Bảo tàng tư nhân Phước Trang
Tiềm năng
Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, các bảo tàng ngoài công lập ở Huế đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Ngoài Bảo tàng tư nhân Phước Trang và Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Huế có tiềm năng để thành lập thêm nhiều bảo tàng tư nhân khi có nhiều bộ sưu tập tư nhân khá phong phú.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 20 nhà sưu tập tư nhân đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý hiếm, thuộc các loại hình đồ gia dụng, đồ nghi lễ, đồ tế tự, đồ trang sức, vũ khí… rất phong phú về kiểu dáng, có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao. Tuy nhiên, các bộ sưu tập cổ vật quý giá được lưu giữ bởi tư nhân vẫn chưa thể phát huy hết giá trị, mỗi người một cách quản lý, phát huy tùy theo điều kiện riêng. Việc khuyến khích hình thành các bảo tàng tư nhân là cách để khai thác, phát huy tốt vốn di sản này.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, Bảo tàng tư nhân Phước Trang, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ và các bảo tàng sắp tới sẽ ra đời, như: bảo tàng ẩm thực, bảo tàng áo dài, bảo tàng danh nhân… với xu hướng thu hút khách du lịch đang mở ra một tiêu chí mới cho các bảo tàng nhỏ nhưng có chiều sâu. Bên cạnh đó, các bảo tàng ngoài công lập còn có tác dụng tích cực trong việc khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật, tạo cơ hội để công chúng được tiếp cận với một bộ phận di sản văn hóa quý giá.
Ngày 7/4/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án “Chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 5 bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Theo chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập đến năm 2030, tỉnh sẽ hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất do Nhà nước quản lý với mức tối thiểu do Nhà nước ban hành. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thuê đất, công trình để tổ chức hoạt động bảo tàng ngoài công lập đối với các công trình không thuộc sở hữu của Nhà nước thì mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/1 năm.
Ngoài ra, hằng năm, mỗi bảo tàng ngoài công lập còn được hỗ trợ 2 hoạt động trưng bày, triển lãm trong phạm vi cấp tỉnh, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/1 hoạt động; hỗ trợ phát triển 1 sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng, mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/1 sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tàng; hỗ trợ quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng với mức hỗ trợ không quá 30 triệu/1 năm.
Lo khó duy trì
Một nhà sưu tập uy tín cho biết, phần lớn giới sưu tập cổ vật rất hứng thú với chủ trương khuyến khích thành lập bảo tàng ngoài công lập của tỉnh: “Đây là chủ trương đúng và cần thiết để giữ lại cổ vật cho Huế”.
Lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, nhà sưu tập trên chia sẻ, ông rất hứng thú với việc thành lập bảo tàng tư nhân nhưng ngại những quy định ràng buộc khi nhận hỗ trợ từ đề án, ngại thủ tục phức tạp, nguồn thu để nuôi sống bảo tàng, người quản lý… Ông nói: “Nhiều anh em khác trong giới sưu tập cũng e ngại như tôi khi thấy các bảo tàng tư nhân hiện nay chỉ có thể hoạt động cầm chừng. Vì thế, để tạo động lực cho các bảo tàng tư nhân ra đời, Nhà nước phải có hỗ trợ hợp lý, cụ thể và đồng bộ. Cần làm sớm vì nếu chờ đợi nữa, cổ vật sẽ tiếp tục “chảy máu” và rời khỏi Huế”.
Để có cơ sở đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm phát triển các bảo tàng ngoài công lập, Sở Văn hóa và Thể thao đã gặp gỡ, trao đổi với 10 nhà sưu tập hiện đang lưu giữ số lượng lớn các hiện vật, bộ sưu tập hiện vật có giá trị. Trong số 10 nhà sưu tập, chỉ có 2 nhà sưu tập có ý định thành lập bảo tàng ngoài công lập, 8 nhà sưu tập còn lại mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể về đất đai, hỗ trợ pháp lý trong quá trình thành lập bảo tàng, hỗ trợ các chính sách phù hợp để tạo điều kiện phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập.
Theo nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng, việc thành lập bảo tàng tư nhân là điều kiện tốt nhất để các nhà sưu tập có thể giới thiệu hiện vật đến những người yêu cổ ngoạn. Nhưng, anh cũng băn khoăn: “Tôi rất hứng thú với chủ trương thành lập bảo tàng tư nhân nhưng điều kiện chưa cho phép. Khó nhất là tìm không gian trưng bày thích hợp và nguồn lực để duy trì bảo tàng”.
Một nhà sưu tập bày tỏ: “Một bảo tàng muốn thu hút được khách tham quan thì chất lượng phải cao, hiện vật trưng bày phải hấp dẫn. Để làm được điều này không phải dễ khi quá nhiều cổ vật giá trị không còn ở Huế. Mua về thì không có khả năng khi giá cổ vật hiện quá cao. Thu hút khách tham quan để có nguồn thu đủ duy trì bảo tàng tư nhân vô cùng khó”.
Cùng với những chính sách hỗ trợ từ đề án “Chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”, để “gỡ rối” cho các nhà sưu tập có ý định thành lập bảo tàng tư nhân, thiết nghĩ, Sở Văn hóa và Thể thao cần gặp gỡ tư vấn về các chính sách hỗ trợ, đề ra các giải pháp phát triển cho bảo tàng ngoài công lập, nhất là cách thức tổ chức hoạt động, thu hút khách tham quan…
Bài, ảnh: MINH HIỀN