ClockThứ Hai, 19/02/2018 06:46

Nể bác Thê thợ cả

TTH - 22 tuổi làm thợ cả, ngoài 30, ông Lê Văn Thê đảm nhận công trình trùng tu kiến trúc gỗ đầu tiên trên đất Huế là Thế Tổ miếu. Hơn 20 năm gắn bó với các công trình di tích, chấp nhận cuộc sống tạm bợ công trường xa vợ xa con, với ông chỉ có thể lý giải bằng hai chữ: Đam mê.

Huế trên hồn gỗ

Thợ cả từ tuổi 22

22 tuổi khi nhiều bạn cùng trang lứa còn băn khoăn thì Lê Văn Thê đánh dấu vai trò thợ cả bằng việc đứng ra nhận phần gỗ của một ngôi nhà ở Quỳ Hợp, Nghệ An. Năm 27 tuổi, ông nhận đơn hàng lớn hơn, sửa một ngôi đình ở Gia Lâm, Hà Nội. Các cụ trong làng e ngại. Mãi khi gác xong mái đình, họ mới tin. Từ đó, nhóm thợ được dân làng quan tâm chăm sóc rất chu đáo, tuần nào cũng có nước non, chè thuốc đầy đủ...

Thợ cả Lê Văn Thê

Quê ở Hà Nam, gốc thợ có từ đời ông nội, người chuyên dựng đình khắp nơi ở miền Bắc. Mùi gỗ thấm trong máu nên học xong lớp 9 là ông Thê thành ngay anh thợ phó, lẽo đẽo theo thầy học nghề. Ông rất thích lân la hóng chuyện khi các cụ tụ tập nói chuyện nghề. “Nghề thợ chủ yếu là truyền khẩu. Tai nghe, mắt nhìn và tay làm theo rồi thành nghề chứ làm gì có sách vở mà nghiên cứu”, ông Thê nói.

Tính cả Nghinh Lương Đình, dễ đến gần 15 công trình kiến trúc gỗ ở Quần thể Di tích Cố đô Huế có ông Lê Văn Thê làm thợ cả. Trong số đó, có nhiều công trình di tích “đinh”, như: Thế Tổ Miếu, cung Diên Thọ, điện Long An, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu... Ông là cộng sự cho hai đơn vị: Công ty Tu bổ Di tích Trung ương và Phân viện Khoa học Công nghệ & Xây dựng miền Trung. Dự án đầu tiên ông Thê “mở hàng” trên đất Huế là công trình trùng tu Thế Tổ Miếu (Đại Nội). Lưu dấu về việc trùng tu Thế Tổ Miếu, nhật ký ngày 28/3/1996 của kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (Kazik) còn ghi: “Vai trò chính trong quá trình trùng tu, có thể lớn hơn cả vai trò của kiến trúc sư, là của thợ mộc và phải là thợ cả”. Khi ấy, thợ cả là Lê Văn Thê mới ngoài 30.

Thợ cả phải làm được nhiệm vụ quan trọng nhất là ra mực thước cho thợ và nhìn thấu mọi phần công việc để quán xuyến. Ông bảo, đang ngồi uống trà phiếm chuyện trong này mà nhìn ra ngoài kia là biết anh thợ nào làm sai. Nếu làm sai, họ dễ có những hành động xoay lui xoay tới, nhòm chỗ này ngó chỗ kia, mặt mày căng thẳng để tính cách khắc phục. Tới hỏi, “ông sai chỗ nào, nói tôi nghe để cùng sửa”, là trúng phóc.

Hết tâm với nghề

Hơn hai mươi năm gắn bó, đến nay ông Thê vẫn là dân “chuẩn công trường”: chồng theo công trình quanh năm, vợ quán xuyến ở quê, hai con đứa chọn an cư Hà Nội, đứa thích vùng vẫy ở Sài Gòn. Ông thủng thẳng: Bắt đầu từ yêu thích, đến nay cũng vì yêu thích mà không dứt ra được. Biết vợ thiệt thòi cũng chỉ để trong lòng.

Phu Văn Lâu

Huế níu giữ được lão thợ cả Lê Văn Thê cũng bởi ở xứ này, ông thấy niềm đam mê của mình có đất dưỡng và tay nghề được coi trọng. Thời điểm sửa Thế Tổ Miếu, làm việc với chỉ huy trưởng kiến trúc sư Ba Lan, họ rất tôn trọng các giải pháp của nhóm thợ ông Thê, thậm chí còn tỏ rõ sự nể phục sau khi công việc hoàn thành. Khi được tiếp cận và học hỏi thêm kỹ thuật trùng tu kiến trúc gỗ của người Nhật, ông tâm đắc vô cùng và luôn chủ động đề xuất hướng xử lý các chi tiết gỗ phù hợp. Không ít ý kiến của ông được các cộng sự là lãnh đạo phụ trách dự án lắng nghe, tham khảo. Trong mắt TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô Đô Huế, thợ cả Lê Văn Thê giàu kinh nghiệm. Ông tham gia và đóng góp rất tốt cho công tác trùng tu kiến trúc gỗ ở Quần thể Di tích Cố đô Huế. Hơn cả tay nghề của một người thợ, ông còn tích cực và nhiệt tình đào tạo, truyền dạy nhiều thế hệ thợ lành nghề, thợ giỏi trưởng thành.

“Kiến trúc gỗ nào khiến ông ấn tượng nhất?”. “Ngọ Môn”, thợ cả Thê trả lời rất nhanh, rồi say sưa: “Tôi không thể tưởng tượng được vì sao các cụ xưa lại tính toán được một hệ thống mực thước quá chuẩn và không hề đơn giản cho công trình này. Chúng tôi vẫn nhắc nhau “đồng tàu đồng nóc”. Nhưng ở Ngọ Môn, nóc không bằng nhau nhưng tàu và mái thì lại bằng nhau. Các cụ tính toán quá giỏi, chúng tôi kính phục vô cùng”. Lại gợi thêm công trình khiến ông ngạc nhiên nhất khi trở lại, lão cười rất khoái: Đó là Thế Tổ Miếu và điện Long An. Phải nói là “choáng” luôn! Sau này ghé lại, nhìn hệ thống cột lớn đến ngợp và không hiểu sao mình lại có thể dựng được những cái cột đồ sộ như thế. Tự dưng, thấy nể anh thợ gỗ !

Vui vẻ vãn trà cùng chúng tôi đến độ tin cậy, anh kỹ sư giám sát công trình mới tiết lộ: “Làm xong Phu Văn Lâu, ông ấy về Bắc với vợ, tạm biệt Huế. Nhưng đến Nghinh Lương Đình, công trình ngay mặt tiền của Huế, rất cần thợ cứng tay và uy tín nên dự án lại mời nhóm trở lại”.

Tôi nhìn qua lão thợ cả, mắt ông lại đang đăm chiêu, nhìn về nhóm 4-5 anh thợ đang loay hoay bên ngoài. Tôi hỏi nhóm thợ: “Thông điệp nghề nghiệp mà bác thợ cả luôn nhắc nhở anh em thợ bạn là gì?”. Một người bảo: “Anh em phải luôn sống hết tâm với nghề, đam mê nghề và đừng bao giờ lấy sự hơn thiệt trong ngày công để cân đo với chất lượng sản phẩm do chính mình làm ra. Một sản phẩm được hoàn thành không đúng chất lượng kỹ thuật, thợ gỗ có thể qua được mắt người chủ nhưng không bao giờ qua mắt được chính lương tâm của mình”.

Rời bến Nghinh Lương Đình khi ngày đã lãng đãng chiều, trong dư vị ngọt đắng đậm đà của chén trà, tôi lại tự thầm bài ca thợ mộc: “Mái kia ai cất nên chùa/ Đình này ai dựng, nhà vua ai làm...”

Bài: Đồng Văn

Ảnh: Bảo Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tường gạch mộc

Mang vẻ đẹp giản dị, hoài cổ với màu sắc và hình dáng thô mộc, khi được trau chuốt và kết hợp hợp lý, những bức tường gạch mộc sẽ mang đến sự tinh tế và hài hòa cho không gian sống.

Ấn tượng với tường gạch mộc
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Hội nghị cấp cao ASEAN: Nhiều sự kiện đầu tiên được đánh dấu

Là một trong những sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 - 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan sẽ được tổ chức từ ngày 9 - 11/10 tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, nước Chủ tịch ASEAN năm 2024.

Hội nghị cấp cao ASEAN Nhiều sự kiện đầu tiên được đánh dấu

TIN MỚI

Return to top