Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế báo cáo nhanh những nội dung liên quan, gồm: đánh giá quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; công tác đầu tư xây dựng, chỉnh trang các công trình di tích; kế hoạch phát triển dịch vụ và công tác đổi mới tổ chức bộ máy theo chủ trương của Tỉnh ủy… Lượng khách tham quan khu di sản Huế từ năm 2010 đến nay luôn tăng đều, đem đến nguồn doanh thu từ bán vé năm sau cao hơn năm trước và luôn vượt kế hoạch được giao. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, doanh thu đã đạt 164 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch giao.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế báo cáo tình hình hoạt động với Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác
Tham gia đoàn công tác, đại diện các sở, ngành của tỉnh đều đánh giá cao những thành quả mà Trung tâm BTDTCĐ Huế đạt được trong các lĩnh vực và tiếp tục đề xuất, bổ sung nhiều ý kiến quan trọng, như: tăng cường số hóa nguồn tư liệu hiện có; đẩy mạnh quảng bá về di sản văn hóa triều Nguyễn; tăng cường giám sát các hoạt động dịch vụ đã được xã hội hóa; rà soát các điểm khai thác dịch vụ và có giải pháp tăng nguồn thu hiệu quả; quan tâm đến công tác quy hoạch hạ tầng di tích để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế, từ bãi đỗ xe tại các điểm di tích đến hệ thống camera giám sát từ xa; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về triều Nguyễn ra khỏi phạm vi Huế; tận dụng các di tích liên quan đến hệ thống giao dục triều Nguyễn để trưng bày về di sản khoa cử…
Đại diện Sở Xây dựng đóng góp ý kiến
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cơ bản đồng ý với những vấn đề do Trung tâm BTDTCĐ Huế kiến nghị, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ cấp bách nhất của Trung tâm BTDTCĐ Huế hiện nay là phải đổi mới mô hình bộ máy. Chỉ có đổi mới mô hình bộ máy thì Trung tâm BTDTCĐ Huế mới đổi mới được phương thức điều hành, mới có thể chủ động và nâng tầm hơn trong các hoạt động.
Cùng với ý kiến đó, Chủ tịch UBND tỉnh vừa gợi ý vừa yêu cầu Trung tâm quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao năng lực con người trong đơn vị; chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo vị trí việc làm; đầu tư hệ thống camera giám sát; cần có tạp chí chuyên ngành nghiên cứu về di sản văn hóa Huế; rà soát lại danh mục đầu tư công để chủ động triển khai đúng tiến độ và đạt chất lượng; thu hút các nhà đầu tư dịch vụ vào khu di sản nhưng phải đảm bảo tuân thủ pháp lý về bảo vệ di sản; rà soát lại các điểm khai thác dịch vụ chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh.
Du khách tham quan Đại Nội
Riêng về vấn đề hiệu quả khai thác dịch vụ trong khu di sản, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung tâm BTDTCĐ có phương án hiệu quả để tăng nguồn thu từ các dịch vụ phụ trợ, ngoài nguồn thu từ vé tham quan. Quan điểm của tỉnh là tập trung khai thác và nâng tầm các dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế và dựa trên những dịch vụ hiện đang được tổ chức. Mục tiêu là nâng cao chất lượng các dịch vụ và nguồn thu từ những dịch vụ phụ trợ này phải chiếm tỷ lệ cao trong các nguồn thu chung của Trung tâm.
Bàn về nội dung đầu tư hạ tầng cho khu di sản, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Trung tâm BTDTCĐ Huế có phương án cấm tất cả các loại phương tiện hoạt động bằng động cơ xăng (ngoài phương tiện phục vụ xây dựng) đi lại trong khuôn viên rộng 36ha của Đại Nội; đồng thời, khuyến nghị du khách không sử dụng túi ni-lon và chai nhựa sử dụng một lần trong khu vực này. “Việc này ban đầu có thể khó, nhưng khó cũng phải nghiên cứu giải pháp để thực hiện cho được. Điều này không chỉ góp phần tạo nên môi trường di sản không có khói xăng, không túi ni-lon, không chai nhựa mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với tiền nhân”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Đồng Văn