Nghề đúc đồng ra đời từ đầu thế kỉ 17. Những sản phẩm từ làng nghề cung cấp, phục vụ cho vương triều thời Nguyễn ngày trước. Hiệnnay, có nhiều kiệt tác trở thành di sản trong kinh thành Huế như, Cửu vị thần công, Cửu đỉnh, Vạc đồng, chuông chùa Linh Mụ, Diệu Đế… khiến du khách phải trầm trồ.
Sản phẩm đúc đồng với những họa tiết tinh tế giúp du khách hiểu hơn về văn hóa Huế
Tại Festival Nghề truyền thống năm nay, làng nghề đúc đồng giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu như, tượng Đạt Ma, Trống đồng, tượng Phật, chuông chùa, lư, bộ binh khí… được thực hiện qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân ở phường Đúc và phường Thủy Xuân.
Các sản phẩm đều được thiết kế tinh xảo, có kích thước lớn, mô phỏng giống hình dáng của những sản phẩm thời xưa. Những ai chọn không gian này thưởng lãm, họ có dịp quay trở về với quá khứ. Bà Công Huyền Tôn Nữ Thu Tịnh, cháu nội đời thứ 5 của vua Minh Mạng bày tỏ: “Tôi rất yêu quý những nghệ nhân đúc đồng, bởi ngày xưa, họ góp công vào kỳ tích chế tác những bảo vật của vương triều nhà Nguyễn. Nhờ bàn tay của các nghệ nhân, các sản phẩm đã lưu lại được nét văn hóa của vùng đất Thần kinh. Ngày trước, cho dù chẳng có sự hỗ trợ nào của phương tiện kkhoa học kỹ thuật, song chỉ với bàn tay và khối óc, những nghệ nhân tài tình cho ra những sản phẩm bây giờ trở thành biểu tượng".
Không gian trưng bày các sản phẩm đúc đồng cũng thu hút nhiều em nhỏ đến khám phá
Để có được những sản phẩm độc đạo trưng bày tại Festival Nghề truyền thống lần này, các nghệ nhân đúc đồng phải chuẩn bị hàng tháng trời. Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Viện tâm sự: “Tôi là thế hệ thứ 10 kể từ thời tổ nghề. Năm nay tôi tham gia Festival nghề với 6 sản phẩm. Mỗi tác phẩm chế tác từ đồng mất rất nhiều công đoạn và thời gian. Trong mỗi sản phẩm đều thể hiện hồn cốt của người thợ làm nghề. Ngày nay, sản phẩm từ đồng không chỉ là hàng hóa mà còn níu giữ nét văn hóa ngày xưa, giữ nghề nghĩa là giữ được văn hóa Huế”.
Nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong giới thiệu sản phẩm kim hoàn cho du khách
Tại không gian trưng bày ở Tịnh Tâm Kim Cổ, các sản phẩm từ nghề kim hoàn giúp du khách có dịp được “mở rộng tầm mắt”. Từ Festival Nghề truyền thống Huế lần đầu tiên, nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong và các học trò đều cho ra những sản phẩm đặc sắc, tâm đắc với nhiều chất liệu khác nhau. Năm nay, những tác phẩm được trưng bày có nhiều họa tiết cung đình, mang đậm nét văn hóa của vùng đất Cố đô, như: “Cổng Đại Nội Huế, "Cài áo Đại Nội Huế", "Châm hoa Lạc Việt", "Gương soi ánh nguyệt", "Quạt cung đình", áo dài kết bạc mang biểu tượng quốc hoa…
Ngoài những sản phẩm độc đáo, không gian này còn trưng bày những dụng cụ chế tác nên những sản phẩm kim hoàn có niên đại hàng trăm năm. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm, theo dõi các công đoạn tạo nên sản phẩm kim hoàn từ những người thợ thủ công lành nghề. “Festival Nghề truyền thống Huế 2017 là dịp các làng nghề trưng bày những sản phẩm tiêu biểu nhất. Đến với không gian triễn lãm sản phẩm nghề kim hoàn của chúng tôi, du khách có dịp ngắm nhìn những sản phẩm độc đáo, quốc hồn quốc túy. Trong đó phải kể đến bộ áo dài có đính bạc, đó là sự kết hợp của những tinh túy nghề kim hoàn và nét đẹp thơ mộng của tà áo dài. Với họa tiết hoa sen, người xem sẽ bất ngờ và mãn nhãn”, nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong cho biết.
Áo dài đính bạc với họa tiết hoa sen là sản phẩm mới của nghề kim hoàn tại Festival nghề truyền thống năm 2017
Thưởng lãm không gian trưng bày sản phẩm nghề kim hoàn, nhiều du khách không chỉ bất ngờ với đường nét sản phẩm mà còn như “lạc” vào không gian cổ kính, vừa hiện đại, vừa truyền thống. Anh Nguyễn Văn Châu, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi thích những sản phẩm được chế tác từ bạc. Dịp thăm Huế lần này, tôi đến Tịnh Tâm Kim Cổ để thưởng lãm và quả thực bất ngờ bởi nhiều sản phẩm vượt ngoài sự tưởng tượng, đường nét chế tác hết sức tinh tế, không gian trưng bày quá tuyệt vời. Những sản phẩm đều mang dấu ấn văn hóa Huế, nó khổng chỉ chứng minh trình độ của những người thợ lành nghề mà còn thể hiện được óc sáng tạo của nghệ nhân nghề kim hoàn”.
Bài, ảnh: L.Thọ