Nhà gươl có vai trò quan trọng, gắn với đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn nói chung và đồng bào Cơ tu ở Nam Đông nói riêng.
Một trong những công đoạn dựng nhà gươl do chính dân làng tham gia
Việc phục dựng nhà gươl nằm trong chương trình “Phục dựng và bảo tồn nhà cộng đồng truyền thống” được ĐH Kyoto (Nhật Bản) phối hợp cùng Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế và Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thực hiện. Theo nhóm nghiên cứu, sau một thời gian tìm hiểu, họ quyết định chọn vị trí xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại thôn A Ka bởi ngôi nhà nguyên sơ đã xuống cấp.
Trước khi bắt tay khởi công phục dựng nhà gươl, các chuyên gia đã trao đổi, tham vấn kỹ các ý kiến của cộng đồng từ hình thức kiến trúc, phương pháp xây dựng, vật liệu, quy mô sử dụng... phù hợp với thực tế của địa phương, giữ được bản sắc truyền thống. Bên cạnh đó, lên kế hoạch để người dân tham gia trực tiếp việc phục dựng, góp công sức vào việc tạo nên hình hài cho không gian văn hóa của đồng bào mình.
Trải qua thời gian phục dựng, đến thời điểm này, nhà gươl Cơ Tu ở thôn A Ka sừng sững hình hài trong niềm vui mừng của người dân. Hình dáng ngôi nhà xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống, mang bản sắc đặc trưng của người Cơ tu với màu sắc, mô típ điêu khắc trang trí, có bếp lửa, sân lễ hội... được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạc nên, vừa mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo và đẹp mắt.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, nhà gươl sau khi khánh thành sẽ được giao cho người dân địa phương quản lý, sử dụng căn cứ trên quy chế hoạt động. Ngoài là nơi tổ chức các hoạt động truyền thống, không gian này còn là nơi để du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhà gươl vừa được phục dựng này sẽ trở thành mô hình mẫu, làm cơ sở để nhân rộng cho các thôn khác trên địa bàn huyện Nam Đông.
Sau gần hai năm phục dựng, nhà gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng) của đồng bào Cơ Tu thôn A Ka (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông) đã hoàn thiện, đưa vào hoạt động
Trong quá trình phục dựng, tất cả các công đoạn đều được ghi chép, chụp ảnh, quay phim, vừa làm tư liệu lưu trữ vừa làm tư liệu giảng dạy và truyền bá kỹ thuật xây dựng truyền thống của dân tộc Cơ Tu. “Thông qua dự án này, chúng tôi hy vọng những nét văn hóa bản địa tốt đẹp của đồng bào Cơ tu sẽ luôn được bảo tồn, gìn giữ. Cùng với đó, tô đậm thêm giá trị văn hóa Cơ tu ngày càng đậm đà, tạo được niềm tin vững bền trong người dân trước nguy cơ văn hóa bản địa đang bị mai một dần”, TS.Tuấn nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Xuân Hồng (chuyên ngành Dân tộc học, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) đánh giá rất cao công trình khi được thực hiện theo phương pháp dựa vào cộng đồng. Bởi theo ông, sự mai một tri thức bản địa của các dân tộc đang rất đáng báo động, khi mà các già làng, nghệ nhân, thiếu môi trường, cơ hội để trình diễn, thể hiện, qua đó trao truyền cho thế hệ trẻ. Đáng báo động hơn, khi nhiều nghệ nhân, già làng-những người nắm giữ các tri thức kinh nghiệm - hầu hết đều lớn tuổi, hoặc đã qua đời. Và có khả năng sẽ vĩnh viễn mất đi kho kiến thức đã được tích lũy qua bao đời, nếu chúng ta không nhanh chóng tạo cơ hội, môi trường cho họ thực hành, trao truyền.
Dựa vào cộng đồng
Dự án phục dựng nhà gươl của đồng bào Cơ Tu ở thôn A Ka có tổng vốn 316,8 triệu đồng; trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại 125 triệu đồng (do ĐH Kyoto tài trợ) và vốn đối ứng 191,8 triệu đồng (được đóng góp bằng ngày công của người dân địa phương và vật liệu xây dựng). Sau khi kết thúc tài trợ, sự đóng góp của người dân địa phương cũng như các nguồn thu thông qua các chương trình tham quan nhà cộng đồng của du khách sẽ là nguồn kinh phí để tiếp tục các hoạt động bảo quản công trình.
Khác với nhiều dự án hỗ trợ triển khai phục dựng nhà cộng đồng Ở Nam Đông trong thời gian qua, việc phục dựng nhà gươl ở thôn A Ka hoàn toàn dựa vào cộng đồng. Đây chính là điểm nổi bật nhất của dự án về phương pháp tiến hành.
|
PHAN THÀNH - ANH TUẤN