ClockThứ Bảy, 12/08/2017 14:31
KỶ NIỆM 90 NĂM BÁO TIẾNG DÂN RA SỐ ĐẦU TIÊN (10/8/1927-10/8/2017)

Thêm một số tư liệu quý về sự ra đời của báo “Tiếng Dân” tại Huế

TTH - Ngày 10/8 năm nay, những người làm báo Việt Nam sẽ kỷ niệm 90 năm báo “Tiếng Dân” - tờ báo Quốc ngữ khổ lớn đầu tiên của xứ Trung kỳ do Tiến sĩ Nho học Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút ra số đầu tiên ở Huế.

Các bức thư của cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung kỳ

Ngày 10/7/1926, cuộc họp đầu tiên của Viện Dân biểu Trung kỳ đã bầu Huỳnh Thúc Kháng giữ chức Viện trưởng, trụ sở đặt tại Huế (số 3 rue Jules Ferry). Lúc ấy, Huế có ông Nguyễn Khoa Tùng là 1 trong 38 nghị viên của Viện Dân biểu từng quen biết cụ Huỳnh từ nhiều năm trước. Nhà của vợ chồng ông bà Nguyễn Khoa Tùng và Đạm Phương Nữ Sử chỉ cách Đập Đá chừng hai trăm mét về hướng đi Thuận An. Ngôi nhà này gia tộc Nguyễn Khoa đã có vài đời sinh sống. Những năm 1930, các con của ông bà Đạm Phương lần lượt trưởng thành, người đi dạy học, người tham gia phong trào yêu nước bị bắt tù đày, hoặc bị giặc giết, người thì dựng vợ gả chồng... Bà Đạm Phương quyết định chia đất của gia tộc cho các con làm nhà ra ở riêng. Còn ngôi nhà ở gần Đập Đá thì giao cho cô con dâu cả - vợ ông Nguyễn Khoa Tú; sau năm Mậu Thân 1968, bà Tú đã bán lại cho người khác, người sau lại bán cho người sau nữa thành ra vị trí ấy bây giờ bị chia nhỏ nhiều phần với nhiều chủ nhân mới.

Sau khi nhậm chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, cụ Huỳnh đứng ra thành lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng và có ý muốn xuất bản một tờ báo bằng chữ Quốc ngữ tại Trung kỳ; cụ đã có vài lần ra Huế để bàn bạc với nhà yêu nước Phan Bội Châu và làm một số công việc của Viện Dân biểu.

Đầu tháng 10/1926, từ quê nhà Quảng Nam, cụ gửi đơn đến Toàn quyền Đông Dương P. Pasquier xin phép xuất bản tờ báo bằng chữ Quốc ngữ “Tiếng Dân”, cái tên theo gợi ý của cụ Phan Bội Châu, đặt trụ sở tại Đà Nẵng, nhưng người Pháp không chấp thuận. Lý do mà họ đưa ra là tờ báo ấy phải đóng tại Huế. Những quy định có tính kiểm soát báo chí của người Pháp khiến cụ Huỳnh phải suy tính sao cho thuận buồm xuôi gió để tờ báo sớm ra đời; những ràng buộc của chính quyền thực dân bắt cụ Huỳnh phải đặt cơ sở chính thức cho việc xuất bản tờ báo tại Huế.

Theo những ghi chép của bà Đạm Phương, mỗi lần từ Quảng Nam ra Huế, cụ Huỳnh Thúc Kháng thường về nhà ông bà Nguyễn Khoa Tùng tạm trú vài ngày để bàn công việc của viện và đàm đạo chuyện chính trị, văn chương, chuyện nhân tình thế thái. Từ ngôi nhà này, ngày 9/10/1926, Cụ Huỳnh viết bức thư bằng tiếng Pháp gửi cho Khâm sứ Trung kỳ, đề nghị ông này can thiệp, giúp đỡ để tờ báo “Tiếng Dân” của cụ sớm được xuất bản. Cũng từ địa chỉ này, với tư cách là Viện trưởng Viện Dân biểu, cụ đã có vài lần đến thẳng Tòa khâm để yêu cầu viên Khâm sứ giúp đỡ cho việc ra báo.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tìm được một số tư liệu quý liên quan đến nơi đặt văn phòng cũng như việc xin xuất bản báo Tiếng Dân ở Huế, đó là ba bức thư viết tay bằng tiếng Pháp của Huỳnh Thúc Kháng gửi cho Khâm sứ Trung kỳ và Toàn quyền Đông Dương đề nghị họ giúp đỡ, tạo điều kiện cho Cụ được xuất bản báo Tiếng Dân. Cả ba bức thư này hiện có tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt), phông Khâm sứ Trung kỳ.

Nội dung của ba bức thư được dịch giả Phan Thị Kim Liên, giảng viên Khoa Pháp, Đại học Ngoại ngữ Huế chuyển dịch.

Bức thư thứ nhất có nội dung như sau:

Huế, ngày 9 tháng 10 năm 1926

Kính gửi: Ngài Khâm sứ An Nam (Trung kỳ) tại Huế.

Thưa ngài Khâm sứ,

Tôi hân hạnh được thỉnh cầu ngài chuyển đến ngài Toàn quyền Đông Dương lời đề nghị của tôi về việc xin phép được công bố tờ báo "Tiếng Dân" với chương trình được đính kèm theo đây, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của ngài.

Tôi cũng rất biết ơn và mong ngài tác động với ngài Chủ tịch Thuộc địa về tờ báo của tôi và cho tôi có cơ hội được tiếp kiến ngài Chủ tịch về việc này trong thời gian ngài ở Huế.

Kính gửi đến ngài Khâm sứ lời chào kính trọng.

                            Huỳnh Thúc Kháng

Viện trưởng Viện Dân biểu

Tại nhà ông Nguyễn Khoa Tùng

Gần Đập Đá - Huế.

Tuy Khâm sứ có nhận được thư của cụ, nhưng lần ấy viên Toàn quyền Đông Dương không đến Huế, nên cụ chưa có dịp để tiếp xúc với viên quan này để trình bày nguyện vọng. Đầu năm 1927, qua Khâm sứ Trung kỳ, cụ biết tin Toàn quyền Đông Dương sắp đến Huế, cụ liền viết hai bức thư, một bức gửi cho Khâm sứ Trung kỳ và một bức nhờ ông Khâm sứ “chuyển đến ngài Toàn quyền Đông Dương lời đề nghị của tôi”...

Bức thư Cụ gửi cho Khâm sứ Trung kỳ có nội dung như sau:

Huế, ngày 14 tháng 1 năm 1927

Kính gửi: Ngài Khâm sứ An Nam tại Huế

Thưa ngài Khâm sứ,

Trong cuộc trò chuyện sau cùng với ngài, ngài đã cho tôi biết chuyến thăm sắp tới của ngài Toàn quyền tại Huế; tôi rất mong ngài chuyển thư đính kèm theo đây về việc xin yết kiến của tôi khi ngài Toàn quyền có chuyến thăm đến Thủ đô.

Xin gửi đến ngài Khâm sứ lời chào tận tụy và kính trọng sâu sắc.

(Đã ký tên)

Huỳnh Thúc Kháng

Tại nhà ông Nguyễn Khoa Tùng, ở Đập Đá, Huế.

Bức thư cụ Huỳnh gửi cho Toàn quyền Đông Dương có nội dung như sau:

Huế, ngày 14 tháng 1 năm 1927

Ông Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu An Nam

Kính gửi: Ngài Toàn quyền Đông Dương, nhân chuyến công tác tại Huế.

Thưa ngài Toàn quyền.

Tôi hân hạnh được thỉnh cầu ngài ban ân huệ cho tôi được yết kiến trong chuyến công tác của ngài tại Huế và cho phép tôi trình bày nguyện vọng với sự xem xét của ngài về tờ báo "Tiếng Dân" mà tôi đã xin thành lập. Mong ngài ấn định ngày và giờ cho buổi yết kiến này.

Xin gửi đến ngài Toàn quyền lời chào trân trọng.

(Đã ký tên)

Huỳnh Thúc Kháng

Tại nhà ông Nguyễn Khoa Tùng, ở Đập Đá, Huế

Sau khi đã có địa điểm đặt văn phòng tại Huế và hội tụ đủ các điều kiện theo quy định của người Pháp, ngày 12/2/1927, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ký nghị định cho phép Công ty Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ báo “Tiếng Dân” đóng trụ sở tại Huế.

Nhận được nghị định cho phép xuất bản báo Tiếng Dân, nhưng cơ sở in ấn và tòa soạn chưa có chỗ chính thức nên cụ Huỳnh vẫn phải đóng tạm văn phòng tại nhà ông Nguyễn Khoa Tùng gần Đập Đá.

Mãi đến tháng 4/1927, Công ty Huỳnh Thúc Kháng mới tậu được một cơ sở ở số 123 đường Hàng Bè (lúc bấy giờ còn gọi là quai Đông Ba - nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng) để đóng Công ty Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có cả Nhà in Tiếng Dân và Tòa soạn báo Tiếng Dân.

Để vận động và xúc tiến làm các thủ tục xin phép xuất bản báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã đóng văn phòng tại nhà ông Nguyễn Khoa Tùng đến mấy tháng trời. Địa chỉ liên lạc của Công ty Huỳnh Thúc Kháng và cũng như văn phòng liên lạc báo Tiếng Dân sơ khởi được đặt tại nhà ông Nguyễn Khoa Tùng do chính Huỳnh Thúc Kháng tự khai báo với nhà chức trách trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu và Chủ nhiệm báo Tiếng Dân.

Báo Tiếng Dân đã “nói được tiếng nói của dân”, tồn tại hơn 16 năm, xuất bản được 1766 số thì bị chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đình bản vào ngày 24/4/1943. Nhưng Công ty Huỳnh Thúc Kháng và Nhà in vẫn hoạt động và chỉ giải thể vào đầu năm 1946 trước lúc cụ Huỳnh ra Hà Nội nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Hồ Chí Minh.

DƯƠNG PHƯỚC THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top