ClockChủ Nhật, 26/06/2022 20:41

Lễ hội sông Hương

Có nhiều mới lạ trong Festival Huế 2022 trở lại sau dịch bệnh COVID-19 không chỉ ở định hướng 4 mùa, những chương trình nghệ thuật hướng về giới trẻ hứa hẹn nhiều nét tươi mới, sôi động mà còn ở không gian lễ hội. Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 khởi đầu bằng chương trình nghệ thuật khai màn nơi quảng trường Ngọ Môn và sẽ không tập trung trong khuôn viên Đại Nội như lệ thường mà thay vào đó, du khách có thể thỏa sức thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hoành tráng ngay tại sân khấu mở, nằm dọc đôi bờ sông Hương.

Nhớ đến Festival Huế đầu tiên tròn đúng 22 năm. Huế vừa gánh chịu cơn đại hồng thủy, Hương Giang ngầu đục và đôi bờ tang tóc. Thế nhưng, dòng Hương vẫn kịp thời tỉnh giấc để hội cùng Cố đô. Còn in đậm trong tôi là lễ hội giã bạn khi hàng ngàn hoa đăng được thả trên dòng Hương, cả khúc sông dài tràn ngập ánh nến lung linh và huyền ảo. Đêm Huế bỗng mở lòng ra rộng sâu hơn và cũng lắng đọng hơn. Hơn 20 năm qua, Hương Giang và Festival Huế như có nét duyên thầm, ngày càng tìm đến với nhau, từ đua thuyền, hoa đăng… mang tính truyền thống cho đến những sáng tạo mới, như lễ hội áo dài, Huyền thoại sông Hương... Để rồi, đến tuần cao điểm của lễ hội Mùa hạ Festival Huế 2022, sông Hương và đôi bờ là nơi dồn tụ. 

Thay cho những dự án lớn lao, người ta bắt đầu chăm chút hơn để vừa giữ lại nét đẹp tự nhiên của dòng sông thơ mộng, vừa trang điểm thêm bằng những đổi thay nhẹ nhàng và tạo ra nhiều điểm nhấn mới để Hương Giang thêm sang trọng và lộng lẫy, xứng đáng là không gian chính của Festival Huế như hôm nay. Hằng ngày vẫn qua lại cầu Trường Tiền hay Phú Xuân, tôi đã dịp quan sát chiếc cầu gỗ lim kỳ lạ, điểm đến của bao người  và cảm nhận rằng, đó là sự bổ sung không chỉ hài hòa mà còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp của Hương Giang.

Không quá tốn kém để tạo nên ở đôi bờ những con đường nhỏ quanh co dưới những tán cây xanh rợp mát, nhưng cũng chừng ấy thôi, cũng đủ để sáng - chiều, bao người tìm đến, vừa để luyện tập và thư giãn, vừa để giao lưu tìm bạn và cũng là để thưởng ngoạn Hương Giang huyền thoại. Nhịp điệu yên bình và nhẹ nhàng kia sẽ được nâng lên với sự rộn ràng, tấp nập khi lễ hội tới. Còn nữa, những hàng rào ngăn cách cũng từ tốn được tháo gỡ, không còn khoảng cách giữa dòng sông với những con đường. Với những chương trình nghệ thuật của Festival Huế, đó là cách để xóa đi cách ngăn giữa nghệ sĩ và khán giả, công chúng với tư cách là chủ nhân được hòa mình vào lễ hội.

Cồn nổi Dã Viên trên sông Hương dường như bị “bỏ quên” được đầu tư chỉnh trang theo hướng là công viên văn hóa đa năng để phục vụ cộng đồng với hệ thống cây xanh, đường nội bộ đi dạo, đạp xe cùng các điểm dừng chân ngắm cảnh lý thú… là một tin vui. Và, thật ấn tượng khi lần đầu tiên được đưa vào sử dụng làm sân khấu tổ chức sự kiện của tuần lễ Festival Huế. Tôi nghĩ, câu chuyện về cồn Dã Viên là cách ứng xử đầy tính toán nhưng giàu chất văn hóa của người Huế, khơi dậy và làm sống lại những giá trị đã trở thành huyền thoại của Hương Giang huyền thoại.  

Với công viên Dã Viên, đôi bờ sông Hương có thêm một công viên tiếp nối và tôi nghĩ, tất cả gộp lại xứng đáng với tên gọi công viên Sông Hương. Còn sự dịch chuyển các sân khấu về phía dòng sông huyền thoại, Festival Huế thực sự trở thành lễ hội Sông Hương đầy sắc màu văn hóa.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển mùa

Đã qua tiết thu phân. Ngọn gió ngoài sông phả về hơi lạnh nghe ra mùi hương đất đai kỳ hoai ủ. Con nhóc giờ này năm xưa rén nhẹ bước chân vo bơ gạo độn khoai, rang thêm mẻ hạt dầu với ruốc. Một phần cho mẹ ra đồng, phần nữa con theo đám các bà dì đi qua chợ huyện rồi đến trường học. Những ngọn đồi mù mịt trong mưa. Đứa trẻ mắt nhắm mắt mở thấy mình mãi vòng quanh không qua hết bìa rừng... Nó ứa nước mắt thèm ngủ vùi trong mùi lá còn vương.

Chuyển mùa
Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan sẽ khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Điều này làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện một quy trình nghi lễ bỏ mả truyền thống cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

TIN MỚI

Return to top