ClockThứ Sáu, 07/06/2024 11:07

Phát huy giá trị của Đình làng Thế Chí Đông

TTH - Cách trung tâm TP. Huế khoảng 35km về hướng Đông Bắc, Đình làng Thế Chí Đông, xã Điền Hải, huyện Phong Điền mang trong mình những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất nằm bên phá Tam Giang, vừa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Thế Chí ĐôngPhát huy giá trị phố cổ Gia Hội

 Đình làng Thế Chí Đông vừa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh

Biểu tượng văn hóa của vùng đất

Theo sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết vào năm 1553), dưới thời nhà Mạc, làng có tên Thế Chí (Thế Chí Đông, xã Điền Hải và Thế Chí Tây, xã Điền Hòa), là địa danh được liệt kê trong danh sách 53 xã thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có nội dung, Thế Chí - Đông - Tây thuộc tổng Phú Ốc, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa; trong đó, tổng Phú Ốc có 4 xã, 2 phường: Phú Ốc, Bao La, Bác Vọng - Đông - Tây, Thế Chí - Đông - Tây, Thủy Lập, Xuân Tử.

Nguồn gốc cư dân làng Thế Chí Đông là từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An đến đây định cư lập làng vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVI. Quá trình hình thành và phát triển làng quê mới sôi động hơn từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (1558). Thế Chí Đông là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, người dân hiền hòa, yêu lao động, trọng lễ nghĩa và đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ngay từ khi lập làng, những cư dân đầu tiên đã ra sức giữ gìn và phát huy những vốn văn hóa mang theo từ quê cũ, kết hợp với kế thừa những tinh hoa văn hóa bản địa để sớm tạo lập cho mình lối sống đẹp, nề nếp gia phong trên vùng đất mới.

Cũng như bao làng quê khác, quá trình hình thành làng thì hệ thống các công trình kiến trúc, tôn giáo, như đình, chùa, miếu... cũng lần lượt ra đời nhằm đáp ứng về nhu cầu đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của dân làng. Đình làng trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, là điểm nối quá khứ và hiện tại. Đình Thế Chí Đông ra đời cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Theo lời kể của các bác trong ban điều hành làng, chưa biết được thời điểm cụ thể xây dựng Đình Thế Chí Đông, chỉ biết được rằng, ban đầu, đình được dựng theo kiểu kiến trúc nhà rường 5 gian, 2 chái với bộ sườn bằng gỗ, mái lợp ngói liệt. Trên các bờ nóc, bờ dải, bờ tè... trang trí hình tượng Long, Lân, Quy, Phụng... Trải qua thời gian, ngôi đình đã bị hư hỏng và bị đốt cháy hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Con dân trong làng đã đóng góp công sức xây dựng lại ngôi đình bằng bộ giàn trò gỗ, ngay trên nền đất cũ. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, ngôi đình khang trang, nhưng vẫn theo mô-típ kiến trúc Triều Nguyễn, mang đặc trưng của một ngôi đình xứ Huế.

Đình Thế Chí Đông mang nét đặc trưng về kiến trúc dân gian Triều Nguyễn, ít nhiều có sự kế thừa kiến trúc đình làng truyền thống ở Bắc Bộ. Mặt khác lại được bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với địa - văn hóa trong quá trình di cư từ Bắc vào Nam của người Việt, gắn liền với quá trình khai phá xứ Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn. Những đề tài trang trí ở đình đã góp phần phản ánh lên được tính chất của một làng quê có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Việt trên vùng đất mới. Đình Thế Chí Đông vẫn còn bảo tồn khá tốt các nguồn tư liệu Hán Nôm (hoành phi, đối liễn, sắc phong, địa bạ, văn tế…) rất có giá trị, phản ánh quá trình hình thành, phát triển, đời sống văn hóa xã hội, phong tục tập quán, chính sách điền thổ, thuế má của người dân qua các thời kỳ.

Phát huy giá trị

Đình Thế Chí Đông là nơi thờ vọng các vị có công khai canh, khai khẩn với làng, với nước. Đây cũng là nơi vào các dịp lễ tế, tảo mộ, tết Nguyên đán, các ngày lễ hội con dân trong làng tề tựu về đây để tưởng nhớ công đức của các bậc tiền bối đã có công dựng làng, lập ấp. Nơi đây, con dân trong làng gặp mặt, giao lưu tình cảm, thắt chặt tình làng nghĩa xóm và ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương.

Đình làng Thế Chí Đông chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức của dân. Đình là nơi thiêng liêng để con dân trong làng nhớ ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng, giữ nước… Đây không chỉ là nơi để gửi gắm những mong ước tâm linh của dân làng về cội nguồn và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất mới; nơi gắn kết quá khứ với hiện tại và tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết của con dân trong làng với cộng đồng xã hội của làng quê truyền thống.

Ông Cao Huy Mẫn, Chủ tịch UBND xã Điền Hải chia sẻ, những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại đình Thế Chí Đông trở thành nét đẹp truyền thống của dân làng gắn kết quá khứ, hiện tại với tương lai, để dòng chảy lịch sử không ngừng nối dài trong ký ức của mỗi một người dân xã Điền Hải nói riêng và người dân huyện Phong Điền nói chung về quê hương. Vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng quê hương Điền Hải ngày càng giàu đẹp.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền nhấn mạnh, những giá trị lịch sử, văn hóa của đình Thế Chí Đông sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian và có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau lòng yêu quê hương, đất nước. Nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc lưu giữ và ngày càng phát huy tốt hơn những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương. Đây cũng là tiền đề để huyện nghiên cứu, xây dựng các phương án phát huy giá trị, nhất là kết hợp khai thác du lịch đến với di tích.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

Được xem là đơn vị đi đầu cả nước và là hình mẫu về công tác bảo tồn, trùng tu di tích, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung đã có những chia sẻ thú vị với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về hành trình phục hồi và phát triển các giá trị di sản để góp phần đưa Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến hấp dẫn.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

TIN MỚI

Return to top