ClockThứ Năm, 26/01/2017 14:41

Một chiều Huế...

TTH - Có lẽ bởi các nghệ sĩ khai thác rất thành công chất liệu của dân ca vùng đất này mà âm sắc của thổ ngữ miền Trung cứ lắng đọng trong tâm tưởng tôi như một nỗi nhớ thương khắc khoải.

Rú Chá. Ảnh: Hải Phúc

Tôi sinh ra ở Hà Nội, quãng giữa con phố có điểm khởi đầu từ Hồ Gươm, từng mang tên hai vị vua, một nữ anh hùng dân tộc: Phố Bà Triệu.Cho đến trước ngày tiếp quản Thủ đô (năm 1954), tức là lúc tôi cất tiếng chào đời, con phố này có cái  tên khá hoành tráng - Đại lộ Gia Long- tên vị vua đầu tiên triều Nguyễn, người đã chọn Huế để thiết lập Kinh đô cho triều đại của mình. Trước nữa, nó vốn là hai con phố. Đoạn từ Hàng Khay đến Nguyễn Du mang tên Gia Long. Đoạn Nguyễn Du đến Đại Cồ Việt mang tên Lê Lợi. Sau 10/10/1954, hai phố nhập lại làm một, thành phố dài Bà Triệu ngày nay.Hơi vơ vào một chút, không biết có phải vì được sinh ra trên con phố gắn với tên tuổi những danh nhân của dải đất miền Trung hay không mà trong suốt hơn nửa cuộc đời, từ mười tám, đôi mươi, qua tuổi tráng niên nay đã đến lúc xế chiều, vùng đất dằng dặc nhớ thươngấy vẫn cứ là một chốn đi về của tôi, ngoài quê cha đất tổ.

Năm 1972, 18 tuổi, cái tuổi bước vào đời, tôi cùng bạn bè đồng trang lứa rời Hà Nội vào đất lửa Quảng Trị. Giữa chập trùng bom đạn, tưởng như chỉ có đau thương, chết chóc, cậu học sinh vừa rời ghế nhà trường là tôi vẫn có cơ hội để ngẩn ngơ bởi một giọng con gái gọi “eng” thoảng bên tai nhẹ như hơi thở… Chỉ ở Quảng Trị chưa đầy một năm trước khi được chuyển ra Bắc do dính một trận bom B52, không ngờ rằng mảnh đất ấy, những con người ấy đã chiếm một khoảng không hề nhỏ trong đời sống tinh thần của tôi. Rồi duyên trời run rủi, có một quãng thời gianthật đẹp tôi được lại qua với một gia đình người Huế giữa lòng Hà Nội… Sau này, nghề nghiệp và công việc cho phép tôi đi lại gắn bó nhiều hơn, rộng hơn với cả  vùng đất thuộc Bình-Trị-Thiên khói lửa, tới những địa danh mà ngay từ những ngày còn ngồi  trên ghế nhà trường tôi đã được nghe bởi ca từ bài Bình Trị Thiên khói lửa, ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương qua giọng ca mượt mà của nghệ sĩ Quốc Hương: “Hướng về Nam. Ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi Nong/Hướng về Nam. Ai đã qua Đông Hà, đã đi Ngô Xá, đã  qua Bích La, Thúy Ba, Triệu Phong/Hướng về Nam. Ai đã qua đèo Ngang đã sang Ba Rền, mến dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thày…

Có lẽ bởi các nghệ sĩ khai thác rất thành công chất liệu của dân ca vùng đất này mà âm sắc của thổ ngữ miền Trung cứ lắng đọng trong tâm tưởng tôi như một nỗi nhớ thương khắc khoải.

Phải thú thật, dù qua lại, gắn bó nhiều năm với vùng đất này, mãi đến gần đây, tôi vẫn chưa thực sự phân biệt được âm sắc trong ngôn ngữ của Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… kiểu như người Nam bộ, cứ thấy ai nói giọng Bắc là nói tiếng Hà Nội. Chỉ mang máng là càng đi vào Huế, âm sắc càng nhẹ dần, càng dễ nghe…

Năm rồi, ở tuổi sáu mươi ngoại, tôi có một chuyến đi lại những vùng đất mà tôi hằng thương mến. Nhiều năm, do thời gian câu thúc thêm  sự ngần ngại đường xa, sinh lười lẫm, chỉ ỷ vào những chuyến bay, nay mới có dịp đi một lần dọc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… với những Vinh, Kỳ Anh, Đồng Hới, Vĩnh Linh, Đông Hà rồi Huế… Cũng là dịp trải nghiệm, thẩm định xem cái sự mang máng của mình có chính xác hay không. Gần mươi ngày, đi, gặp, nghe..riết rồi cái giọng nhè nhẹ, thiên về thanh không nó ngấm từ lúc nào, thấy quen thuộc, thân thương lạ.

Cũng trong chuyến đi có thể xem là trối già này, một trải nghiệm dù ngoài ý muốn, đã cho tôi cảm nhậnthật rõ cái mức độ quen thuộc, thân thương ấy. Một  chiều Cố đô, nghe bụng ngon ngót vì lúc trưa mải uống cùng bạn bè, tìm đến quán Mai Đào kiếm tô phở lót dạ, đặng lấy sức chiều “gặp” các đồng nghiệp xứ Huế. Quán phở đang lúc vắng khách, cùng với câu “dạ” dễ nghe đã quen tai của cô hàng, trong vô thức tôi vẫn lắng nghe từ phía trong cháu bé rủ rỉ cùng bà ngoại câu chuyện ở trường… Một  cảm giác yên bình, thư thái.

Thế rồi quán có thêm khách. Tiếng gọi món, tiếng nói cười  rổn rảng. Rõ là không phải giọng người bản địa, cũng chẳng phải cách nói, cách xử sự  của người xứ ngoài đã định cư lâu năm ở Huế. Đâu như là khách một địa phương đầu vùng cán xoong đi hội nghị hội thảo gì đó vì mấy bà sồn sồn chủ sở hữu giọng nói và cách phát ngôn làm rách toạc cái không gian yên ả trước đó, dù là của một quán phở, và đều mặc áo dài, có cài bông hoa đỏ lòe trước ngực. Tô phở trở lại nguyên hình thức đồ ăn làm thỏa mãn nhu cầu tầm thường của cái dạ dày.

May mà còn có cậu xích lô lúc trước đưa tôi tới quán, đang ngồi đợi mà chưa cần lấy tiền xe. Một cuốc xe thả trôi dọc đường Lê Lợi, giọng Huế đã được làm nhẹ bớt đi của người hay tiếp xúc với khách phương xa cùng những câu chuyện vui buồn của cậu traiquê làng Kim Long nhanh chóng xua đi cái cảm giác khó chịu nơi quán phở. Buổi chiều đẹp trở lại nguyên vẹn trong tôi, với giọng nói, cảnh vật, con người xứ Huế...

Phương Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top