ClockThứ Bảy, 18/05/2024 17:33

Nghiên cứu và giáo dục di sản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

TTH.VN - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” (Museums for Education and Research) là chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5 năm 2024, được Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) lựa chọn.​
 Các em học sinh thích thú khi được tham quan thực tế tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Theo lãnh đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”, ICOM muốn “nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa trong việc cung cấp một trải nghiệm giáo dục toàn diện. Trong đó, Bảo tàng có vai trò như trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy của khách tham quan. Từ nghệ thuật, lịch sử đến khoa học và công nghệ, bảo tàng là không gian quan trọng, nơi giáo dục và nghiên cứu gặp nhau để hình thành hiểu biết của chúng ta về thế giới”.

Là thành viên của ICOM và là đại sứ tích cực của Ngày Quốc tế bảo tàng, theo định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam, Bảo tàng Cổ vật Cung đình (BTCV) Huế hiện đang thực hiện các hoạt động thiết thực, như trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông của đơn vị.

Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng CVCĐ Huế Ngô Văn Minh chia sẻ: đơn vị thường xuyên thực hiện các cuộc trưng bày, triển lãm cố định, lưu động tại bảo tàng ở số 3 Lê Trực và các điểm thuộc quần thể di tích Cố đô Huế cùng các cuộc trưng bày kết hợp tại một số di tích, bảo tàng, sự kiện văn hóa trên cả nước…

 2 cổ vật được gắn chip NFC định danh số tại Bảo tàng 

“Chúng tôi đổi mới hoạt động, xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng theo xu hướng tiếp cận nghiên cứu liên ngành, đa ngành; xây dựng các sưu tập hiện vật có giá trị; nghiên cứu, bổ sung thông tin cho các sưu tập, hồ sơ phích phiếu - hồ sơ hiện vật. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động giáo dục, xây dựng Chương trình “Giáo dục di sản - văn hóa – nghệ thuật” có chất lượng cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh, hướng tới các nhóm khách tham quan chuyên sâu mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa, lịch sử dân tộc… Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về các chương trình giáo dục di sản (GDDS) văn hóa cơ bản, dễ thực hiện và chia sẻ với các bảo tàng, trường học khác”, ông Minh cho hay.

Mới đây, cùng hơn 60 học sinh ưu tú và giáo viên của trường tham quan thực tế tìm hiểu về Di sản văn hóa Huế tại Bảo tàng CVCĐ, cô Hoàng Thị Gái, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bày tỏ: Cả cô và trò đều rất hứng khởi và thích thú khi được khám phá những thông tin, kiến thức về lịch sử, về triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đặc biệt, “khi lần đầu tiên được tận mắt chiêm ngưỡng “cành vàng lá ngọc”, “ngai hoàng đế triều Nguyễn”… các em rất ngạc nhiên và thích thú. Cũng không khỏi trầm trồ khi được nghe giới thiệu về hai bài thơ “Hồi văn kiêm liên hoàn” của hoàng đế Thiệu Trị”, cô Gái kể.

 Hướng dẫn du khách quét mã QR code bằng điện thoại để xem thông tin, câu chuyện lịch sử hấp dẫn về cổ vật

Thực hiện Chương trình “Giáo dục Di sản - Văn hóa - Nghệ thuật” cho học sinh các cấp, ngoài việc đảm bảo nội dung đúng, phù hợp với đối tượng phục vụ, Bảo tàng luôn chủ động đổi mới một số nội dung hoạt động cho phù hợp. Như việc từng bước hoàn thiện Bộ tài liệu “Giáo dục di sản” để có căn cứ chuẩn hóa nội dung, góp phần đảm bảo hiệu quả tối ưu và thiết thực nhất cho nhiệm vụ GDDS, nhất là GDDS học đường trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bảo tàng CVCĐ Huế còn tăng cường công tác chuyển đổi số trong các hoạt động, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, truyền thông quảng bá. “Chúng tôi nghiên cứu ứng dụng đa dạng các loại hình công nghệ phù hợp với xu hướng phát triển”, ông Minh nói.

Từ năm 2018, đơn vị đã gắn mã QR đối với các bảo vật quốc gia và một số sưu tập, hiện vật tiêu biểu trưng bày tại bảo tàng và di tích Cung An Định. Năm 2020, ứng dụng VN Travel Guide - tham quan thực tế ảo đã được sử dụng hiệu quả dành cho du khách khi đến tham quan, "check in" tại bảo tàng. Mới đây, các chuyên gia của Phygital Labs phối hợp cùng Bảo tàng CVCĐ Huế thực hiện làm mã định danh thí điểm một số cổ vật đang trưng bày tại điện Long An (nơi trưng bày chính của Bảo tàng) thông qua Cổng trải nghiệm vật lý số với việc quét QR code và chip NFC.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, biên soạn nội dung; quét/chụp hình ảnh các cổ vật được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng, hướng đến “bảo tàng số” theo từng chuyên đề, từng thời điểm cụ thể với mục đích giúp du khách có những trải nghiệm tiện ích, thú vị, độc đáo khi đến tham quan tại đây”, ông Ngô Văn Minh thông tin.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Hướng đến Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung

Đó là mục tiêu của Đại học Huế. Điều này không chỉ tăng vai trò, vị thế của Viện Công nghệ sinh học nói riêng, của Đại học Huế nói chung mà cả thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian đến. Để hiểu rõ hơn về định hướng, các giải pháp thực hiện và vai trò của trung tâm trong tương lai, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

Hướng đến Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung

TIN MỚI

Return to top