ClockChủ Nhật, 25/03/2018 14:58

Người Huế hát chầu văn

TTH - Thuở nhỏ, tôi ở với ngoại tại làng Thanh Thủy Thượng (Hương Thủy). Gần nhà có am nhỏ, cứ rằm hay mồng một, người ta thường tổ chức hầu đồng.

Tuồng Huế: Mong rộng cửa “trình làng”Nghe ca trù ở Huế

Thời buổi khó khăn không có chi để giải trí, xem hầu đồng cũng là một thú vui. Cái thế giới hầu đồng tôi không hiểu chi hết nhưng thích nhất là được phát quà và nghe hát chầu văn. Đi học về, nghe tiếng chuông thánh thót và giọng hát chầu văn vang lên giục giã là chẳng cần cơm nước chi hết, tôi vọt chạy ngay. Tôi thích giọng người hát chầu văn lên đồng dạo ấy là ông Bơi, nghe dân dã, gần gũi và đặc biệt, “tròn vành, rõ chữ”.

Lần đầu tiên theo ngoại lên điện Hòn Chén, xem lên đồng và nghe hát chầu văn, tôi như hiểu hơn về sinh hoạt văn hóa và đời sống tâm linh kỳ lạ và đặc sắc của người Huế. Ngoại cháu tôi phải thức dậy từ nửa khuya và đi bộ cho đến tờ mờ sáng mới tới được điện Hòn Chén. Khi đó, trước mắt tôi là quang cảnh nhộn nhịp, trên bến, dưới thuyền. Mặt nước sông Hương như bừng lên với âm nhạc, với hàng trăm chiếc thuyền, những bộ lễ phục rực rỡ. Ông cháu tôi không đi vào bên trong điện nhưng từ xa nhìn vào vẫn thấy thấp thoáng những ánh nến bập bùng và vẫn nghe được tiếng chầu văn văng vẳng, vang vọng.

Chầu văn còn được biết đến ở Bắc bộ. Thế nhưng, cũng là hát lên đồng nhưng chầu văn Huế lại đem tới cho người nghe một cảm giác vừa chân chất, lại vừa rạo rực. Theo một nghiên cứu, chầu văn Huế tồn tại dưới hai dạng. Một là dạng chính quy, được thể hiện vào dịp “tháng bảy giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Bài bản âm nhạc ban đầu bình thường, chỉ khi chuyển sang lớp thượng (lên đồng) mới trở nên bay bổng, thoát tục. Còn nữa là dạng phổ cập ở các thôn làng, nghệ nhân chỉ ngồi đàn, hát trước các am, điện. Lời ca chủ yếu nói về thế giới tâm linh, lòng biết ơn đối với những người đã khuất. Tôi đã biết đến chầu văn Huế đầu tiên từ không gian nhỏ này. Còn điện Hòn Chén, thờ bà Thiên Y A Na và bà Liễu Hạnh, là nơi hội tụ và phát triển chầu văn Huế.

Bài hát chầu văn là tiết mục không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn ca Huế, cả thính phòng lẫn trên con đò xuôi ngược dòng Hương. Còn thỉnh thoảng trong các chương trình ca nhạc, người ta vẫn bất ngờ bắt gặp một tiết mục hát chầu văn. Nó như một sự bổ sung, một cách thay đổi không khí. Nhạc đệm ngoài cây đàn nguyệt còn có sanh tiền trên sân khấu. Các nghệ nhân Huế có thêm sáng kiến, dùng mấy ngón tay điều khiển hai cặp chén uống rượu chập vào nhau tạo nên âm thanh giòn giã. Tiết tấu nhạc của chầu văn rất phong phú, có tính kích động. Còn nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nghe chầu văn gân cốt trong người như muốn nhún nhảy giống như nghe nhạc Jazz phương Tây. Nhạc cất lên là muốn nhảy liền, còn nếu trong đò không nhảy được thì sẵn có chén muỗng chai lọ, cứ thế mà  gõ nhịp, cùng “hòa” với người diễn.

Tại Festival Huế 2014, chương trình ngày hội “Âm sắc Hương Bình” được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị của nghệ thuật ca Huế, trong đó có hát chầu văn. Còn trong khuôn khổ Festival Huế 2018, lần đầu tiên liên hoan "Hát văn, hát chầu văn toàn quốc" được tổ chức. Nhạc chầu văn ra đời từ những làn điệu dân ca phía bắc, cái nôi của người Việt cổ. Cũng như nhiều giá trị văn hóa khác, các thế hệ người Việt trong quá trình Nam tiến đã tiếp thu giá trị văn hóa của tộc người phía Nam để từ đó hình hành nét đặc trưng. Chầu văn, phiên bản Huế, là dẫn chứng sinh động. Không còn khép mình trong các sinh hoạt và lễ hội tâm linh, chầu văn Huế đĩnh đạc bước vào cuộc sống âm nhạc.

Sẽ là thiếu sót nếu đến Huế sau khi đã ghé thăm những đền đài lăng tẩm và thưởng thức món ngon ẩm thực mà lại lỡ hẹn với một chầu ca Huế trên sông, nghe thêm một bài hát chầu văn, không mênh mang, sầu muộn mà ngược lại, rộn rã, tưng bừng để có thêm một góc nhìn, hiểu hơn văn hóa Huế vốn đa dạng và nhiều sắc màu.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào khi hát Quốc ca

Quốc ca là bài hát chính thức của Quốc gia trong các nghi lễ trọng thể, thể hiện khát vọng và ý chí hào hùng của dân tộc. Hát Quốc ca không chỉ là niềm tự hào, mà thể hiện lòng yêu nước của mỗi cá nhân.

Tự hào khi hát Quốc ca
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

Buổi lễ diễn ra tối 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan khách và người dân tham gia làm tác phẩm. Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật BOARC được xác lập kỷ lục với nhiều người tham gia thực hiện nhất qua ba miền Bắc, Trung, Nam.

​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

TIN MỚI

Return to top