Nhà gươl ở bản A Xăng
Trong ngôi nhà gươl truyền thống, già làng Ra Pát Gróc chuẩn bị sẵn một con gà cùng ché rượu cần ủ sẵn từ lâu. Lúc tôi ngồi bệt xuống sàn, bên chén rượu cần thơm nồng cũng là lúc già Gróc dùng đũa nhúng vào chén rượu, nói những câu của đồng bào để làm lễ đón khách. Xong “phần lễ”, già bảo: “Anh vào đây, tui phải xin thần linh cho phép được tiếp anh ở nhà làng. Đó là tục lệ từ bao đời của người Cơ Tu”.
Sau mấy bận “Um palích” (uống hết), ai cũng chếnh choáng men “Abuah” (rượu). Già Gróc hướng ánh mắt về phía sông A Kà, bắt đầu câu chuyện bằng việc kể về nguồn gốc của cái tên A Xăng. Dù không phải chuyện cổ tích nhưng cái tên A Xăng gắn với biết bao thế hệ người Cơ Tu. Già Gróc kể, trước khi du canh du cư đến đất Nam Đông, tổ tiên của người Cơ Tu vốn thuộc Quảng Nam. Bản làng của già sinh sống nơi xứ Quảng đóng chân ở phía rừng già có nhiều loài cây mà người Cơ Tu gọi theo tiếng đồng bào là “A Xăng”. Bởi thế, sau biết bao lần di dân khắp các vùng đất và cuối cùng định cư tại Nam Đông, cái tên A Xăng lại gắn bó với các thế hệ con cháu Cơ Tu nơi đây, trở thành tên riêng của bản.
A Xăng tựa lưng bên ngọn núi Ghon, phía thượng nguồn dòng A Kà xanh trong. Bếp lửa trong nhà gươl lúc chúng tôi trò chuyện chẳng cháy bùng như vào mùa lễ hội nhưng sàn nhà vẫn mát lạnh bởi những thanh tre được đan cầu kì, tinh xảo. Trụ chính giữa nhà đen bóng, tượng trưng cho trưởng làng, những trụ xung quanh tượng trưng cho dân làng.
Cột chính Nhà làng tượng trưng cho già làng
Ngồi trên sàn nhà gươl ở bản A Xăng, tôi nghĩ đến các ngôi nhà làng khác bằng bê tông kiên cố. Thật là ý nghĩa khi ngôi nhà này do chính tay dân làng đóng góp làm nên. Họ phải xuyên rừng, dựng lán trại ở tận Quảng Nam tìm kiếm nguyên vật liệu và mất hơn một tháng trời hoàn thành. “Trong bản có hai ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhà xây bằng xi măng để họp các công việc xã hội, còn nhà làng truyền thống để họp tục lệ làng, tổ chức các lễ hội của đồng bào Cơ Tu. Trước đây, nhà làng còn là nơi tổ chức đám cưới cho các đôi trai gái trong bản”, già Gróc nói.
Những ngôi nhà Gươl truyền thống như ở bản A Xăng của đồng bào Cơ Tu hiện chẳng còn nhiều. Trong lần trò chuyện với một cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông, tôi nhận được cái lắc đầu: “Nhà gươl nguyên bản của người Cơ Tu bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số đã bị bê tông hóa hết rồi”.
Chuyện nhà gươl bị bê tông hóa không mới, có chăng là bởi sự giao thoa văn hóa giữa đồng bằng và miền núi. Nhưng những ngôi nhà truyền thống còn lại trở nên hiu quạnh lại là chuyện đáng buồn. Ở đâu đó hay như chính ngay Thượng Quảng, Thượng Nhật (huyện Nam Đông), nhà gươl từng đưa vào du lịch và được xem như là một sản phẩm du lịch cộng đồng. Thế nhưng, sản phẩm ấy bây giờ ra sao?! Trong khi đó ở Nam Giang (Quảng Nam), người Cơ Tu vẫn làm du lịch chuyên nghiệp ngay chính bản làng.
“Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) của dân tộc Thái có ngôi nhà sàn truyền thống bên cạnh nhà sinh hoạt cộng đồng bằng bê tông. Nhưng ở đó, họ làm du lịch rất tốt. Họ có 4 đội văn naghệ múa xòe phục vụ du khách. Du khách đến được thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng của dân tộc Thái và ngủ lại nhà sàn để trải nghiệm. Người Cơ Tu ở Nam Đông cũng có nhà truyền thống, dệt thổ cẩm, nói lý, hát lý, cồng chiêng, đan lát, món ăn truyền thống mà lại không làm du lịch được, nghĩ cũng buồn!”, Ta Rương Mão, cán bộ Văn hóa Thông tin xã Thượng Long tiếc nuối.
Bài, ảnh: Quỳnh Viên