Một góc không gian “Thiên Di” của họa sĩ, nhà văn Lê Minh Phong. Ảnh: C.T
Sau bốn năm kể từ triển lãm cá nhân gần nhất, lần này Lê Minh Phong giới thiệu đến công chúng một góc nhìn, ý niệm riêng mà anh đã gieo hạt lặng lẽ theo cách của riêng mình khiến người chờ đón nhận luôn tò mò, háo hức. Và với lần triển lãm cá nhân lần thứ ba, anh quyết định đưa những tác phẩm của mình từ Huế vào TP. Hồ Chí Minh để “đãi tiệc” người thưởng tranh với một “bữa tiệc” hội họa mang tên: “Thiên Di”.
Với “Thiên Di” lần này, người ta chắc hẳn sẽ nhớ đến Lê Minh Phong nhiều hơn với vai trò người cầm cọ thực thụ thay vì nhà văn đến với hội họa một cách ngẫu hứng như gần 10 năm về trước. Cũng giống như văn Phong viết, tranh Phong vẽ giờ luôn chất chứa những bí ẩn về thân phận con người, những gì anh đã trải qua và chiêm nghiệm trong đời sống thực tại với vô vàn thăng trầm.
Tất cả đã được Lê Minh Phong gọi tên trong 53 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu. Đó là quá trình được anh lặng lẽ, miệt mài sáng tác trong thời gian dài trước khi chính thức giới thiệu đến công chúng vào những ngày lập đông năm 2022 ở không gian Hakio Let’s Art (TP. Hồ Chí Minh). Cuộc “Thiên Di” này có lẽ cũng là cuộc thiên di của chính Lê Minh Phong mà từ lâu anh không nói ra, ít chia sẻ về những lối đi riêng, không lẫn lộn với ai trong hành trình thực hành, chinh phục nghệ thuật.
Xem loạt tranh “Thiên Di”, có thể thấy được một thế giới nội tâm khó gọi tên nhưng có sự đồng cảm vô tận. Lê Minh Phong giãi bày rằng, trong nghệ thuật, đã có lúc anh làm những cuộc chuyển dời khác nhau. Có những cuộc chuyển dời thuần về mặt địa lý, có những cuộc chuyển dời đến từ sự lay động trong tâm thức, và có những cuộc chuyển dời đến từ sự tác động của tha nhân. Với anh, tất cả đều là những cuộc chuyển dời, biến thiên không thể cự tuyệt.
Nghệ thuật là nơi phản chiếu nội tâm của Lê Minh Phong ra với thế giới khách quan, đồng thời cũng là nơi anh truy tìm về lịch sử và dự phóng về những khả thể hư cấu luôn réo gọi mình. Truy tìm về lịch sử, anh thấy những khuôn mặt, những số phận tưởng đã ngủ yên trong lớp bụi thời gian, trong rêu phong ẩn mật lại sống dậy gọi anh lên đường.
Họa sĩ Lê Minh Phong bên những tác phẩm “Thiên Di” của mình
“Tôi đi như để tìm về miền đất hứa, mong số phận được đổi thay. Và trên những cuộc chuyển dời đó, chúng tôi thấy nước mắt, thấy lầm than, thấy cả những tủi hờn, hạnh phúc”, Lê Minh Phong tâm sự với cảm xúc dạt dào trong hành trình “Thiên Di”.
Và trong hành trình đó, những câu chuyện, giấc mơ của anh có được đã được anh chuyển tải lên từng tác phẩm của mình. Xem “Thiên Di”, người ta có thể nghe được tiếng hát của kẻ tha phương, tiếng lòng của người đi vỡ đất, nước mắt và ý chí của những cánh buồm trên đại dương rộng lớn, là giấc mộng đổi thay ngàn đời của kẻ mang tâm thức mở cõi, là cuộc lữ của những người đi để có ngày được tìm về cố quận.
Những không dừng lại đó, những tác phẩm của cựu biên tập viên Tạp chí Sông Hương như đang kể câu chuyện về chính cuộc đời mình hay cái nhìn và phản ánh số phận con người bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Con người trong thế giới nghệ thuật của Lê Minh Phong không tĩnh tại, thay vào đó luôn có sự dời đi trong sự vẫy gọi. Trong suốt cuộc lữ của mình, họ là những kẻ bi nhưng không lụy. Sự kiêu mạn, bất khuất trong ánh mắt của họ đã cho họ sức mạnh để tồn tại trước những tai ương. “Thiên Di” cũng đồng thời là cách chuyển dời, hỗn dung giữa các ngôn ngữ tạo hình như siêu thực, biểu hiện, tượng trưng, dã thú… Đó còn là sự chuyển dời từ nghệ thuật tiền hiện đại đến hậu hiện đại.
“Còn riêng tôi, “Thiên Di” cũng là cuộc chuyển dời từ tâm thức hiện thực trần trụi đến tâm thức lãng mạn – Lê Minh Phong trải lòng và lý giải - Tâm thức hiện thực là những tủi hờn, khổ đau và tâm thức lãng mạn chính là đôi cánh để vượt lên những tủi hờn, khổ đau ấy. Tâm thức lãng mạn là thi tính, là suối nguồn để tôi tiếp tục làm những cuộc chuyển dời không ngơi nghỉ”.
Triển lãm “Thiên Di” diễn ra từ ngày 2 đến 18/12 tại không gian Hakio Let’s Art (38 Trần Cao Vân, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Với triển lãm này, Lê Minh Phong đánh dấu triển lãm cá nhân lần thứ 3 và là triển lãm cá nhân đầu tiên tổ chức ngoài Huế. Trước đó, hai cuộc triển lãm cá nhân “Bên trong” (2015) và “Tiếp nối” (2018) của anh được tổ chức ở Viện Pháp tại Huế.
Một trong những tác phẩm trong loạt tranh “Thiên Di”
Trước khi đến với hội họa, họa sĩ gốc Hà Tĩnh, sinh năm 1985, tốt nghiệp sư phạm ngữ văn (Trường Đại học sư phạm, Đại học Huế) khẳng định mình với tài năng văn chương với rất nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Có thể kể đến như Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (tập truyện ngắn, NXB Văn học & Phương Nam book, 2011), Trong tiếng reo của lửa (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2015), Điều tìm thấy (tập truyện ngắn, NXB Đà Nẵng và Domino Books, 2019), Đường đi (tiểu thuyết, NXB Đà Nẵng và Domino Books, 2019)…
Anh từng làm biên tập viên tại Tạp chí Sông Hương và xin nghỉ gần đây để chuyên tâm cho đam mê sáng tác. Anh từng tâm sự, con đường đến với hội họa của anh rất ngẫu hứng, hồn nhiên. Nhưng với người yêu thích tranh anh có thể thấy được mỗi tác phẩm anh luôn chất chứa nỗi niềm sâu sắc, kèm theo đó là nét bút phóng khoáng, tự do.
|
NHẬT MINH