ClockChủ Nhật, 27/08/2017 07:43

Những dàn kèn hơi của Huế & buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại

TTH - Những năm đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện những dàn kèn hơi, đội kèn hơi tại Huế. Những dàn kèn hơi này đóng góp rất lớn vào việc hình thành nền tân nhạc Việt Nam, nền tân nhạc Huế. Kèn hơi cũng từng thay mặt văn hóa Huế đi biểu diễn ở nước ngoài. Và trong buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại, cũng có sự phục vụ của những nghệ sĩ kèn hơi…

Các nhạc công dàn nhạc Kèn hơi Huế. Trong ảnh có cụ Ngô Văn Lệ (người ngồi bên phải), người Hương Phong (Hương Trà), thổi kèn Trompette và là một Đội trưởng đội kèn thời Pháp thuộc. Ảnh: TL

Những dàn kèn hơi đầu tiên

Theo nhiều nhà nghiên cứu, những năm đầu thế kỷ 20, âm nhạc phương Tây bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Tại Huế lúc bấy giờ đã xuất hiện các lớp âm nhạc phương Tây cùng các nhạc cụ đi kèm như mandolin, violon, harmonica, flute… Trong công trình nghiên cứu “Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam”, tác giả Dương Quang Thiện cho biết: “Các sách hát bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh cũng đều có phần dạy ký âm”.

Một sự kiện lớn đối với nền tân nhạc Việt Nam: ngày 11/11/1918, Dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập tại Huế, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Đây là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam. Dàn nhạc được tổ chức thành ba bộ: bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ với biên chế khoảng 64 nhạc công. Ông Bùi Thanh Vân được giao nhiệm vụ sáng lập, ông Traineau (người Pháp) là chỉ huy dàn nhạc.

Năm 1919, vua Khải Định cũng cho thành lập riêng một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp. Dàn nhạc này nhằm mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức. Ông Trần Văn Liêu được giao tổ chức và đào tạo, thường hòa tấu các bài: Quốc ca Pháp, Quốc ca Nam triều do Trần Như Tú chuyển soạn; một số bản nhạc Việt Nam và quốc tế…

Tiếp đó, năm 1920, đội kèn đồng của lính Khố xanh Huế ra đời. Chỉ huy do người Pháp - ban đầu là Tourneau.

Trên đây là 3 dàn nhạc, đội nhạc kèn hơi chính xuất hiện ở Huế trong các năm từ 1918-1920. Tại Huế lúc đó cũng xuất hiện các đội kèn đồng do các linh mục, các thầy trò trường dòng thực hiện trong các buổi lễ…

Những cuộc biểu diễn

Dàn nhạc kèn hơi nhà binh ngoài phục vụ nghi lễ do Pháp tổ chức còn thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển và lãng mạn vào chiều chủ nhật tại “Nhà Kèn” trong vườn hoa trước Tòa Khâm sứ Huế. Ngoài các tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc châu Âu như Mozart, Beethoven, Schubert, Schumann, Bizet, Weber, Tchaikovsky, Chopin…; các bài hát phổ thông nước ngoài bằng tiếng Pháp như J’ai deux amours, La Madelon… cũng được thường xuyên được vang lên. Vì vậy ở Huế lúc đó, bên cạnh dòng nhạc cổ truyền, đã tồn tại thêm một dòng nhạc Tây phương, được công chúng tiếp nhận.

Một điều đáng chú ý là các dàn nhạc kèn hơi ở Huế lúc bấy giờ có trình độ chuyên môn khá tốt, nên thường được mời đi biểu diễn trong các sự kiện lớn trong nước cũng như nước ngoài.

Năm 1922, dàn nhạc kèn hơi của Huế đã biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo ở Hà Nội. Năm 1930, biểu diễn ở Sài Gòn nhân dịp khánh thành đường sắt.

Đặc biệt, năm 1931, dàn nhạc kèn hơi của Huế đại diện cho Việt Nam biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế Paris. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có dàn nhạc kèn hơi đi biểu diễn quốc tế. Kết quả là Dàn nhạc kèn hơi của chính phủ thuộc địa Nam triều đã được trao tặng huy chương vàng. Dàn nhạc này sau đó đã đổi tên thành Dàn nhạc kèn hơi Nam triều do nhạc trưởng Fournter chỉ huy. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, dàn nhạc thêm lần đổi tên thành Dàn nhạc kèn hơi chính phủ Trần Trọng Kim, do Phạm Văn Minh chỉ huy…

Tham gia phục vụ lễ thoái vị của vua Bảo Ðại

Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua của triều đại phong kiến cuối cùng được tổ chức tại Ngọ Môn. Góp phần vào buổi lễ long trọng ấy là dàn nhạc gồm 130 nhạc công kèn hơi: “Ðứng phía trước là 18 hàng nữ sinh mặc quần trắng, áo dài trắng. Tiếp theo là các đoàn phụ nữ mặc áo dài tím. Ðoàn quân nhạc gồm 130 người đứng bên phải. Lực lượng vũ trang súng trường cắm lê sáng loáng đứng bên trái… Ðúng 13h, Bảo Ðại đọc thoái vị và trao lại cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và một thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Trên Kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca” lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên phần phật bay giữa trời Huế tự do độc lập”. (Dẫn theo Vĩnh Phúc, “ Phác thảo về sự hình thành dòng âm nhạc mới ở Thừa Thiên Huế).

Tiếng kèn đồng trong những năm tháng xuất hiện ở Huế đã thật sự đóng góp rất lớn vào việc hình thành nền tân nhạc Việt Nam, nền tân nhạc Huế; đồng thời đem lại cho người dân Huế những xúc cảm thẩm mỹ mới mẻ. Vai trò của các dàn nhạc kèn đồng thuở đó ngày càng được khẳng định. Những đóng góp của kèn đồng trong đời sống văn hóa nghệ thuật đã được giới chuyên nghiệp cũng như thính giả Việt Nam dành cho nhiều tình cảm đặc biệt khi mà âm thanh của dàn kèn hơi mang lại nhiều cung bậc cảm xúc: như tiếng gọi giục giã chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu; những âm sắc thênh thang diễn tả tình yêu trên những cánh đồng lúa xanh bất tận; có khi âm thanh hùng tráng như tiếng gọi của biển khơi, và có khi âm thanh trầm như tiếng đoàn voi ra trận... Như vậy, âm hưởng của dàn kèn hơi vừa hùng tráng, vừa đậm chất trữ tình; và chúng đã được trình tấu vào thời điểm lịch sử của đất nước: Cách mạng Tháng Tám.

HỒ HOÀNG THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Return to top