ClockThứ Sáu, 29/12/2023 15:40

Phát hiện tranh gương từng thuộc về Điện Cần Chánh

TTH.VN - Từ việc số hóa ảnh tư liệu xưa về Điện Cần Chánh, Nguyễn Tấn Anh Phong và các cộng sự phát hiện một trong hai bức tranh gương hiện treo ở Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học – Đại học Huế chính là tranh quý từng được treo trong Điện Cần Chánh ở Đại Nội.

Độc đáo tranh gương

 Bức tranh "Trì lưu liên phảng” hiện được treo ở Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học – Đại học Huế

Bức tranh “Trì lưu liên phảng” từng treo ở Điện Cần Chánh

Trong quá trình nghiên cứu số hóa ảnh tư liệu phục vụ việc phục dựng Điện Cần Chánh, nhóm nghiên cứu của Nguyễn Tấn Anh Phong đã bất ngờ phát hiện bức tranh gương treo tại Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học – Đại học Huế chính là tranh quý từng được treo trong Điện Cần Chánh ở Đại Nội Huế.

Bức tranh có tên là “Trì lưu liên phảng”, vẽ cảnh ba chiếc thuyền nhỏ đang lướt đi trên mặt sóng. Bức tranh cao khoảng 105cm, khung tranh được chạm năm con rồng năm móng vờn mây tượng trưng cho uy quyền của nhà vua. Trên bức tranh có chạm một bài thơ, được xác định là ngự chế của vua Thiệu Trị, niên đại vào năm 1845.

Từ tấm film tư liệu màu về nội điện Cần Chánh sau khi số hóa, Anh Phong và các cộng sự đã làm rõ được nội dung các bức tranh gương được treo bên trong Điện Cần Chánh và rất bất ngờ khi xác định một số tranh vẫn đang tồn tại cho đến ngày nay. Anh cũng phát hiện bức tranh gương “Trì lưu liên phảng” treo trên một cột trụ gỗ ở Điện Cần Chánh. Căn cứ mặt bằng hiện trạng ngôi điện, có thể xác định được vị trí bức tranh này treo ở cột C6.

 Ảnh chụp năm 1957 trong dịp thành lập Viện Đại Học Huế có sự xuất hiện của hiện vật. Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong

Tìm kiếm thông tin trên mạng, Anh Phong thoáng thấy 2 bức tranh gương từ bức ảnh của một bạn đăng trên facebook khi tham dự hoạt động ở Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học. Anh truy cập dữ liệu và tìm được một ảnh cận hơn về bức tranh gương này. “Chúng tôi xác định nó chính xác là bức tranh gương “Trì lưu liên phảng” hoàn toàn nguyên bản xuất hiện trong tư liệu ảnh. Đây là điều quá may mắn cho di sản tỉnh nhà nói chung và quá trình phục hồi Điện Cần Chánh nói riêng”, Anh Phong nói.

Ngoài bức “Trì lưu liên phảng”, ở Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học – Đại học Huế còn treo thêm một bức tranh gương có tên “Lang tập quần phương” vẽ cảnh một vườn phủ đệ xưa với ao nước, dinh thự… trong cung cấm. Một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở Huế đặt giả thuyết cho rằng bức tranh này cũng từng được treo trong Điện Cần Chánh.

Tìm hiểu số phận của những bức tranh gương này tại sao lưu lạc tới đây, Anh Phong cho biết, bức tranh này được chính quyền cũ lúc ấy mang tặng Viện Đại Học Huế nhân dịp thành lập viện vào năm 1957. Về sau, cổ vật này được lưu hành bên trong Đại học Huế và tồn tại cho đến nay. Một nhà nghiên cứu cho hay, GS. Nguyễn Quốc Lộc cho mang về từ hội trường Viện Đại học Huế 2 bức khi thành lập Bảo tàng Dân tộc học trong Khoa Sử - Đại học Tổng hợp khoảng năm 1978-1979.

 Bức ảnh chụp Điện Cần Chánh, ở cột trụ đầu tiên có treo bức tranh “Trì lưu liên phảng”. Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong

Mong cổ vật quý sớm được “đoàn tụ”

Là người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu cho việc phục hồi di sản, anh Nguyễn Tấn Anh Phong rất vui mừng khi biết được thông tin những cổ vật từng treo trong ngôi điện quan trọng hiện vẫn còn tồn tại ở Huế. Anh bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn những cổ vật đang lưu lạc này được đoàn tụ về mái nhà của di sản, để văn vật được bảo quản cẩn thận, được số hóa từng chi tiết, phát huy giá trị trong công cuộc trùng tu, bảo tồn di sản. Thiết tha mong các đơn vị có trách nhiệm khẩn trương xúc tiến việc “hồi cung” cho những cổ vật này”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, trung tâm đã từng đặt vấn đề với Trường đại học Khoa học – Đại học Huế đưa hai bức tranh gương nói trên về trung tâm để đảm bảo hơn điều kiện bảo vệ, gìn giữ, trưng bày hiện vật. Phía nhà trường cho biết họ sẽ nghiên cứu về đề xuất này của trung tâm.

Điện Cần Chánh được xây dưới triều vua Gia Long thứ 3 năm 1804. Đây là nơi các vị vua triều Nguyễn thiết triều, tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc hoàng gia. Trong Tử Cấm thành, Điện Cần Chánh là ngôi điện quan trọng chỉ đứng sau Điện Thái Hòa (nơi đặt ngai vàng). Ngôi điện này bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947 trong chiến tranh và sắp được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng.

 Nguyễn Tấn Anh Phong (bên trái) bên bức tranh gương từng thuộc về Điện Cần Chánh được phát hiện ở Cung Diên Thọ

Trong quá trình nghiên cứu góp ý cho việc phục dựng Điện Cần Chánh, giúp cho di sản được phục hồi đúng nguyên bản, Nguyễn Tấn Anh Phong phát hiện nhiều thông tin giá trị. Ngoài bức tranh gương ở Khoa Lịch sử, một chiếc gương lớn từng để sau lưng ngự tọa của Điện Cần Chánh được Nguyễn Tấn Anh Phong xác định hiện ở Hữu Vu. Một bức tranh gương khác hiện đang ở Cung Diên Thọ. Không chỉ vui mừng vì ngôi điện dù bị phá hủy nhưng cổ vật trong điện vẫn còn tồn tại, mà qua chiều cao tranh gương, chiều cao của tấm gương sẽ là đáp án để thử chiều cao các cột bên trong Điện Cần Chánh.

Nguyễn Tấn Anh Phong phân tích: “Nhóm chúng tôi áp dụng thủ thuật xác định kích thước công trình bằng phương pháp chiếu phối cảnh trên ảnh tư liệu đã cho ra được chiều cao của tất cả các cột, các vật dụng xung quanh ngôi điện còn tồn tại. Vật dụng được chọn để dò các con số kia không có gì chân xác bằng hiện vật gốc là tranh gương và tấm gương lớn còn ở Hữu Vu. Qua đo đạc thực tế, bức tranh gương “Trì lưu liên phảng” có số đo thực tế chỉ sai số với kết quả qua phương pháp chiếu hình là 8,7mm, một sai số rất ít. Tất nhiên, đây chưa phải là kết quả cuối cùng mà sẽ có những đối chiếu, so sánh với con số của đội ngũ nghiên cứu dự án”.  

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Trung Quốc phát hiện hóa thạch của người hiện đại sơ khai

Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã phát hiện hàng chục hóa thạch người có niên đại 300.000 năm. Đây là những hóa thạch sớm nhất được tìm thấy ở Đông Á, là minh chứng về quá trình tiến hóa thành Homo sapiens, được biết đến là người hiện đại sơ khai.

Trung Quốc phát hiện hóa thạch của người hiện đại sơ khai
Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Return to top