Mùa đông, đi xa, tự nhiên nhớ mùa hè Huế kinh khủng.
Dẫu, đấy là cái mùa khắc nghiệt nhất, hơn cả mùa mưa Huế. Nắng như đổ lửa, mọi vật như quắt lại, như teo đi. Mọi thứ cứ hầm hập. Mọi điều cứ mưng mưng. Cũng nắng nhưng cái nắng Đà Nẵng nó khác, dẫu Đà Nẵng nhiều nắng hơn. Nhớ có lần, đi trong lút thút mưa Huế, vừa đến đỉnh đèo Hải Vân, cả xe ồ lên, phía Đà Nẵng, nắng tưng bừng, nắng hân hoan.
Tất nhiên nó cũng không đến nỗi như rang như sấy, như cô mặt trời lại của cái nắng Quảng Trị hàng xóm.
Mùa hè nào đấy, chúng tôi đi lao động cắt lúa giúp dân ở Thủy Thanh. Sinh viên, nói thật, làm không bằng nông dân làm rốn. Nhưng là phong trào, nên phải đi. Rất cực, nhiều đứa cả đời đã cầm liềm cầm đòn gánh đâu, nhưng cũng cứ ì oãm lội. Kinh nhất là đỉa. Có đứa xỉu tại ruộng khi bị con đỉa bâu vào bắp chân trắng muốt. Nhưng đa phần là hả hê, vì được ăn no.
Giữa trưa nắng, một gánh cơm được gánh ra. Cơm gạo mới đựng vào thúng. Đầy thúng. Thức ăn là chóp môn hoặc chột nưa muối kho cá vụn. Thi thoảng có canh măng chua nấu cá. Trời ơi là ăn. Nắng hầm hập, giữa đồng không một bóng cây, đứa nào đứa nấy lử lả vì nắng. Nhưng sau vài chén cơm thì bừng bừng khí thế không sợ nắng nữa. Có sống cái thời sinh viên những năm đói ấy mới biết cái sự được ăn no giữa đồng nó “hoành tráng” cỡ nào.
Mùa hè là sinh viên phải tiễn bạn về quê. Bến xe An Cựu là nơi quyến luyến chia tay. Đứa về sau tiễn đứa về trước. Đứa ở Huế tiễn đứa quê xa. Tối kéo nhau ra bến xe xếp hàng, ngồi suốt đêm ở đấy để sáng mai cái cửa tò vò phòng vé mở ra là mình có thể có vé ngay. Thế nhưng không phải lúc nào cũng hanh thông. Chín giờ tối mình ra thì bảy giờ đã có người trải chiếu trước rồi. Đếm người xếp hàng thấy mình trong diện vài chục, nhưng khi mua được vé đã lên đến cả trăm. Đã có người mua vé từ đêm không qua phòng vé rồi...
“Mùa hè này lạ quá”, một cô bạn thốt lên với tôi như vậy ở một mùa hè nào đó. Có một điều gì đấy mới mẻ, tinh khôi, nhưng lại đầy bí ẩn, đầy ma mị, điều gì đấy không cắt nghĩa được nhưng khiến cô như là một con người khác, mang một trái tim khác. Dẫu vụng dại nhưng tôi cũng lờ mờ thấy một thay đổi, một sự kỳ diệu thảng hoặc, một “chấn thương” bất chợt đã đến với cô. Rồi cũng chả cắt nghĩa được, nhưng rõ ràng, cú “chấn thương mùa hè” ấy đã khiến cô sau này trở thành... nhà thơ. Có điều, hình như trong những bài thơ của cô, hình bóng tôi khá nhạt nhòa. Té ra chỉ có tôi cảm nhận được sự khác của cô, và cũng chỉ tôi tưởng rằng được tâm sự thì tôi trở thành... quan trọng. Mùa hè trôi trong một tiếc nuối không nhẹ. Mùa hè, té ra nó vô tâm với người này lại tạo sốc nhiệt với người khác.
Mùa hè nào đấy, sông Hương mỗi chiều, nước mặn lên và chúng tôi tắm. Té ra cái khoảng cách mặn ngọt nó không lấy gì là vững chắc lắm, mà nó rất mỏng manh, rất nhẹ nhàng và đầy ngẫu hứng. Ùm xuống, ngậm ngụm nước đầu tiên, phun ra vì lợ, biết là nước lên. Dạt về phía cửa Thuận, những con đò lửng lơ cháy đen trong nắng. Người trên đò còn cháy hơn. Ơ thế mà tiếng hò thì ngọt, thì dịu, thì miên man dằng dặc đến thế. Có đò cào rong cào hến đứng thi gan với nắng. Có đò dọc, về Thanh Hương, Ưu Điềm, Đại Lược... những con đò rướn nước bậm bạch trong nắng quái. May còn có gió, cái gió phất vào từ hướng cửa Thuận khiến người ngồi trong cứ nhoài ra, giơ mặt hứng gió. Một cảm giác vừa phiêu du vừa lãng mạn nhưng cũng đầy “đồng cam cộng khổ” với mùa hè.
Tôi từng ngồi trên những con đò ấy với 2 trạng thái. Trạng thái chịu đựng để nhanh về nhà mà không thể nhanh được, và trạng thái hứng khởi tự nguyện du lịch phá Tam Giang. Đò trôi ngang dọc đó đăng/ Bao nhiêu khô khát gió mang về trời/ Chỉ còn tôi với tôi thôi/ Giữa bao la nước và trời Tam Giang...
VĂN CÔNG HÙNG