ClockChủ Nhật, 15/11/2020 15:02

Độc đáo tranh gương

TTH - Từ nhu cầu trang trí của triều đình, dinh phủ, tầng lớp quan lại, tranh gương xuất hiện, trở thành những tác phẩm mỹ thuật cổ truyền đặc sắc của vùng đất kinh kỳ xưa.

Tranh gương thành sản phẩm lưu niệm độc đáo

Bức tranh gương “Cảnh hồ Tịnh Tâm”

Tranh gương cung đình

Trong kho tàng di sản vật thể và phi vật thể mà triều đình nhà Nguyễn để lại, tranh gương là một dạng di sản khá đặc biệt, vừa mang tính vật thể, vừa mang tính phi vật thể. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, có thể xem tranh gương cung đình Huế là một loại hình tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng.

Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ. Về chất liệu, loại tranh này dùng bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương, tức vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản).

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang lưu giữ khoảng 100 bức tranh gương, được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cung Diên Thọ, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh và điện Hòn Chén. Về nguồn gốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, tranh gương cung đình do triều Nguyễn đặt hàng (ký kiểu) từ Trung Quốc, được vẽ theo mẫu do Bộ Công vẽ dưới hình thức mộc bản.

Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, kỹ thuật vẽ ngược chiều đòi hỏi họa sĩ, nghệ nhân phải khéo léo và có trí tưởng tượng phong phú. Người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ kính qua (mặt phải). Trong từng đường nét cũng phải tính toán là nét trên hay nét dưới, cách phối hợp từng mảng màu, độ đậm nhạt để tạo ra bố cục, không gian, chiều sâu cho tác phẩm. Tất cả tạo nên nét riêng, sự độc đáo, tinh tế của tranh gương.

Bức tranh gương vẽ cảnh vườn Thiệu Phương

Nghiên cứu về tranh gương cung đình, TS. Phan Thanh Hải cho rằng, chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế cơ bản gồm 3 loại chính. Loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh cảnh, như mô tả và ca ngợi cảnh đẹp của đất Thần kinh, chủ yếu là 20 cảnh đã được vua Thiệu Trị xếp hạng, phù hợp với các bài thơ ngự chế vịnh kèm; tranh minh họa các bài thơ đề vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thi… Loại tranh thứ 2 không đề thơ, minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa. Loại thứ 3 là tranh vẽ tĩnh vật.

“Với người thưởng lãm hay du khách, những bức tranh này có thể chỉ đơn thuần là cảnh đẹp của thiên nhiên, của non nước hữu tình, nhưng với các nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị nghệ thuật, mỗi bức tranh gương chính là cứ liệu lịch sử quan trọng để phục dựng, trùng tu các di tích có liên quan”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Tranh gương dân gian

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đang lưu giữ bộ sưu tập tranh gương được xem là quý và độc đáo, gồm hơn 20 bức thuộc dòng tranh dân gian. Đây là những bức tranh gương vốn thuộc sở hữu của giới quý tộc, quan lại, thương gia, được vẽ bởi những thợ vẽ ở Huế. Các tác phẩm thể hiện nhiều đề tài khác nhau, có bức vẽ các tích tuồng, như: Nhị thập tứ hiếu, Tô Vũ chăn dê, Đắc Kỷ tiến Trụ vương…; có những bức vẽ phong cảnh chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, phong cảnh đồng quê; có bức vẽ cảnh sinh hoạt hoặc đơn thuần là để trang trí, thờ cúng.

Tranh gương dân gian cũng được vẽ theo lối vẽ tỉ mỉ, độc đáo, có bức vẽ màu, có bức vẽ đen trắng hoặc vẽ trên lớp cẩn xà cừ. Trong bộ sưu tập của NNC Nguyễn Xuân Hoa, bức tranh gương Tứ bình vẽ về đề tài cầm kỳ thi họa, thể hiện hình ảnh một tiểu thư và thị nữ đánh đàn, chơi cờ, đọc thơ, vẽ tranh. Một bức tranh khác có khổ lớn, rất độc đáo khi vẽ phong cảnh theo phong cách hội họa phương Tây. Ông Hoa kể, khi mua bức tranh gương này, ông phát hiện đằng sau có tờ báo thông báo vua Khải Định vừa mất, như vậy bức tranh này được vẽ vào thời điểm trước đó.

Việc sưu tầm tranh gương của NNC Nguyễn Xuân Hoa cũng là cái duyên. Tranh gương đa phần được lưu giữ trong các gia đình quyền quý ở Huế. Tuy nhiên, khi con cháu họ không có điều kiện tiếp tục lưu giữ, họ tìm đến bán cho ông với tâm nguyện, tranh quý của gia đình vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận ở Huế. Sưu tập bức tranh gương đầu tiên từ năm 1990, ông thấy được giá trị của tranh gương và sưu tập thêm.

Theo NNC Nguyễn Xuân Hoa, trước đây, ở Bao Vinh có xóm thợ vẽ tranh gương, vốn là người Trung Hoa định cư lâu ngày ở Huế. Người ta cho rằng, những người đầu tiên đến từ thời chúa Nguyễn để phục vụ nhu cầu vẽ tranh trong các dinh phủ của chúa Nguyễn. Sau này, một số người chuyển đến ở đường Mạc Đỉnh Chi và khi nghề vẽ tranh gương không còn thịnh hành, họ chuyển sang làm những công việc liên quan đến hội họa như vẽ diều. Nghề làm tranh gương mai một dần vì không có đầu ra. Bây giờ, không ai vẽ tranh gương như là một tác phẩm nghệ thuật, cũng không vẽ theo lối vẽ cảnh, tích tuồng mà chủ yếu là tranh thờ cúng.

Bài: MINH HIỀN 

Ảnh: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường

Một chương trình nghệ thuật nhưng không đơn thuần chỉ có múa hát, ở đó một thông điệp được người làm chương trình định hình rõ ràng: Bảo vệ môi trường. “Hoa và rác” là một chương trình nghệ thuật như thế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay tại Huế - một thành phố được mệnh danh xanh - sạch - sáng của Việt Nam.

Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật
Nhật Bản: Độc đáo làm móng từ rác thải nhựa

Khi vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa được đưa ra thảo luận trên các bàn đàm phán toàn cầu, với một cách thức riêng biệt, Naomi Arimoto, một thợ làm móng người Nhật Bản đang lồng ghép mối quan tâm này vào các tác phẩm của mình.

Nhật Bản Độc đáo làm móng từ rác thải nhựa

TIN MỚI

Return to top