, đốn củi đốt than nên ăn lá, ăn lay là vậy. Tiêu biểu là Tả quân Nguyễn Tiến Lâm (thời Minh Mạng) trước khi xuất lính từng mưu sinh bằng nghề đốt than, bởi thế miếu Bà Chúa Thượng Ngàn tọa lạc ở phường Thượng. Giọng nói của người phường Thượng to, nặng, chân chất. Đặc sản của phường Nam là cam, quýt, của phường Đông là mít, thơm; gần chợ nên dân hai phường thạo nghề buôn bán, giọng nói nhẹ, thanh hơn.

Lần điều chỉnh địa giới năm 1981, xã Hương Chữ bị cắt 5 thôn - Thanh Chử, Cổ Bưu, An Lưu, Bồn Trì, Bồn Phổ - để cộng thêm hai thôn của xã Hương Hồ - An Vân thượng, An Hòa thượng - thành lập xã Hương An thuộc thành phố Huế. Năm 2000, tỉnh quyết định phê chuẩn 4 phường của làng tôi thành 4 thôn - La Chử thượng, La Chử trung, La Chử đông, La Chử nam, sau khi huyện được công nhận là thị xã, 4 thôn là 4 tổ dân phố.

Do nhu cầu, “biên giới trên bộ” giữa các phường dần nhường chỗ cho nhà cửa vườn tược của người dân, còn mỗi dãy hồ án ngữ trước chùa làng, phân định phường Đông - Nam. Dù phường có được gọi là thôn hoặc tổ dân phố một cách chính danh, trong tôi, và có lẽ trong lớp lớp con em, phường cũng chỉ là phường hay sang trọng hơn là ngôi làng nhỏ nằm trong làng văn vật La Chử. Điều đó luôn sống mãi trong tâm tưởng, tiềm thức của tôi!

HÀ XUÂN HÙNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế

Bên cạnh phổ biến những quy chế mới liên quan hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các chủ thuyền trên sông Hương có phục vụ ca Huế lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế
Chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới:
Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn

Đó là thông tin được Ban Tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới chia sẻ vào chiều 9/5.

Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn
Bản đúc trên cửu đỉnh được ghi danh di sản tư liệu thế giới

Lúc 13h 9 phút, ngày 8/5 (giờ địa phương), tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được thông qua và chính thức trở thành di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

Bản đúc trên cửu đỉnh được ghi danh di sản tư liệu thế giới
Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới

Từ ngày 6 - 10/5, tại Mông Cổ diễn ra Hội nghị toàn thể Ủy ban Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP 2024) của UNESCO. Đợt này, toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 20 hồ sơ đệ trình, Việt Nam có 1 hồ sơ là Cửu đỉnh của Huế đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới
Return to top